LHQ: Các cuộc khủng hoảng toàn cầu đẩy sự tiến bộ của con người lùi lại 5 năm

Các cuộc khủng hoảng chưa từng có, đặc biệt là đại dịch Covid-19, đã khiến sự tiến bộ của con người lùi lại 5 năm và thúc đẩy làn sóng bất ổn toàn cầu.

Lần đầu tiên kể từ khi được sử dụng cách đây hơn 30 năm, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) đã giảm trong hai năm liên tiếp, vào năm 2020 và 2021, so với mức tăng đều đặn trong nhiều thập kỷ qua. (Nguồn: IFRCi)

Lần đầu tiên kể từ khi được sử dụng cách đây hơn 30 năm, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) đã giảm trong hai năm liên tiếp, vào năm 2020 và 2021, so với mức tăng đều đặn trong nhiều thập kỷ qua. (Nguồn: IFRCi)

Ngày 8/9, các hãng tin thông tấn đăng tải thông tin về Báo cáo phát triển con người năm 2022 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố.

Theo đó, lần đầu tiên kể từ khi được sử dụng cách đây hơn 30 năm, Chỉ số Phát triển Con người (HDI), thước đo về kỳ vọng cuộc sống, trình độ học vấn và mức sống của các quốc gia, đã giảm trong hai năm liên tiếp, vào năm 2020 và 2021, so với mức tăng đều đặn trong nhiều thập kỷ qua.

Chỉ số này đã giảm xuống bằng mức năm 2016 với nhiều tiến bộ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững bị đẩy lùi. Sự sụt giảm cũng mang tính toàn cầu khi chỉ số HDI tại hơn 90 quốc gia giảm trong năm 2020 hoặc 2021 và hơn 40 quốc gia giảm trong cả hai năm.

Trong khi một số quốc gia đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch, nhiều quốc gia khác ở Mỹ Latin, châu Phi cận Sahara, Nam Á và Caribbean vẫn chưa thể xoay sở trước khi cuộc khủng hoảng mới, xung đột ở Ukraine ập đến.

Các cuộc khủng hoảng chưa từng có, đặc biệt là đại dịch Covid-19, đã khiến sự tiến bộ của con người lùi lại 5 năm và thúc đẩy làn song bất ổn toàn cầu. Nhân tố đóng góp lớn vào sự sụt giảm gần đây của HDI là sự sụt giảm tuổi thọ toàn cầu, từ 73 tuổi vào năm 2019 xuống 71,4 tuổi vào năm 2021.

Bên cạnh đó là các nhân tố như biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và phân cực chính trị. Nhân loại hiện nay đang ở tình trạng bất ổn phức tạp "chưa từng thấy trong lịch sử loài người", làm tăng cảm giác bất an.

Trả lời phỏng vấn hãng AFP, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner cho rằng: "Điều đó có nghĩa là chúng ta chết sớm hơn, chúng ta được giáo dục kém hơn, thu nhập của chúng ta đang đi xuống", “Chỉ cần dưới ba thông số, bạn có thể hiểu tại sao rất nhiều người bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng, thất vọng, lo lắng về tương lai”; và “Mọi người đã mất niềm tin vào nhau”.

Mặc dù vậy, ông Steiner đánh giá Báo cáo đã đưa ra một lưu ý tích cực, theo đó, có thể cải thiện tình hình thông qua việc tập trung vào ba lĩnh vực chính như đầu tư, năng lượng tái tạo và chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai, bảo đảm vượt qua các cú sốc và đổi mới để tăng cường năng lực đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Cũng theo Báo cáo, Việt Nam có chỉ số HDI ở vị trí 115, tăng 2 hạng so với chỉ số 117 trước đây, thuộc nhóm các nước có HDI cao.

(theo UNDP)

Quang Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lhq-cac-cuoc-khung-hoang-toan-cau-day-su-tien-bo-cua-con-nguoi-lui-lai-5-nam-197521.html