Leo thang Mỹ - Trung: Loạt nước Trung Đông chịu áp lực chọn phe

Mỹ dự tính loại trừ sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong quá trình tái thiết Iraq và Syria thời hậu chiến.

Đây là nhận định của một cựu đại sứ Trung Quốc tại khu vực này, theo trích dẫn của tờ SCMP.

Sức nặng của Trung Đông đối với Trung Quốc

Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh. Tình hình này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một chỗ đứng lớn hơn về kinh tế trong khu vực, theo một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc.

Hua Liming, đại sứ Trung Quốc tại Iran từ năm 1991 - 1995, đưa ra ý kiến trên và cũng nói thêm một thỏa thuận mang tính bước ngoặt mới do Hoa Kỳ làm trung gian giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gần đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm cô lập Iran, một trong những đối tác kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Thỏa thuận UAE - Israel cũng được cho là nằm trong chiến lược làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông. Ảnh: AP.

Thỏa thuận UAE - Israel cũng được cho là nằm trong chiến lược làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông. Ảnh: AP.

Tuần trước, UAE đã trở thành quốc gia Ả Rập thứ ba, sau Ai Cập và Jordan, công nhận và có quan hệ ngoại giao với Israel. Đổi lại Israel đồng ý đình chỉ một kế hoạch sáp nhập gây tranh cãi khu vực Bờ Tây giữa họ với người Palestine.

Ông Hua là đại sứ Trung Quốc tại UAE từ năm 1995 - 1998, cho biết thỏa thuận này chỉ là một bước đi trong kế hoạch Trung Đông quy mô lớn hơn của Hoa Kỳ.

"Điều xảy ra tiếp theo có thể là Mỹ tiếp tục làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình giữa các quốc gia Ả Rập và Israel, vừa để hạ thấp vấn đề Palestine vừa đoàn kết các quốc gia Ả Rập để trấn áp Iran", ông Hua nói.

Ông cho biết Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận tuần trước và cho rằng việc có một khu vực ổn định và hòa bình cũng là lợi ích của Trung Quốc.

Trung Đông là nơi cung cấp 60% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc và ông Hua cho biết con đường chiến lược từ Vịnh Ba Tư đến eo biển Malacca là "vấn đề sinh tử" đối với nước này.

Khu vực này cũng là trung tâm của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – một sáng kiến thương mại lớn của Bắc Kinh nhằm liên kết các nền kinh tế trên nhiều khu vực của thế giới thành một mạng lưới thương mại và lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Tuy nhiên, ông Hua nói rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ làm suy yếu kế hoạch này, khi việc Mỹ "gây sức ép buộc các đồng minh Trung Đông phải tránh xa Trung Quốc".

"Các đồng minh của họ trên toàn cầu đang đối mặt với khó khăn khi [phải] chọn một bên giữa Washington và Bắc Kinh. Đây có thể là một vấn đề đau đầu đối với khu vực này khi họ đang rất cần tài chính", ông nói.

Áp lực này được thể hiện rõ rệt vào tháng 5 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Israel và cảnh báo về mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa nước này với Trung Quốc.

Trong chuyến đi, ông Pompeo đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tham gia xây dựng nhà máy khử muối lớn nhất thế giới ở Israel.

Chính phủ Israel sau đó đã lựa chọn công ty địa phương IDE Technologies cho dự án này, bỏ qua một chi nhánh của CK Hutchison Holdings - có trụ sở tại Hồng Kông.

Ông Hua cho biết Mỹ được cho là cũng sẽ gây áp lực lên các đồng minh trong khu vực để làm suy yếu các nỗ lực của Trung Quốc trong việc tái thiết Iraq và Syria.

Liên đới về vấn đề Iran

"[Nhưng] Trung Quốc sẽ ... tiếp tục phát triển mối quan hệ với các nước Trung Đông, bao gồm cả Iran," ông Hua nói.

Những mối quan hệ với Iran đã là điều được chú ý trong ngày vào thứ Năm, khi ông Pompeo đe dọa sẽ trừng phạt cả Nga và Trung Quốc nếu họ bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Iran.

Các lệnh trừng phạt này đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng Washington cáo buộc Tehran không tuân thủ thỏa thuận mang tính bước ngoặt này và Mỹ đã rút khỏi nó hai năm trước.

Một phát ngôn viên của phái bộ Trung Quốc tại LHQ cho biết Mỹ không còn là bên tham gia vào thỏa thuận hạt nhân Iran và do đó không có quyền hợp pháp để yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ áp dụng lại các lệnh trừng phạt này.

Người phát ngôn này cũng cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và quyền tài phán nối dài của Mỹ nhân danh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Trung Quốc và Iran cũng đang đàm phán một thỏa thuận về đầu tư và an ninh kéo dài 25 năm. Văn bản này được cho là có thể bao gồm điều khoản Trung Quốc rót tới 400 tỷ USD vào 100 dự án ở Iran, bao gồm nhiều lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, cảng, đường sắt và các dự án khác.

Fan Hongda, giáo sư nghiên cứu về Trung Đông của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết thỏa thuận giữa Tehran và Bắc Kinh vẫn chưa được hoàn tất, nhưng dù vậy, vẫn dấy lên hồi chuông báo động ở Mỹ và cũng vấp phải một số nghi ngờ ở cả Iran và Trung Quốc.

Trong một bài bình luận trên truyền thông Iran vào tháng trước, Fan cho rằng Iran và Trung Quốc nên nỗ lực để củng cố lòng tin lẫn nhau và nâng cao hiểu biết về nhau./.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/leo-thang-my-trung-loat-nuoc-trung-dong-chiu-ap-luc-chon-phe-20200821231222015.htm