Leo núi thể thao phải có trang thiết bị đảm bảo an toàn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Leo núi thể thao.

 Ảnh minh họa - Internet

Ảnh minh họa - Internet

Leo tự do (Lead): Hình thức leo có sử dụng dây bảo vệ, người leo mang theo dây từ dưới đất, vừa leo lên cao vừa móc dây vào các chốt bảo vệ sẵn trên đường leo.

Leo với neo trên đỉnh (Top-Rope): Hình thức leo có sử dụng dây bảo vệ được cố định sẵn từ trên đỉnh tuyến leo.

Leo khối đá (Bouldering): Hình thức leo theo các tuyến leo ngắn, không sử dụng dây bảo vệ mà sử dụng các tấm đệm bảo hộ dưới đất.

Dự thảo quy định cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu và biểu diễn như sau: Đối với Leo núi nhân tạo phải đáp ứng yêu cầu sau: a- Tường leo Lead và Top-rope: Khi tập luyện: chiều cao tối thiểu 4,5m; khi thi đấu và biểu diễn: chiều cao tối thiểu 12m; b- Tường leo Bouldering: Chiều cao tối đa 4,5m và phải có các tấm đệm bảo hộ dưới đất đảm bảo an toàn cho người leo khi bị ngã; c- Các mấu bám lắp trên tường leo phải đảm bảo tiêu chuẩn của châu Âu (EN 12572-3) và được lắp đặt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, phải được gắn vào tường một cách chắc chắn, không bị lỏng hoặc xoay vặn; d- Kết cấu khung, giá đỡ phải được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 2737:1995) và đảm bảo chắc chắn, chịu được tải trọng của toàn bộ tường leo và lực tác động của người leo.

Leo núi tự nhiên phải đáp ứng yêu cầu sau: a- Vách leo phải chắc chắn; b- Tuyến leo được cố định sẵn trên vách leo: Các chốt an toàn phải đảm bảo tiêu chuẩn của Liên đoàn Leo núi Quốc tế UIAA và được lắp đặt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, có khu vực vệ sinh, thay đồ, nơi để đồ dùng cá nhân cho người tập. Có các bảng nội quy, bảng chỉ dẫn được đặt ở những vị trí dễ nhận biết trong khu vực leo với các nội dung sau: a- Bảng nội quy quy định về: Giờ tập luyện; trang phục tập luyện và biện pháp bảo đảm an toàn khi tập luyện, thi đấu, biểu diễn; b- Bảng chỉ dẫn quy định về: Sơ đồ khu vực leo, số điện thoại của người có trách nhiệm quản lý leo và cách thức liên lạc khi cần thiết.

Trang thiết bị tập luyện, thi đấu và biểu diễn gồm: a- Giầy leo núi chuyên dụng, dây leo núi, đai bảo hiểm, móc leo, thiết bị hãm, móc khóa carabiner, mũ bảo hiểm chuyên dụng, túi phấn, dây neo phụ trợ tùy theo loại hình leo núi. Các thiết bị leo núi phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Liên đoàn leo núi quốc tế UIAA; b- Thiết bị thông tin liên lạc đảm bảo yêu cầu liên lạc thông suốt từ bộ phận điều hành tổ chức đến các vùng hoạt động Leo núi thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở thể thao và các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Khi thi đấu, biểu diễn cần có thêm hệ thống chấm điểm, đồng hồ bấm giờ, vạch giới hạn khu vực thi đấu và các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho vận động viên tham gia thi đấu theo quy định của Luật và điều lệ thi đấu của giải.

Mỗi người hướng dẫn tập luyện hướng dẫn không quá 15 người trong một buổi học.

Tổng cục Thể dục thể thao, Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về Leo núi Thể thao cấp quốc gia hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Leo núi thể thao. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Leo núi thể thao do cơ quan tổ chức tập huấn cấp.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tần Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/the-thao/leo-nui-the-thao-phai-co-trang-thiet-bi-dam-bao-an-toan/333069.vgp