LHP Quốc tế Hà Nội: Nỗ lực cho một thương hiệu

Kỳ vọng của những người làm điện ảnh trong nước về một 'Cannes' của Việt Nam mới chỉ ở những bước khởi đầu.

Nếu so với kỳ liên hoan lần đầu tiên (năm 2010), Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V (năm 2018) đã nâng tầm về số lượng các phim và quốc gia tham dự. Nhưng kỳ vọng của những người làm điện ảnh trong nước về một “Cannes” của Việt Nam cho đến nay vẫn đang là những bước khởi đầu.

Nỗ lực với nhiều điểm mới

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 5, 2018 (LHP) sẽ diễn ra vào ngày 27 đến 31/10 tới. Với khẩu hiệu “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững”. Nếu so với kỳ LHP đầu tiên năm 2010 có 68 phim của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Thì đến lần thứ V, LHP đã có số lượng 500 phim của 49 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Điều này phần nào khẳng định sự mở rộng về quy mô của LHP.

Liên hoan phim cần được tổ chức thường niên

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh - Giám đốc LHP quốc tế Hà Nội lần thứ V cho biết, sẽ giới thiệu các tác phẩm điện ảnh xuất sắc được công chiếu lần đầu trong khoảng thời gian từ 1/11/2016 đến 1/7/2018, chưa từng dự LHP quốc tế nào trong khu vực châu Á, đây là điểm mới so với các LHP trước.

Thêm một nét mới của LHP năm nay là BTC sẽ chọn nhiều hơn phim Việt Nam cho các chương trình, hạng mục tại LHP. Trong đó, chương trình phim mới của điện ảnh Việt Nam giới thiệu 20 bộ phim truyện mới ra rạp. Theo bà Ngô Phương Lan, hai năm vừa qua, điện ảnh Việt có 80-90 phim điện ảnh được phát hành nên chọn 20 phim có chất lượng đưa vào hạng mục này là không khó.

Bên cạnh đó, sẽ có 2 chùm phim tài liệu, khoa học gồm những phim dài và phim ngắn, hai chùm phim hoạt hình được giới thiệu đến khán giả. Giải thích cho điều này, bà Lan cho biết: “Hai năm gần đây phim tài liệu, khoa học, hoạt hình Việt Nam có nhiều khởi sắc. Các thể loại phim này mang đến cái nhìn bao quát hơn về điện ảnh Việt Nam. Có thể thấy, những bộ phim ngắn được đầu tư bài bản về chất lượng kịch bản cũng như quy trình sản xuất đã và đang khẳng định vị thế trong các kỳ Liên hoan phim cả trong và ngoài nước”.

Bao giờ có thương hiệu?

Một trong những yếu tố để tạo thương hiệu của LHP, chính là sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước. LHP lần I từng thu hút những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như đạo diễn Philip Noyce của Hollywood, bà Hellen Harrington – giám đốc tổ chức các sự kiện Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ, nữ diễn viên Hàn Quốc Kang Soo Yeon, nam diễn viên Trung Quốc Trương Gia Huy cùng nhiều các tên tuổi khác đến từ các LHP Toronto, Berlin, Cannes, Busan, Bankok.

Cảnh họp báo công bố Liên hoan phim quốc tế HN 2018

Ở kỳ LHP gần đây nhất đầu tháng 11 năm 2016, khán giả cũng được gặp gỡ dàn sao điện ảnh Pháp gồm đạo diễn gạo cội Régís Wargnier và nữ diễn viên Catherine Deneuve của phim Đông Dương (từng được đề cử Oscar) cũng đến dự.

Tuy nhiên, nếu khẳng định thương hiệu trong khu vực và thế giới thì LHP quốc tế Hà Nội vẫn còn khá “trẻ”. Mới qua 4 lần tổ chức, kỳ vọng về một thương hiệu còn cần có nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa. Trong đó, việc tổ chức thường niên là cần thiết.

Đạo diễn Lương Đình Dũng- từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất châu Á tại Liên hoan phim Iran lần thứ 36 (năm 2018) chia sẻ: “Mới 4 lần tổ chức thì tôi nghĩ LHP Hà Nội đã làm được nhiều điều tốt rồi. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nhiều thời gian hơn và chiến lược bài bản thì mới có thể tiến đến một LHP uy tín. Đặc biệt cần phải có tính liên kết quốc tế không chỉ là tổ chức mà còn sức quảng bá mạnh vừa cho liên hoan vừa cho người tham dự hay người có cơ hội đoạt giải. Họ phải coi đây là cơ hội quảng bá hay bệ phóng cho phim của họ. Và cần được tổ chức hàng năm, bây giờ phim được sản xuất liên tục nên việc tổ chức 2 năm 1 lần là chậm so với thực tế và phim tốt họ có nhiều cơ hội đi các LHp diễn ra thường niên”.

Bà Ngô Phương Lan thừa nhận: “Nhiều liên hoan phim quốc tế trên thế giới được tổ chức hàng năm, trong khi đó, ở Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội tổ chức 2 năm/lần, đây là một trong những cái khó để Ban tổ chức có thể “hâm nóng thương hiệu”, thu hút sự chú ý của các nhà làm phim quốc tế. Hơn nữa, Ban tổ chức liên hoan phim thế giới đều rất chuyên nghiệp, còn thành viên Ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội phải chia sẻ việc quản lý nhà nước với sự kiện điện ảnh, cũng là thách thức không nhỏ”.

Đúng là không thể qua vài lần tổ chức, LHP quốc tế Hà Nội đã có thể có được thương hiệu trong khu vực và quốc tế. Như ông Kini Kim, Phó TGĐ tập đoàn giải trí và truyền thông CJ E&M, Hàn Quốc- khi tham gia LHP quốc tế HN năm 2016- từng đưa ra ý kiến khá chân thành: “Tôi nghĩ trước khi muốn vươn xa hơn thì điện ảnh Việt nên phát triển trên chính thị trường trong nước, đi lên từ nội lực. Cần dấn thân, tìm ra cái gì đó khác biệt, thì mới vươn xa hơn. Tất nhiên, cũng cần có quá trình chứ không thể một đêm trở thành nền điện ảnh lớn trong khu vực được”./.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/lhp-quoc-te-ha-noi-no-luc-cho-mot-thuong-hieu-359767.html