Leng keng leng keng! Mời quý vị lên chuyến tàu tới Quán Thanh xuân

Quán Thanh xuân số tháng Mười/2020 đặc biệt làm sao khi được phát sóng truyền hình trực tiếp trên VTV1 cùng ngày kỉ niệm Giải phóng Thủ đô, ngày khiến đa phần chúng ta đều cảm thấy bồi hồi lắng đọng nhớ về những câu chuyện xưa cũ. Khách mời của chủ đề 'Leng keng ngày tháng cũ' đều là những người gắn bó với Hà Nội từ rất lâu, là bác Lê Văn Lan, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Nhà thơ Vũ Quần Phương, Nhạc sỹ Thành Chung, Nhà thiết kế Đức Hùng, NSƯT Lê Khanh.

Sân khấu Quán Thanh xuân bỗng hiện ra khung cảnh Hà Nội những năm trở về trước. Tiếng tàu điện leng keng, leng keng dừng đỗ đón khách nhộn nhịp, đi qua các con phố thân thương xôn xao những tiếng rao hàng: “Xôi lạc, bánh khúc đây!”, “Ai bánh bao đi!”, những gánh hàng rong đông khách nghi ngút khói… Lũ trẻ con đánh đu vào thành tàu, chờ tàu đi chậm lại là nhảy ào xuống chạy đi tứ phía. Mỗi chuyến tàu đi qua mang đến những cảm xúc ồn ào, tất bật thường ngày nhưng thơ mộng đến lạ! Vậy mới thấy ê-kíp của Quán Thanh Xuân phải tài tình cỡ nào mới dàn dựng được nên khung cảnh Hà Nội của 50-60 năm trước vừa rất thật, lại sống động tới vậy!

Khách mời - Họa sỹ Thành Chương có lẽ là người gắn bó và có nhiều kỉ niệm nhất với tàu điện. Họa sỹ có một tuổi thơ bươn trải giúp đỡ gia đình từ rất sớm, thường xuyên tiết kiệm bằng cách trốn vé tàu đi từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại. Câu chuyện đi lậu vé rồi nhảy tàu dường như là chuyện thường ngày. Những pha nhảy tàu cũng cần phải luyện tập để giữ được thăng bằng khi đáp đất, thậm chí anh còn ấn tượng mãi một người bạn tinh vi đến độ nhảy xuống đất là giữ được thăng bằng, đứng nguyên một chỗ không nhúc nhích!

Cha đẻ của NSƯT Lê Khanh, ông Trần Tiến cũng có chiến tích “nhảy tàu” tự hào qua lời kể của cô con gái. Chị Lê Khanh chia sẻ, ông có kĩ năng, thần thái ngút trời qua cách nhảy tàu. Nhờ những pha nhảy tàu lãng tử của ông mà mẹ của NSƯT Lê Khanh trúng tiếng sét ái tình!

Tàu điện qua góc nhìn của Nhà thơ Vũ Quần Phương lại khác, ông chia sẻ thời đó tàu điện là phương tiện dành bà con áo ngắn, chứ ít dành cho những cô gái tân thời áo dài. Bởi nét lam lũ, mộc mạc, có phần hơi xô bồ ấy dễ thân với con người lắm. Rất nhiều người đã tìm ra cơ hội kiếm ăn trên những chuyến tàu điện, như cả gia đình kết hợp hát xẩm kiếm tiền. Bố mẹ hát xẩm, con trẻ ôm chậu thau đi xung quanh xin những đồng tiền lẻ. Hát xẩm cũng như một thông tấn xã, những tin tức đời thường cũng được dùng làm ca từ, khéo léo đưa vào bài xẩm. Rồi tàu điện cũng là nơi người dân tổ chức mua bán, nào sách, thuốc, bật lửa,… đều có thể tìm thấy trên tàu.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cảm thấy ngạc nhiên bởi những câu chuyện rất đỗi vui vẻ và đời thường tới vậy của các vị khách mời. Giáo sư giải đáp thắc mắc bấy lâu nay rằng vì sao thời đó Hà Nội ít người mà lại lắm chuyến tàu điện tới vậy. Đó là do người Pháp thời xưa khi quy hoạch Hà Nội, họ chọn Hồ Hoàn Kiếm là trung tâm thành phố. Ga trung tâm cũng ở Hồ Hoàn Kiếm (bây giờ là tòa nhà Hàm Cá mập). Tuyến tàu đầu tiên xuất phát từ Ga trung tâm tới 69 Thụy Khuê, đi qua các điểm buôn bán chính như Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Quán Thánh. Sau này phát triển thêm tuyến đi chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Hôm… đều đưa về những điểm kinh tế trọng điểm.

Phải nói rằng đầu óc kinh tế của người Pháp thời ấy đã rất nhạy bén. Ngoài ra có một chuyến tàu với khoảng cách dài nhất là 11km, đi từ Bờ hồ tới Thái Hà Ấp, sau đó đi vào Hà Đông. Dễ dàng nhận ra rằng Dinh cơ của Kinh lược xứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải thời đó nằm ở Thái Hà Ấp, còn Hà Đông là khu đất mà con trai của cụ là Tổng đốc Hoàng Trọng Phu cư ngụ. Có thể nói đây là chuyến tàu duy nhất với mục đích chính trị mà người Pháp xây nên để “chiều” các ông quan Việt Nam ta.

Những tiểu phẩm nhỏ của Quán Thanh xuân tái hiện lại rõ nét những điều bình dị thường ngày như câu chuyện của các anh bán hàng rong, rao bán hàng thế nào để hấp dẫn người mua hơn. Hay câu chuyện dân dã thường gặp ở những quán bia, nơi kết nối của dân nhậu và dân lao động.

Họa sỹ Thành Chương sau khi xem tiểu phẩm về anh bán hàng rong chợt nhớ lại bài hát chế về cô hàng xôi: “Cô hàng xôi ơi, bán tôi hai hào, ôi sao nhạt thế,… Xôi cô ngon ghê nhưng mà tôi chê với cô một điều, móng tay cô dài cô gãi lên đầu chấy rơi vào xôi!”. Phải nói rằng thời đó có rất nhiều bài hát vui, hát chế về các ngành nghề, bởi chúng ta luôn có cái nhìn tích cực, nhiều niềm vui để khích lệ nhau sau những sự vất vả, lam lũ ngoài xã hội.

Nhắc tới tàu điện thì không thể thiếu hình ảnh văn hóa vỉa hè rất đặc trưng của người Hà Nội. Những bức tranh rất đỗi thân thương về Hà Nội của họa sỹ Bùi Xuân Phái đều không thể thiếu hình ảnh những gánh hàng rong, anh xích lô, xe ba gác trên vỉa hè. Nhà thiết kế - NSƯT Đức Hùng là người có nhiều kỉ niệm với vỉa hè nhất bởi thói quen la cà vỉa hè hàng ngày. Xa xưa hơn nữa khi còn nhỏ, vỉa hè là nơi anh cùng bạn trang lứa chơi nhảy ô, nhảy ngựa, bịt mắt bắt dê… vỉa hè thời ấy như là công viên của lũ trẻ con vậy.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính là người đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội từ năm 1966. Ông chia sẻ khi từ Nghệ An ra Hà Nội, cảm xúc khó tả mà đặc biệt lắm! Kích thước đường phố, nhà cửa sao to hơn ở quê mình vậy! Nhà cao to, đường rộng rãi, tuy rằng không khí chiến tranh vẫn còn đây nhưng phố xá vẫn bình yên nhẹ nhàng đến lạ. Với ông, mỗi vỉa hè đều có những câu chuyện, giá trị riêng, đó là tình yêu, là kinh tế đường phố, phản ánh về xã hội, lịch sử văn hóa của đô thị Hà Nội.

Hồ Gươm - trái tim của Hà Nội luôn là nơi để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc đẹp, lãng mạn theo nhiều cách riêng. Và Hà Nội cũng vậy, Hà Nội trong lòng những người yêu xa vẫn luôn mang lại cảm giác bình yên, thân thương mà không nơi nào có được.

Kiều Mai

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/leng-keng-leng-keng-moi-quy-vi-len-chuyen-tau-toi-quan-thanh-xuan-580645.html