Lên Sà Phìn A xem người Mông đổi đời từ tấm lanh trắng

Những tấm lanh trắng đã 'dệt cuộc đời' mới cho những người phụ nữ bất hạnh của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A (Đồng Văn, Hà Giang).

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A, nằm ngay trước cổng vào Dinh thự Họ Vương thuộc xã Sà Phìn, Đồng Văn. Tháng 3/2018, HTX chính thức đi vào hoạt động. Hai mươi nhân tố ban đầu của HTX có người là hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, là người tàn tật, nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người qua biên giới… Hiện nay, 95 thành viên thuộc 15/19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn tham gia vào HTX.

Những người phụ nữ dân tộc Mông chẳng biết nghề dệt lanh trắng có từ khi nào, chỉ biết rằng, nguyên liệu chính để làm nên những tấm thổ cẩm là từ những sợi lanh. Những người phụ nữ thuộc HTX tự trồng lanh, lựa chọn kỹ càng, ngâm và vuốt tách từng sợi nhỏ. Những sợ lanh thô ráp sẽ được luộc và hấp cho mềm.

Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn và đó là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng.

Sau đó, vải được trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi tấm vải thật phẳng.

Để có được những tấm vải nhiều màu sắc, những người phụ nữ HTX sử dụng lá cây rừng để nhuộm. Những tấm vải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần và trong nhiều ngày. Thời gian để nhuộm thành công một tấm vải tùy thuộc vào thời tiết, từ 3 - 4 ngày cho mùa nắng ráo, nhưng mùa mưa có thể phải mất 2 tháng để hoàn thành công đoạn này.

Hiện nay, với sự trợ giúp em của máy móc, những người phụ nữ sử dụng máy may để thực hiện một số công đoạn giúp tiết kiệm thời gian.

Với những công đoạn thêu trang trí cho các sản phẩm, với bàn tay tỉ mẩn khéo leo dùng đôi tay thêu từng đường kim mũi chỉ.

Ngoài sử dụng phiến đá chà sáp ong để làm mịn vải, bàn là cũng được những người thợ lành nghề sử dụng.

Thành quả cuối cùng là những bộ trang phục mang màu sắc riêng, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Mông.

Nắm bắt thị hiếu của thị trường người tiêu dùng, những người phụ nữ HTX đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng như túi đựng IPad, điện thoại, vỏ gối, khăn quàng, trang phục nam truyền thống lẫn cách điệu… lần lượt ra đời và được sự đón nhận nhiệt tình của du khách qua doanh số bán hàng. Hiện nay, HTX đang nghiên cứu để cung cấp thêm nhiều mẫu chủng loại mặt hàng với mã đa dạng, phong phú hơn.

Giá thành cho các sản phẩm dao động từ 50.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng. Khách hàng chủ yếu là khách du lịch tham quan đến Hà Giang.

Minh Nhật

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/len-sa-phin-a-xem-nguoi-mong-doi-doi-tu-tam-lanh-trang-102444.html