LHH Việt Nam: Gặp gỡ 2018 vì hợp tác và phát triển

Hội nghị tổng kết các tổ chức KH-CN trực thuộc LHH Việt Nam, Gặp gỡ 2018 vì hợp tác và phát triển thành công tốt đẹp.

Chiều 30/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHH Việt Nam) tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH-CN) trực thuộc LHH Việt Nam giai đoạn 2015-2018, gặp gỡ 2018 vì hợp tác và phát triển.

Chủ tịch LHH Việt Nam Đặng Vũ Minh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Chủ tịch LHH Việt Nam Đặng Vũ Minh cùng lãnh đạo Thường trực LHH Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh và các đại biểu đại diện cho các tổ chức KHCN, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội... tới tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch LHH Việt Nam Đặng Vũ Minh nhận định, dù đa số các tổ chức KH-CN trực thuộc LHH Việt Nam rất hạn chế về tiềm chất lực cơ sở vật chất, nhân sự, nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động song các tổ chức này đã chứng tỏ vai trò là môi trường tốt để thu hút, tập hợp lực lượng cán bộ KH-CN, trong đó có đội cán bộ trẻ, tạo cho họ cơ hội được cống hiến cho khoa học.

Nhiều tổ chức KH-CN rất mạnh trong nghiên cứu về môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, y - xã hội học... Rất nhiều các dự án, mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học được Triển khai nhân rộng hiệu quả.

Chủ tịch LHH Việt Nam cho biết, trong số 482 tổ chức, có khoảng 50 tổ chức thường xuyên vận động được các nguồn viện trợ nước ngoài, bao gồm cả viện trợ phi chính phủ và viện trợ ODA. Trung bình hàng năm các tổ chức này huy động được khoảng 80-90 dự án với tổng số vốn 10-20 triệu USD.

Số tiền này rất có ý nghĩa với các tổ chức và sẽ được trao toàn bộ cho những đơn vị đứng ra đăng ký các đề án, dự án này.

Một trong những khó khăn hay gặp nhất là các tổ chức KH-CN chưa được tạo điều kiện để có thể tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cùng với Luật KH-CN năm 2013, Nghị định 08/2014 /NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ, Thông tư 03/2014/TT - BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ. Hệ thống tổ chức phát triển khoa học và công nghệ đang được hình thành và phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tính đến nay có gần 4.000 tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động bao gồm cả các tổ chức trong nước cũng như quốc tế.

Một số tổ chức hoạt động khá hiệu quả, được các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương đặt hàng, tranh thủ thu hút khai thác được sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí của nước ngoài vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các tổ chức KH-CN vẫn tìm tòi, sáng tạo, cung cấp ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ rất thiết thực.

Ông Trần Văn Minh chúc mừng các tổ chức khoa học và công nghệ ngày càng trưởng thành, vững mạnh.

Hội nghị đã lắng nghe Báo cáo đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH-CN trực thuộc LHH Việt Nam giai đoạn 2016- 2018 do ông Trần Xuân Việt, Phó Trưởng ban KHCN & MT LHH Việt Nam trình bày.

Tại báo cáo "Công tác đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ" của bà Đỗ Quỳnh Hoa, Giám đốc Văn phòng đăng ký hoạt động KH-CN (Bộ Khoa học và Công nghệ), hàng năm, cơ quan này tiếp nhận từ 300-400 hồ sơ đăng ký mới và thay đổi, bổ sung của tổ chức KH-CN. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ đăng kỷ hoạt động của các tổ chức KH-CN trực thuộc LHH Việt Nam diếm từ 20-25% tổng số hồ sơ đơn vị đã tiếp nhận hàng năm.

Trong những năm gần đây, mỗi năm LHH Việt Nam đều rà soát, quyết định giải thể một số to chức KH-CN hoạt động không hiệu quả, nguồn thu không đủ đảm bảo chi trả cho các hoạt động thường xuyên, không đáp ứng được các quy định khi hoạt động.

Văn phòng đăng ký hoạt động KH-CN đã phối hợp với LHH Việt Nam hướng dẫn thủ tục giải thể cho các tổ chức KH- CN.

Dựa trên báo cáo của hơn 200 tổ chức KH-CN trực thuộc LHH Việt Nam, trong giai đoạn 2016- 6 tháng đầu năm2018, đã huy động được khoảng1.230 tỷ đồng, nộp 53 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách. Các tổ chức KH-CN được phê duyệt tiếp nhận 213 dự án viện trợ phi chính phủ, 11 dự án ODA với tổng kinh phí là 32.802.037 tỷ đồng.

200 tổ chức có 1.117 bài khoa học đăng trên tạp chí trong nước, 145 bài trên tạp chí quốc tế.

Trong quá trình hoạt động, các tổ chức đã triển khai 301 mô hình bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng, 158 mô hình ứng phó có sự tham gia của người dân, xây dựng 53 mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước, 413 hoạt động bảo tồn động vật, 151 hoạt động bảo tồn thực vật, xây dựng và vận hành 40 mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, 32 chiến dịch truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học, 53 mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió...).

200 tổ chức KH-CN đã đào tạo dạy nghề cho 12.863 thanh viên, trong đó nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo kỹ năng mềm cho 16.005 trẻ em...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/lhh-viet-nam-gap-go-2018-vi-hop-tac-va-phat-trien-3370202/