LHP Việt Nam lần thứ 21: Phim điện ảnh nào sẽ đăng quang?

'Hai Phượng', 'Cua lại vợ bầu' và 'Lật mặt, nhà có khách' là những phim ăn khách nhất. Nhưng nếu xét theo chất lượng nội dung và nghệ thuật, những tác phẩm nổi bật hơn là 'Song Lang', 'Thưa mẹ, con đi', 'Tháng năm rực rỡ' hay 'Truyền thuyết Quán Tiên'.

'Khi con là nhà' là sự trở lại tích cực của Vũ Ngọc Đãng - Ảnh chụp màn hình

'Khi con là nhà' là sự trở lại tích cực của Vũ Ngọc Đãng - Ảnh chụp màn hình

Đến hẹn lại lên, 2 năm một lần, LHP Việt Nam lại diễn ra, quy tụ các tác phẩm và giới làm nghề, lần này là về thành phố biển Vũng Tàu. Như thường lệ, khu vực được quan tâm nhiều nhất là hạng mục Phim điện ảnh.

Lễ khai mạc LHP VN lần thứ 21

Cuộc tổng kết chưa đầy đủ

Là cuộc tổng nền điện ảnh trong một giai đoạn, theo lý là nên điểm danh tất tật những tác phẩm đã ra mắt trong giai đoạn đó. Nhưng, với việc chấm giải chỉ dựa trên các tác phẩm gửi dự thi, LHP Việt Nam thường không phải một cuộc tổng kết đầy đủ.

Cụ thể, với khung thời gian phim ra mắt từ 11.9.2017 đến 10.9.2019, giải Bông sen Vàng kỳ này thiếu vắng kha khá các tác phẩm chất lượng như Vợ ba (Nguyễn Phương Anh), Nhắm mắt thấy mùa hè (Cao Thúy Nhi), Vai diễn đổi đời (Nguyễn Đức Minh), Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi (Chung Chí Công), Ống kính sát nhân (Nguyễn Hữu Hoàng), Lật mặt: Ba chàng khuyết (Lý Hải), Chàng vợ của em (Charlie Nguyễn)...

Với sự vắng mặt của các tác phẩm này, nhiều gương mặt sáng giá cũng không có cơ hội cạnh tranh ở các hạng mục diễn xuất. Có một sự tiếc nuối dành cho Phương Anh Đào với 2 vai chính nổi bật trong Nhắm mắt thấy mùa hè và Chàng vợ của em. Bên cạnh đó, 2 diễn viên của Vợ ba là Nguyễn Phương Trà My và Maya cũng là ứng viên đáng chú ý cho giải Nữ chính và Nữ phụ. Hay gương mặt mới Trần Lê Thúy Vy với nét diễn tự nhiên trong Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi cũng là một điểm sáng.

"Tháng năm rực rỡ" vừa thành công doanh thu vừa có chất lượng

Nếu muốn một giải thưởng thực sự nhìn nhận sát thực điện ảnh Việt trong năm (Cánh diều Vàng) hoặc 2 năm (Bông sen Vàng), thiết nghĩ các Ban tổ chức và Ban Giám khảo nên chủ động đánh giá toàn bộ các bộ phim đã ra mắt theo hướng làm danh sách đề cử chọn lọc những Top ứng viên ở từng hạng mục, không nên bị động chỉ chờ vào các phim gửi đến.

Phim nhà nước: “Chỉ được truyền thuyết quán tiên”

Với hơn 30 phim gửi về dự thi (trong tổng số gần 80 phim đủ điều kiện), Ban tổ chức đã chọn ra 16 phim vào khu vực tranh giải. Đó là Khi con là nhà, 11 niềm hy vọng, Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Song Lang, 100 ngày bên em, Anh thầy ngôi sao, Lật mặt: Nhà có khách, Cua lại vợ bầu, Hạnh phúc của mẹ, Thưa mẹ con đi, Hai Phượng, Truyền thuyết về Quán Tiên, Nơi ta không thuộc về, Hợp đồng bán mình, Thạch Thảo.

Ngoài ra, có 15 tác phẩm chiếu chỉ được chọn chiếu không tranh giải. Ngoài Anh trai yêu quái (Vũ Ngọc Phượng) xin rút lui vì sau liên hoan phim mới ra rạp, nhìn chung sự phân hạng của Ban tổ chức là hợp lý. Trừ việc có lẽ nên chọn Vu quy đại náo (Lê Thiện Viễn) vào vòng tranh giải thay cho 11 niềm hy vọng (Robie Trường).

"Truyền thuyết về Quán tiên" là phim tốt nhất trong 4 phim nhà nước tham dự LHP lần này

LHP kỳ này đánh dấu sự trở lại của phim nhà nước sau kỳ LHP năm 2017 hoàn toàn vắng bóng. Trong 4 tác phẩm, trừ Hợp đồng bán mình (Trần Ngọc Phong) người viết chưa được xem thì Nơi ta không thuộc về - bộ phim hồi tưởng chiến tranh không phải một sự trở lại thành công của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền, Thạch Thảo (Mai Thế Hiệp) chỉ dừng ở một phim học đường xinh xắn. Duy có Truyền thuyết về Quán Tiên (Đinh Tuấn Vũ) với kịch bản dựa trên tác phẩm của cố nhà văn Xuân Thiều là gây ấn tượng hơn cả. Câu chuyện về những phụ nữ làm nhiệm vụ phục vụ ăn uống trong một hang đá thời chiến có khá nhiều mới mẻ dù khai thác đề tài chiến tranh quen thuộc. Đây có thể là một ứng viên tiềm năng của các giải thưởng trong liên hoan kỳ này.

Phim đầu tay sẽ lên ngôi?

Ở khu vực phim tư nhân, lần này có khá nhiều tác phẩm chất lượng khá đồng thời thành công về mặt doanh thu như Hai Phượng (Lê Văn Kiệt - hơn 200 tỉ đồng), Cua lại vợ bầu (Nhất Trung - 192 tỉ đồng), "Lật mặt: Nhà có khách" (Lý Hải - 117,5 tỉ đồng) hay Tháng năm rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng - 84 tỉ đồng).

Tuy nhiên, trong số này, để cạnh tranh giải Bông sen Vàng có lẽ ưu thế chỉ thuộc về bộ phim của đạo diễn Dũng "khùng". Tác phẩm hoài niệm về thời thanh xuân từng gây sốt hồi năm ngoái ghi dấu ấn ở cả khâu Việt hóa kịch bản lẫn diễn xuất "rực rỡ" của dàn diễn viên.

"Song lang" và "Thưa mẹ con đi" là 2 phim arthouse nổi bật

Hai Phượng có thiết kế sản xuất giỏi với những màn hành động mãn nhãn nhưng kịch bản còn đơn giản. Cua lại vợ bầu vẫn mang bóng dáng một phim ngôn tình pha hài chưa đủ độ sâu. Trong khi đó, Lật mặt: Nhà có khách với những màn cười sảng khoái và các pha hù dọa thót tim dù nỗ lực cài cắm tình mẫu tử nhưng vẫn dừng lại ở một phim giải trí hấp dẫn.

Trong những tác phẩm còn lại, Người bất tử (Victor Vũ) công phu trong sản xuất nhưng nội dung thường. 11 niềm hy vọng (Robie Trường) thì như đã nói, đáng lẽ không đáng có mặt trong danh sách phom tranh giải. Hạnh phúc của mẹ chỉn chu, là một bước tiến của Huỳnh Đông trên cương vị đạo diễn nhưng chưa đủ sức cạnh tranh Top đầu.

100 ngày bên em (Vũ Ngọc Phượng) là một phim tình cảm sạch sẽ, nhưng vẫn nặng ngôn tình. Anh thầy ngôi sao có lẽ là phim tốt nhất của đạo diễn Đức Thịnh và có thể cũng hợp tiêu chí nào đó của liên hoan phim khi làm về đời sống khó khăn của người dân đảo xa, nhưng chưa phải xuất sắc.

Nổi bật lên có hai tác phẩm thuộc dạng arthouse đều là phim đầu tay là Song Lang (Leon Lê) và Thưa mẹ, con đi (Trịnh Đình Lê Minh).

Cảnh trong phim "Thưa mẹ, con đi"

Lấy đề tài cải lương, bộ phim của Leon Lê gây xúc động với mối tình không lời của hai tâm hồn nghệ sĩ có hoàn cảnh trái ngược - người kép hát kẻ giang hồ. Tuy không ăn khách nhưng phim lại chinh phục được đông đảo khán giả sành điệu khi ra mắt năm ngoái. Tương tự là Thưa mẹ, con đi, bộ phim mà đạo diễn từng phải kêu gọi khán giả ủng hộ khi phim được xếp quá ít suất chiếu. Cũng là một phim có tình cảm đồng tính nam, nhưng tác phẩm của Trịnh Đình Lê Minh còn là câu chuyện gia đình đầy đặn, là những nét vẽ văn hóa tinh tế. Đây là 2 bộ phim nhiều ưu thế nhất trong cuộc đua Bông sen Vàng nếu xét trên khía cạnh nghệ thuật.

Ngoài ra, một tác phẩm cũng có khả năng đoạt giải (Bạc, Bằng khen) là Khi con là nhà của Vũ Ngọc Đãng. Không khí vừa hài hước vừa cảm động của tình cha con trong phim mang lại nhiều cảm xúc, tuy nhiên kịch bản còn đôi chỗ hơi tự nhiên chủ nghĩa.

Lễ bế mạc và trao giải của LHP Việt Nam sẽ diễn ra tối 27.11.

Hoàng Lê

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/lhp-viet-nam-lan-thu-21-phim-dien-anh-nao-se-dang-quang-126328.html