LHQ đánh giá các vấn đề cản trở châu Phi phát triển

Cộng đồng quốc tế cần chung tay giúp châu Phi triệt tiêu tận gốc vấn nạn rửa tiền, trốn thuế, cũng như tìm ra biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự vận hành của dòng tiền bất hợp pháp - các nhân tố được đánh giá là đang làm kiệt quệ mọi nguồn lực tại châu lục 1,2 tỷ dân này.

Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (hàng trước, từ trái sang) tại hội nghị thượng đỉnh AU ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia ngày 9/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (hàng trước, từ trái sang) tại hội nghị thượng đỉnh AU ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia ngày 9/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 33 (AU Summit 2020) tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia hôm 9/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres chỉ rõ nạn tham nhũng là nguyên nhân quan trọng nhất làm cạn kiệt các nguồn lực giúp cho châu Phi phát triển. Chính vì vậy, ông Guterres khẩn thiết yêu cầu các nước châu Phi và cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống thuế cũng như nâng cao năng lực điều hành của chính phủ.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký LHQ kêu gọi lãnh đạo các nước châu Phi cần có những chính sách ưu tiên trong việc trao quyền cho phụ nữ trong bối cảnh vai trò của phái yếu tại châu lục vẫn còn rất thấp và mờ nhạt. Ông Guterres cho rằng các lãnh đạo tại châu Phi cần đưa vấn đề nâng cao vai trò phụ nữ vào trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại mỗi quốc gia.

Với chủ đề “Ngưng tiếng súng’’, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 33 lấy cảm hứng từ những cam kết trước đó của các lãnh đạo châu Phi nhằm kết thúc chiến tranh và ngăn chặn nạn diệt chủng đã từng nhấn chìm nhiều quốc gia tại châu lục này.

Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, Tổng thống Nam Phi Ciryl Ramaphosa đảm nhận vai trò Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) luân phiên thay cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.

Phát biểu sau khi nhậm chức Chủ tịch AU chiều 9/2, ông Ramaphosa chỉ ra các ưu tiên của AU trong năm 2020 bao gồm việc tăng cường đoàn kết châu lục, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đảm bảo song hành giữa ổn định chính trị và phát triển kinh tế, các biện pháp giải quyết xung đột và nâng cao vai trò của châu Phi trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới.

Tại hội nghị, tân Chủ tịch AU cũng cam kết sẽ nỗ lực thực hiện ngăn chặn các xung đột vẫn đang diễn ra tại Libya và khu vực Sahel, cũng như cắt đứt các nguồn tài trợ quốc tế cho các xung đột này. Ông Ramaphosa cũng bày tỏ sự đoàn kết của AU với nhân dân Palestine và người dân tại khu vực Tây Sahara - một trong vùng lãnh thổ gây chia rẽ về chính trị nhất tại châu Phi.

Theo ông Ramaphosa, với vai trò Chủ tịch AU, Nam Phi sẽ tổ chức một hội nghị bất thường về vấn đề ‘’Ngưng tiếng súng” vào tháng 5 tới tại Nam Phi để ‘’đảm bảo rằng tính độc lập và tự chủ của người dân châu Phi bây giờ không còn là vấn đề riêng của châu lục, mà là vấn đề chung của nhân loại’’.

Phi Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/lhq-danh-gia-cac-van-de-can-tro-chau-phi-phat-trien-20200210072222943.htm