Lên tuyến đầu chống COVID-19, nhân viên y tế Ấn Độ nhận lương 10.000 đồng/ngày

Khoảng 900.000 lao động nữ trong lĩnh vực y tế của Ấn Độ đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 với mức lương rẻ mạt.

"Mạng sống của chúng tôi chỉ đáng giá 30 rupee (chưa đến 10 nghìn đồng)", Alka Nalawade, nhân viên y tế cộng đồng ở bang Maharastra chia sẻ. "Chính phủ trả chúng tôi 1.000 rupee mỗi tháng cho những công việc liên quan đến dịch COVID-19, tức là 30 rupee mỗi ngày để đặt mạng sống của chúng tôi vào nguy hiểm".

Nalawade là một trong 70.000 "ASHA", lực lượng nhân viên y tế cộng đồng do Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình thành lập, ở bang Maharashtra. Cô là mẹ đơn thân và đã làm công việc này suốt 10 năm ở làng Pawarwadi.

Các ASHA đến từng nhà ghi chép thông tin sức khỏe người dân.

Các ASHA đến từng nhà ghi chép thông tin sức khỏe người dân.

Các ASHA được tuyển dụng từ vùng nông thôn và là những nhân tố chủ chốt trong hệ thống y tế cộng đồng ở Ấn Độ. Họ phải đến từng nhà để tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, công tác tránh thai, tiêm chủng và vệ sinh dịch tễ.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiệm vụ của ASHA không có nhiều thay đổi. Họ vẫn ghé thăm từng hộ gia đình theo sự phân công và tuyên truyền về cách ly, theo dõi triệu chứng. Tuy nhiên, mối đe dọa mà họ phải đối mặt lớn hơn rất nhiều.

Họ không có trang thiết bị cần thiết, như khẩu trang hay nước sát khuẩn. Ấn Độ đang trong cảnh thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ cá nhân trầm trọng, thậm chí cả các y bác sĩ cũng không có để dùng.

Nhiều người cho biết, họ chỉ có khẩu trang vải giặt lại để dùng, đôi khi chỉ là một tấm khăn hay miếng vải. Dung dịch sát khuẩn là cồn pha với nước.

"Bất cứ nơi nào thiếu trang bị bảo hộ, chúng tôi đều có chỉ đạo cho cơ quan quản lý ở địa phương", Rajendra Yadravkar, Bộ trưởng Bộ Y tế bang Maharashtra cho biết.

"Các ASHA đang liều mạng vì mức lương rẻ mạt. Họ cần được bảo vệ. Chính quyền phải có trách nhiệm hỗ trợ họ", ông Yadravkar cho biết.

Maharashtra là bang có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất ở Ấn Độ.

Những lời phát biểu này không đủ để trấn an các ASHA, hoặc những người thân luôn căn ngăn họ làm công việc nguy hiểm.

"Chồng tôi nài nỉ tôi không đi làm. Anh ấy nói rằng hãy để cho những người được trả lương xứng đáng, như bác sĩ hay điều dưỡng tới làm việc", Karuna Shinde, một nữ ASHA cho biết.

Ngoài mối đe dọa nhiễm bệnh, các nhân viên y tế còn có nỗi lo về sự an toàn cho bản thân. Có những trường hợp nhân viên y tế bị tấn công ở nhiều nơi trên cả nước.

Theo lời Nalawade, mức lương 1.000 rupeee mỗi tháng không đủ bù lại những hiểm nguy mà cô và các đồng nghiệp phải đối mặt.

Nalawade nói rằng cô có thể kiếm được gấp 10 lần số tiền ấy nếu ra đồng làm thuê.

"Làm sao chúng tôi có thể trang trải được chi phí cho cả nhà chỉ với 30 rupee? Nếu chúng tôi nhiễm virus thì sao? Ai sẽ chăm sóc chúng tôi? Liệu chúng tôi có được chữa trị với 30 rupee?", Nalawade chia sẻ.

Nhân viên y tế ở Ấn Độ không có đủ trang bị bảo hộ.

Đó là chưa kể đến việc bị kỳ thị chỉ vì đi làm công việc của mình. Chủ nhà thường không cho ASHA vào bên trong khi họ đến ghi chép thông tin.

"Chúng tôi làm việc vì mọi người, nhưng nếu mọi người cư xử như vậy thì chúng tôi thực hiện công việc này để làm gì?", Nalawade nói.

Một người khác tên là Anjada Wankhede chia sẻ: "Chẳng ai nhắc đến công sức của chúng tôi. Từ Thủ tướng đến Bộ trưởng, ai cũng chỉ ca ngợi bác sĩ và cảnh sát. Chính phủ làm mọi thứ dựa trên số liệu, nhưng chẳng bao giờ họ nói về những ASHA thu thập những con số đó".

Minh Ngọc (Nguồn: BBC)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/len-tuyen-dau-chong-covid-19-nhan-vien-y-te-an-do-nhan-luong-10000-dongngay-ar540746.html