Lênh đênh sóng nước đối mặt với cát tặc

PV báo PL&XH sau nhiều ngày hóa trang, mật phục, đối mặt với hiểm nguy đã ghi lại được những hình ảnh sống động nhất về nạn khai thác cát trái phép. Cũng trong năm 2018, loạt phóng sự: 'Sông Hồng không yên' của báo đã được Hội Nhà báo TP Hà Nội trao giải C báo chí Ngô Tất Tố, thể loại điều tra.

Ngay trong những ngày Chính phủ và UBND TP Hà Nội hạ quyết tâm xử lý cát tặc thì tại sông Hồng chảy qua địa bàn các huyện Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây, Hà Nội tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra công khai, thậm chí ngay sát trụ sở Đội TTKS đường thủy số 01, thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy, CA Hà Nội.

Để bắt tận tay và có những hình ảnh sống động nhất cảnh những con tàu khai thác cát trái phép thì việc đứng trên bờ quay gần như tính khả thi không cao, bởi thời điểm chúng tôi tiến hành loạt phóng sự cát tặc chuyển sang hoạt động vào ban đêm, thời gian thường bắt đầu từ 21g đến tận sáng sớm hôm sau. Chính vì vậy, việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng để quay từ trên bờ xuống lòng sông gần như không khả thi.

Ống rồng của con tàu này có thể cắm xuống lòng sông gần chục mét để hút được cát già có giá trị. Ảnh: K.H

Ống rồng của con tàu này có thể cắm xuống lòng sông gần chục mét để hút được cát già có giá trị. Ảnh: K.H

Cách tốt nhất vẫn là ngồi trên một con tàu hàng hoặc tàu khai thác cát để tiếp cận hiện trường. Dịp may đã đến, qua nhiều kênh thông tin, chúng tôi đã tiếp xúc được với Phương, một cát tặc hoàn lương. Thời điểm này anh đang có đơn gửi tới Phòng Cảnh sát đường thủy và CA TP Hà Nội tố cáo Đội trưởng Đội TTKS đường thủy số 01 có dấu hiệu bao che cho nạn khai thác cát trái phép. Thậm chí, tàu của anh khi bị Đội TTKS đường thủy số 01 bắt quả tang, thay vì phải dỡ bỏ máy thì lại được cán bộ của Đội hướng dẫn sang Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc mua máy hỏng về để thế thân. Phương nhiệt tình tìm một con tàu hàng được ngụy trang ống rồng hút cát hai bên sườn tàu giúp chúng tôi tác nghiệp.

Kế hoạch chi tiết được chúng tôi vạch ra nhằm nắm bắt quy luật hoạt động của cát tặc. Ròng rã gần hai tháng với hàng chục chuyến đi lúc chạng vạng chiều, khi tờ mờ sáng, cuối cùng chúng tôi đã nắm bắt được quy luật hoạt động của cát tặc trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây, trải dài theo một tuyến sông hơn 20km.

Buổi chiều, trước lúc xuất quân, sau khi đưa tôi chứng kiến cấu tạo của những con tàu hút cát, Phương đưa tôi đến một quán nước ven sông. Nhìn theo tàu hàng đang xuôi về hướng Long Biên, cậu giải thích: “Gọi là “cát tặc” nhưng thực ra cũng có dăm bảy loại. Loại có tổ chức, bao giờ cũng chia làm nhiều lớp lang canh gác, có dân xã hội, thậm chí là cả những người dân ăn mặc rất giản dị cũng bị mua chuộc làm tai mắt. Loại này sẵn sàng dùng vũ lực nếu bị ngăn cản. Dân các vùng hay bị sạt lở ven các con sông ở Hải Dương, Bắc Ninh, nhiều huyện của Hà Nội… vốn chẳng lạ gì đám này.

Hai hôm trước, ngồi nói chuyện với một cậu em đang công tác trong lực lượng CSGT đường thủy. Khi tôi hỏi nguy hiểm của nghề, cậu nói như dặn dò: “Ớn nhất vẫn là gặp phải chủ tàu bị bắt, bị tịch thu máy móc hút cát nhiều lần. Xót của, có khi họ sẽ có những hành động chống đối bột phát. Giữa mịt mùng bóng đêm bủa vây, giữa những cuộn xoáy xiết của dòng sông, nếu không cẩn trọng, chỉ cần ai đó huých nhẹ vào người cũng khiến ta văng xuống sông, trả giá đắt”.

19g, trên một khoảng đất thuộc huyện Ba Vì, con tàu nhỏ phành phạch cập bờ đón rồi hối hả đưa chúng tôi tới một tàu hàng to đùng, lầm lũi đứng im giữa sông trong màn đêm vây bủa. Trên tàu, bốn người đàn ông đang chờ sẵn. Thấy tôi ngạc nhiên, Phương giải thích, tàu này được cậu huy động từ Phú Thọ, đương nhiên khi nhìn thấy nó dân hút cát trộm sẽ chẳng nghi ngờ gì. Tàu nổ máy nhằm hướng Sơn Tây, Phúc Thọ thẳng tiến. Chẳng mấy chốc chúng tôi chui qua gầm cầu Vĩnh Thịnh. Thật lạ, đêm nay không phải ngày rằm nhưng mặt sông như được dát thứ ánh sáng hệt ánh trăng chiếu dọi. Sự hung hãn của những dòng chảy chiều nay tôi chứng kiến, giờ như tan biến, thay vào đó là vẻ êm đềm đến kì lạ của mặt sông.

Anh Hưng, thuyền trưởng giải thích: “Ánh sáng ấy, dân lái tàu gọi là bóng nước, chỉ có đi trên mặt sông mới thấy, nếu đứng trên bờ vẫn thấy dòng sông tối thui. Nhờ thứ ánh sáng này, người quan sát điều khiển tàu rất dễ. Đèn pha được dùng rất hạn chế, nó làm cho việc quan sát khó hơn, cũng như gây khó chịu cho các tàu đi ngược chiều”. Sông chảy qua huyện nào cũng đều có chủ, không phải ai muốn đến hút là được ngay. Tàu lạ, nếu không bị tàu trên địa bàn xua đuổi thì lập tức thông tin sự hiện diện của nó sẽ được báo ngay cho lực lượng cảnh sát đường thủy.

Gần 23g, chúng tôi tiếp cận được gần chục tàu khai thác cát khu vực Sơn Tây, ngạc nhiên hơn khi cảnh khai thác cát trái phép diễn ra ngay sát trụ sở Đội TTKS đường thủy số 01. Sau khi phát hiện tàu chúng, gần chục con tàu đang khai thác cát bỗng dưng ngừng làm việc. Rất nhanh, 4 tàu triển khai đội hình vây ép tàu lạ là chúng tôi vào giữa. Giữa tiếng động cơ tàu, không khí căng thẳng đến nghẹt thở. Phương nhanh trí lia đèn pin ngang qua ống rồng của tàu để đối phương biết toàn chỗ anh em cùng cảnh ngộ, đoạn cất tiếng hỏi xem cát ở lòng sông cánh có to không. Mối nghi ngờ được gỡ bỏ, ai lại vào việc ấy.

Liên tiếp trong các tháng 1,3, 4 và 5, các đồng nghiệp cũng đã ghi lại được nhiều hình ảnh khai thác cát trái phép dọc tuyến Ba Vì, Phúc Thọ và đương nhiên không thể thiếu vị trí sông như đã nói ở trên thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây. Tại Ba Vì, tư liệu trong tay chúng tôi là những thước phim ghi lại cảnh khai thác cát tại địa bàn giáp ranh thị trấn Tây Đằng và xã Chu Minh cuối tháng 3 và giữa tháng 4-2018.

Không chỉ dưới lòng sông, những ngày sau đó PV còn lần theo nhiều bến bãi tập kết cát trái phép rồi những chuyến xe tải quá khổ, quá tải trọng cày nát mặt đê. Mất thời gian nhất vẫn là cảnh khi chiều xuống hoặc lúc đêm tối khi nhà nhà quây quần sau một ngày làm việc, đây cũng là lúc PV phải sang làng Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc tiếp xúc với các nhân chứng để chứng minh việc họ đã chở những cỗ máy tàu thủy hỏng sang tập kết ở sân Đội TTKS đường thủy số 01. Đương nhiên, những cố máy này chính là vật thế thân để chủ tàu khi bị Đội TTKS đường thủy số 01 bắt quả tang vẫn thoát không bị dỡ máy móc.

Loạt bài đăng tải đúng thời điểm Hà Nội đang diễn ra kỳ họp HĐND nên có sức ảnh hưởng rất lớn. Tại giải báo chí Ngô Tất Tố đã được Hội đồng chấm thi đánh giá cao. Thế nhưng, sau những chỉ đạo của TP, tình hình khai thác cát trái phép dọc tuyến sông Hồng đoạn quan các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng, Sơn Tây chỉ lắng đi một thời gian. Đến giờ, hoạt động trên lại bắt đầu diễn ra công khai. Sông Hồng chưa có lúc nào bình yên. Các đồng nghiệp của tôi vẫn tiếp tục hành trình phanh phui sự thật ấy.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lenh-denh-song-nuoc-doi-mat-voi-cat-tac-152470.html