LHHVN tham gia góp ý nhiều dự thảo luật quan trọng

Thường xuyên góp ý các chính sách, dự án phát triển KT-XH quan trọng, LHHVN luôn phát huy vai trò nòng cốt trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Dự thảo Báo cáo Tổng kết Công tác nhiệm kỳ 2015-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa VIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã điểm lại những hoạt động nổi bật của Liên hiệp Hội Việt Nam trong 5 năm qua. Các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, truyền thông và phổ biến kiến thức; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… đều được tích cực triển khai và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Thực hiện hàng nghìn nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, trong giai đoạn 2015-2020, Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia góp ý nhiều dự thảo luật quan trọng, góp ý về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; tham gia phản biện nhiều dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội, cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng khác đạt kết quả đáng ghi nhận.

Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), một trong những dự án mà Liên hiệp Hội Việt Nam kiên trì phản biện

Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), một trong những dự án mà Liên hiệp Hội Việt Nam kiên trì phản biện

Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã triển khai trên 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, trong đó liên hiệp hội địa phương đề xuất kế hoạch và được lãnh đạo tỉnh, thành phố giao thực hiện 715 nhiệm vụ, Liên hiệp Hội Việt Nam chủ động triển khai 713 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Liên hiệp Hội Việt Nam cũng phối hợp với các tổ chức khác triển khai 894 nhiệm vụ. Hội ngành toàn quốc đề xuất kế hoạch và được lãnh đạo Bộ, ngành giao thực hiện 260 nhiệm vụ, chủ động triển khai 226 nhiệm vụ và phối hợp với cơ quan liên quan triển khai 268 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Dự thảo Báo cáo Tổng kết điểm lại một số nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội nổi bật, như Phản biện Dự án “đường sắt cao tốc Bắc - Nam”, Đề án “Quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050”, Đánh giá sự cố thủy điện Sông Tranh 2, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, phản biện báo cáo của Công ty Poiry về thủy điện Xayabury của Lào; Góp ý đề án “đổi mới cơ chế giáo dục”; Phản biện Dự án “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2020 có xét đến năm 2030”; Tư vấn phản biện dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); Amiang trong sản xuất vật liệu xây dựng...

“Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các đơn vị thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế xã hội quan trọng của ngành cũng như của đất nước, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, dự thảo Báo cáo Tổng kết khẳng định.

Phát huy các thế mạnh trong nghiên cứu khoa học

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ nhiều kinh phí cho các hội thành viên thực hiện các đề tài, dự án cấp Bộ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường, dự án điều tra cơ bản, kinh phí quản lý khoa học; Hỗ trợ các hội thành viên và các tổ chức KH&CN trực thuộc làm các thủ tục đăng ký các đề tài cấp nhà nước và các đề tài nghị định thư; Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức các hội thảo chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến khoa học, công nghệ và môi trường…

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN, thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam cũng được tích cực triển khai. Thông qua gần 400 tờ báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử và nhà xuất bản, Liên hiệp Hội Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới giúp nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng tính thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống cho người dân trên khắp các vùng miền của đất nước.

“Trong giai đoạn 2015-2020, hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức đã có nhiều bước tiến và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận”, dự thảo Báo cáo Tổng kết nêu rõ.

Tích cực tôn vinh trí thức, đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Về hoạt động tôn vinh trí thức, thời gian qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản tiếp tục hoàn thiện các quy chế về xét tặng khen thưởng các cấp. Hàng năm, nhiều tập thể, cá nhân được xét tặng nhiều danh hiệu khen thưởng. Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức thành công các Hội nghị tôn vinh Trí thức KH&CN tiêu biểu thuộc Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố và thuộc Hội ngành toàn quốc.

Đáng lưu ý, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức công bố “Sách vàng sáng tạo Việt Nam” cho các công trình đoạt giải xuất sắc các năm 2017 đến 2019. Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp, lựa chọn, bình xét và tôn vinh, trao Cup Trí thức KH&CN tiêu biểu và Bằng khen của Liên hiệp Hội Việt Nam cho 227 trí thức thuộc 148 hội thành viên (năm 2017); 112 trí thức thuộc các vị thành viên (năm 2019).

TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo Tổng kết Diễn đàn Trí thức KH&CN năm 2019 và đánh giá 10 năm thực hiện chiến lược phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Liên hiệp Hội Việt Nam luôn coi trọng nhiệm vụ chính trị đối ngoại, đã huy động, tập hợp các tổ chức trong hệ thống, tích cực, chủ động tham gia triển khai đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công chung của nền ngoại giao nước nhà. Nhiều tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực đấu tranh, lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo của Việt Nam đạt kết quả đáng ghi nhận.

Với các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức này đã huy động và trực tiếp triển khai gần 450 dự án với tổng giá trị viện trợ xấp xỉ 60 triệu USD từ nguồn viện trợ nước ngoài, trong đó phần lớn là các dự án tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế tổng hợp, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu trợ và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đặc biệt, từ năm 2015 nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc đã tiếp cận được nguồn viện trợ ODA, chủ yếu đến từ các nhà tài trợ lớn như USAID, EU, IrishAid, AusAid và một số tổ chức của Liên hợp quốc như FAO, UNFPA, UNOPS và Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét.

“Điều này phản ánh năng lực vận động viện trợ của một số tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đã tăng lên và cho thấy xu hướng các đối tác quốc tế tài trợ trực tiếp cho các tổ chức của Việt Nam trở nên rõ rệt hơn”, dự thảo Báo cáo Tổng kết đánh giá.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/lhhvn-tham-gia-gop-y-nhieu-du-thao-luat-quan-trong-3413573/