Leo thang thương mại Mỹ- Trung: 'Mập mờ' người thua, kẻ thắng

Căng thẳng thương mại kéo dài nhiều năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đã đột ngột “tăng tốc” theo chiều hướng xấu kể từ đầu năm 2018. Cả Washington và Bắc Kinh đều không ngừng đưa ra các đe dọa và đòn trả đũa nhắm vào thương mại song phương - với tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ bị áp thuế cao hơn đã lên tới hàng trăm tỷ USD và trải dài ở nhiều lĩnh vực, từ những sản phẩm nông nghiệp cho tới cả máy bay...

Một điều đáng chú ý là, các khiếu nại lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Kể từ khi chính thức gia nhập WTO vào năm 2001 đến nay, Trung Quốc đã 11 lần khiếu nại Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cũng đã 22 lần đệ trình các khiếu nại liên quan tới Trung Quốc lên WTO.

Trước hết, hãy cũng điểm lại những cột mốc chính trong leo thang căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ thời gian vừa qua.

Clip: Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hôm 22/3/2018

Những giằng có thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần chỉ là một cuộc chiến kinh tế, mà nó còn liên quan chặt chẽ tới chính trị. Với cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay, nhiều khả năng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khó duy trì được một cuộc xung đột lâu dài hơn với Trung Quốc.

Người đứng đầu nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Ông đã nhận được những lời phàn nàn từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, chất vấn về các quyết định liên quan tới thuế của mình. Hôm 5/4, Thượng Nghị sỹ Ben Sasse của bang Nebraska cáo buộc Tổng thống Trump “không có kế hoạch thực tế nào để chiến thắng lúc này” và “có khả năng đặt nền nông nghiệp Mỹ vào lửa bỏng”.

Ông Trump cũng phải đối mặt với sự giận dữ của Phố Wall – từ những nhà điều hành các tập đoàn lớn như Boeing, cho tới những nông dân vùng Midwest. Nhiều người trong số này đã từng bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và giờ đây đang cảm thấy bị phản bội. Một số nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa còn e ngại rằng, những hành động của ông Trump sẽ khiến Đảng này mất bớt ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Một thách thức lớn của ông Trump là ông không đưa ra được những chỉ thị và kết nối rõ ràng liên quan tới Trung Quốc. Ngài Tổng thống và đội ngũ của mình nói về ba vấn đề chính: thâm hụt thương mại, sở hữu trí tuệ Trung Quốc và chính sách công nghiệp của Trung Quốc (hay còn được biết đến với cái tên “Made in China 2025”). Tuy nhiên, ông Trump lại đưa ra được một yêu cầu nào thực sự cụ thể. Chính điều này đã khiến Trung Quốc có thể giữ vai trò một “nạn nhân”, trong những nỗ lực sửa chữa sai lầm của Mỹ.

Khác với Tổng thống Trump, nếu không có thay đổi nào bất ngờ, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nắm giữ vị trí quyền lực tối cao của Trung Quốc trong một thời gian rất dài nữa. Ông Tập cũng sở hữu một bộ máy truyền thông mạnh mẽ và hơn hết, là 3.000 tỷ USD thặng dư tiền mặt.

Tất cả những điều trên đem lại cho nhà lãnh đạo Trung Quốc khả năng phản ứng nhanh chóng trước các động thái của Tổng thống Trump. Ông Tập thậm chí còn có thể hỗ trợ các công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng trong thời gian tới và trợ giá đậu tương - khiến người tiêu dùng Trung Quốc không phải đối mặt với mức giá sốc tại các cửa hàng. Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009. Dự trữ tiền mặt của Trung Quốc giờ đây có thể không còn nhiều như lúc đó, tuy nhiên, vẫn lớn hơn so với Mỹ.

Trong khi hầu hết sự tập trung hiện nay đều hướng về cuộc “chạy đua” thuế quan, dường như Bắc Kinh vẫn còn có nhiều “chiêu bài” hơn để đối phó với Washington.

Bắc Kinh có thể dừng hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Họ cũng có thể bán đi một vài khoản nợ của Mỹ hay khiến các công ty của Mỹ như Nike, Disney, Apple… - hoạt động khó khăn hơn tại Trung Quốc. Còn đối với Mỹ, các động thái đáp trả hầu như là không đáng kể. Bởi vì, chính phủ Mỹ không có nhiều sự kiểm soát đối với các công ty hoạt động trong biên giới của mình.

Người đứng đầu nước Mỹ hiện đang tràn đầy tự tin sau khi chính quyền của ông tái thương thảo thành công Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc chỉ là nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới và đang phụ thuộc không nhỏ vào viện trợ quân sự từ Mỹ. Còn Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, và đương nhiên không phải chịu nhiều áp lực từ phía Mỹ như Hàn Quốc.

“Ông Tập sẽ không thể nói: Được rồi, Trump đang đe dọa chúng ta, vì vậy chúng ta nên đầu hàng”, Phil Levy, một học giả cấp cao tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu chỉ ra.

Clip: Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố về phản ứng của Trung Quốc trước khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hôm 6/4/2018

Tờ Washington Post nhận định, xét về mặt kinh tế, Trung Quốc sẽ là bên chịu nhiều thua thiệt hơn nếu một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện xảy ra. Nền kinh tế Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và 20% tổng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là sang thị trường Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc xuất sang Mỹ 506 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ. Trái ngược lại, giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ có 130 tỷ USD.

Trung Quốc không nhập khẩu đủ hàng hóa từ Mỹ theo như đề xuất mới nhất của Tổng thống Trump (nguồn: Bloomberg)

Còn Giáo sư Tôn Lập Bình, từ khoa Xã hội học, Đại học Thanh Hoa cho rằng, Trung Quốc “không thể đánh và không có cách nào đánh trong cuộc chiến tranh thương mại”. Ông đưa ra các nguyên nhân then chốt sau: sự phong phú tài nguyên của Mỹ có thể giúp họ phát triển trong một thời gian tương đối dài trong điều kiện bế quan tỏa cảng, còn Trung Quốc thì phải phụ thuộc nghiêm trọng vào tài nguyên bên ngoài; các kỹ thuật mũi nhọn nhất đa số đều nằm trong tay Mỹ, Trung Quốc phụ thuộc nghiêm trọng vào kỹ thuật của Mỹ; ngoại tệ của Trung Quốc phần lớn đến từ Mỹ, không có nguồn ngoại tệ đó, Trung Quốc không thể nhập khẩu những thứ Trung Quốc cần như lương thực, dầu thô...; Mỹ có bạn bè đồng minh nhiều, trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn với Trung Quốc, đó có thể là một đòn mạnh giáng vào kinh tế Mỹ nhưng họ vẫn còn có những thị trường lớn; còn Trung Quốc thì không có những điều kiện đó.

Phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc trong tuần này được coi là một thông điệp gửi tới Washington rằng, Bắc Kinh có thể theo đuổi được một trò chơi lâu dài.

Việc áp thuế lên 30% hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc xuất sang Mỹ như Tổng thống Trump đe dọa – gần như chắc chắn sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, nó sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với mức giá tăng cao đối với các mặt hàng như TV, giày dép, quần áo và thậm chí là cả iPhones...

Một số vùng của nước Mỹ sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nếu Trung Quốc thực hiện lời đe dọa trả đũa của mình. Có lẽ nông dân và các nhà sản xuất rượu vang của Mỹ khó có thể hiểu được, tại sao mình lại phải hy sinh trong cuộc chiến chống lại nạn vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

Hình ảnh biểu tình phản đối chính sách thuế mới của ông Trump lên thép và nhôm tại một số quốc gia (nguồn: Reuters, AP)

Theo Viện Brookings, tất cả các sản phẩm Trung Quốc đe dọa áp thuế cho tới thời điểm này, sẽ ảnh hưởng tới 2,1 triệu việc làm trên khắp 2.783 hạt (county) của nước Mỹ. Đáng chú ý, có tới 82% các hạt này từng bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Tổng thống Trump từng nói, nước Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Thế nhưng, Chủ tịch Tập Cận Bình lại không phát biểu như vậy. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, ông không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào của Washington. Tờ Washington Post nhận định, Chủ tịch Trung Quốc dường như đã chuẩn bị cho một chiến thắng chính trị dễ dàng nếu mọi việc trên địa hạt kinh tế trở nên căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, một số chiến lược gia và các chuyên gia đối ngoại có kinh nghiệm lại cho rằng, nhiều khả năng, ông Trump sẽ có được một số nhượng bộ nhỏ từ phía Trung Quốc và sau đó, tuyên bố chiến thắng của mình.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói, Trung Quốc chuẩn bị dỡ bỏ bớt những rào cản thị trường cho các công ty Mỹ; đồng thời, dừng việc ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Hôm 8/4, Tổng thống Trump cũng viết trên Twitter rằng, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại và cả hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận về sở hữu trí tuệ.

Nếu ông Trump có thể khiến những hứa hẹn này thành sự thật, rất có thể ông sẽ tuyên bố, mình đã làm được nhiều cho nước Mỹ hơn là những người tiền nhiệm Obama, Bush hay Clinton.

Tuy nhiên, những thay đổi đó sẽ không có nhiều tác dụng đối với thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hay ngăn chặn tốc độ phát triển của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Nếu ông Trump chỉ muốn những nhượng bộ nhỏ nhoi như vậy, trong tương lai, rất có thể ông sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc “khó chơi” hơn nữa.

Biên tập: Minh Đức, Hồng Nhung

Đồ họa: Minh Trang

Nguồn ảnh: Báo quốc tế

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/longform-leo-thang-thuong-mai-my-trung-map-mo-nguoi-thua-ke-thang-286830.html