Lênh đênh những phận đời xem biển là nhà, thuyền là giường

Quanh năm suốt tháng bám biển mưu sinh, không ít lần gặp nạn khi ra khơi, nhưng đối với họ biển là cuộc sống, là ký ức, là tia hi vọng cho một tương lai phía trước.

Nỗi lòng những đứa trẻ miền biển

Những đứa trẻ say nồng giấc ngủ trên âu thuyền, những cậu bé gỡ lưới giúp bố mẹ, hay những gia đình ăn vội bát cơm để lấy lại sức sau một ngày làm việc dài đằng đẵng, đó là khung cảnh quen thuộc vào mỗi buổi trưa ở một góc cảng cá Cửa Sót, thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Nơi đây có khoảng 50 tàu thuyền trú đậu, không phải là người gốc bản địa, họ là những ngư dân ở Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình. Cứ vào dịp từ tháng 7-12 (Âm lịch), họ lại di chuyển vào vùng biển Hà Tĩnh để đánh bắt cá.

Một góc cảng cá nơi có hơn 50 tàu thuyền trú đậu.

Trên con thuyền nhỏ đang rẽ sóng vào bờ không chỉ là cánh đàn ông mà còn có những đứa trẻ. Họ đều mang một dáng vẻ trầm ngâm, khuôn mặt rũ rượi. Giường như cái mệt mỏi sau một đêm lao động miệt mài đã níu chùng những âm thanh vui vẻ trong lòng họ. Mỗi con thuyền là một hộ gia đình, những thuyền viên từ từ di con thuyền của mình neo vào đậu ở góc cảng.

Chưa kịp nghỉ ngơi những ngư dân lại lao ra thu dọn đồ để đưa chiến lợi phẩm mình vừa mang từ biển cả về bán cho thương lái, người mà ngư dân nơi đây hay gọi với cái tên quen thuộc "sếp".

Thuyền vừa cập bến, thấy em trai khóc, thằng anh Lê Tiến Quảng (13 tuổi) chạy lại bế rồi dỗ em nín bằng con cá mình vừa bắt được rồi cứ thế cười khúc khích. Ở đây không chỉ hai anh em Quảng mà có hàng chục đứa trẻ bỏ học từ rất sớm để ra biển mưu sinh cùng với gia đình.

Vừa dỗ em, Quảng vừa kể, học hết cấp 1, cậu bắt đầu theo bố mẹ đi biển, đến nay đã được 3 năm. Ngày ấy Quảng cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, cứ lớn lên, biết đến cái chữ, chúng đều nghỉ học theo nghề cha ông.

Được sinh ra và lớn lên ở làng biển Quỳnh Phương, sự mặn mòi của biển cả đã rèn rũa khiến cậu bé Quảng kiên cường và hiên ngang như những con tàu ra khơi. Dẫu là đứa trẻ mới ít tuổi, nhưng sự trưởng thành chính chắn thể hiện rõ ở cách làm, qua mỗi ngôn từ mà Quảng nói ra.

Chúng tôi hỏi Quảng ước mơ gì, cậu bé chỉ cười đáp: " Em không dám mơ ước nhiều, chỉ mong mình lớn lên thật nhanh, nếu có tàu lạ tấn công, mình còn sức mà phản kháng, chứ em giờ còn kém lắm".

Mới 13 tuổi, nhưng em Lê Tiến Quảng đã phải nghỉ học ra biển phụ giúp gia đình.

Một điều ước của cậu bé Quảng không lớn lao, nhưng đó lại là ước mơ duy nhất của cậu hiện tại. Những đứa trẻ miền biển đều ao ước được gắn bó với biển, bởi chúng xem biển như là một người mẹ, nuôi sống bao đời con người.

"Đi biển xa lại không được về quê nên nhiều khi thấy nhớ bạn bè, nhớ lớp nên buồn. Mỗi năm chỉ được về nhà những khi bão lớn, hay biển động còn lại quanh năm suốt tháng em ở, sinh sống trên thuyền", Quảng kể.

Cạnh thuyền gia đình em Quãng, chiếc thuyền của hai mẹ con em Nguyễn Văn Huy (SN 2002), quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), cũng vừa cập bờ sau một đêm trên ròng rã mưu sinh trên biển. Dưới cái lạnh tê tái của mùa Đông, nhưng trên khuôn mặt của Huy vẫn đổ những giọt mồ hôi.

Huy là con trai thứ 2 trong gia đình 4 anh chị em, sau khi học hết lớp 9, do hoàn cảnh khó khăn, nên Huy ra biển cùng mẹ đi biển kiếm thêm thu nhập. Mới hai năm "thâm niên" với nghề, nhưng cậu bé Huy đã tự làm thuyền trưởng mỗi khi bố vắng mặt.

"Nếu đi học thì vui, nhưng do hoàn cảnh gia đình em phải bỏ học ra biển. Những ngày mời đi làm chưa quen còn buồn, giờ làm nhiều rồi nên thấy yêu biển hơn, ngày nào không được đi đánh cá là thấy trống vắng ngày đó", Huy chia sẻ.

Gia đình chị Phạm Thị Hòa ăn cơm sau chuyến ra khơi trở về.

Biển như đã ngấm vào máu thịt

Tại đây, không chỉ có những em đang ở độ tuổi đến trường đã phải nghỉ học, mà còn có nhiều em mới chập chững bước đi đã cùng mẹ ra biển. Như cậu bé Đặng Đông (SN 2015) trú tại Quỳnh Phương (Nghệ An) khi vừa tròn 1 tuổi đã ra sống trên thuyền lênh đênh cùng gia đình.

"Mặc dù biết con đang còn quá bé, nhưng vì hoàn cảnh nên đành phải đưa cháu ra ở cùng để tiện chăm sóc. Đa phần trẻ con sinh ở miền biển quê tôi đều như vậy, cứ sinh ra đã biết đến biển, cho đến khi 3 tuổi sẽ đưa về quê nhà cho đi học", chị Lê Thị Hoa (mẹ bé Đông) chia sẻ.

Công việc vất vả, vướng bận con cái không được ra khơi cùng chồng nên chị Phạm Thị Hòa (trú tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) cũng như bao người phụ nữ khác phải ở trên bờ. Mỗi lần thuyền chồng cập bến, trong thời gian ngắn người phụ nữ phải đảm đương hết việc từ chuẩn bị cơm nước, gỡ lưới và bán cá cho các thương lái.

Dẫu năm nay mới 32 tuổi, nhưng Hòa lại mang gương mặt già hơn tuổi khi đã là mẹ của 3 đứa con. Vốn dĩ là con gái miền biển, từ nhỏ cô đã sống quen với sóng, với gió, với nắng nên khi 4 lên 5 đã theo bè mảng của cha mẹ mình lênh đênh trên biển, nên chuyện quanh năm suốt tháng sống trên biển Hòa xem đó là lẽ thường tình.

Do con còn nhỏ nên chị Hòa phải thuê nhà trọ ở nhà chăm sóc con, không thể ra khơi.

13 năm trước, Hòa kết hôn cùng chàng trai Lê Tiến Tuấn, người cùng xã rồi lần lượt sinh hạ được hai trai một gái. Hòa tự tin khi thủa nhỏ đã đưa con ra biển, quen hương vị mặn mòi nên ít bệnh, khỏe mạnh, rắn rỏi. Hơn nữa là chúng lớn nhanh như thổi, đứa lớn nay nghỉ học ra phụ bố mẹ, còn cậu út vừa mới chập chững bước đi cũng được đi ra sống trên biển.

Hòa cho biết, ở đây những người phụ nữ có con nhỏ sẽ thuê một phòng trọ rồi ở tại đấy, mỗi khi chồng đi biển về ra dọn dẹp, phụ giúp các công việc nội trợ. Do chợ ở xa, thực phẩm như thuốc men, đồ ăn nhẹ đều được chuẩn bị từ trước mới đưa lên thuyền.

"Ăn uống, sinh hoạt đều ở trên thuyền. Mỗi đêm chồng đi là mẹ con tôi vào nhà trọ để ở, vì con còn nhỏ không theo được. Nhiều hôm mưa bão, có đêm lo lắng tôi ngủ không yên vì nghề biển rất nguy hiểm", chị Hòa kể.

Không chỉ xem biển là sự sinh tồn, mà ngư phủ ở đây cũng xem biển như là hồn cốt. Đối với họ biển là cuộc sống thường ngày, là ký ức năm xưa và là hi vọng tươi sáng cho một tương lai phía trước.

Sau mỗi chuyến đi, ngư dân đều phải gỡ và vá lưới để chuẩn bị hành trang ngày tiếp theo.

Vốn sinh ra ở làng chài ven biển ở Thanh Hóa, tính ra đến nay ông Phạm Tiến Dũng (65 tuổi) bám biển đã được hơn 50 năm, nhưng chưa một lần có suy nghĩ mình sẽ từ bỏ nghề dẫu cho nhiều lần trở về với con thuyền nhẹ tênh.

Bằng chất giọng mặn mòi vị biển, ông Dũng kể, ngày nào cũng vậy, sau khi ăn uống, nghỉ ngơi đến khoảng 1-2h sáng bắt đầu đoàn thuyền, tàu của ngư dân tránh đậu ở đây cùng nhau buông neo ra khơi. Ngư dân quan niệm, đàn ông là cánh buồn đầu sóng ngọn gió nên phận đàn bà chỉ ở lại khu nhà tạm vá lưới mà không phải ra biển. Một quy luật nơi đây áp sẵn đối với tàu thuyền là cứ đến 12h trưa các ngư dân phải trở về neo đậu tại cảng.

"Thú thật nghề biển nguy hiểm, có những hôm trở về với con thuyền nhẹ tênh, có những đêm gặp nạn thuyền lật trên biển, nếu không có người cứu thì cũng chết vì nghiệp. Nhưng biển như ngấm vào da thịt, nếu ai theo nghề biển thì họ sẽ không thể bỏ nghề được", ông Dũng ngậm ngùi nói.

Ngân Khánh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lenh-denh-nhung-phan-doi-xem-bien-la-nha-thuyen-la-giuong-20190124151219994.htm