Lên rừng xuống biển, kết nối yêu thương

Nhắc tới phóng viên báo Hải quan, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những bài viết về các hoạt động nghiệp vụ hải quan, về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại… Nhưng với tôi, trong hơn 7 năm làm việc tại báo Hải quan, bên cạnh những 'đặc sản' kể trên thì những chuyến từ thiện cũng mang một dấu ấn rất riêng biệt và khó quên.

Phó Tổng biên tập Báo Hải quan Nguyễn Chí Thành trao tặng xe đạp cho học sinh tại cửa khẩu Bình Hiệp (tỉnh Long An)

Phó Tổng biên tập Báo Hải quan Nguyễn Chí Thành trao tặng xe đạp cho học sinh tại cửa khẩu Bình Hiệp (tỉnh Long An)

Sẻ chia nhọc nhằn với biên giới, biển đảo

Hơn 10 năm qua, Chi đoàn Văn phòng Hải quan phía Nam với thành phần nòng cốt là các phóng viên, nhân viên Báo Hải quan đã bền bỉ duy trì hai chương trình từ thiện thường niên là “Xuân biên giới” và “Cùng học sinh biên giới đến trường”. Do đặc thù là cơ quan ngôn luận của ngành Hải quan, nên các chương trình từ thiện được tổ chức đều gắn với các địa bàn biên giới, biển đảo. Theo đó, tính đến nay, chương trình đặt chân tới hầu khắp các địa phương miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Mỗi chuyến đi là một sự động viên ấm ấp dành cho những người dân nơi cửa khẩu biên giới, biển đảo còn nhiều khó khăn. Và việc được tham gia vào những chương trình như vậy, tận tay trao quà cho những người còn nhiều khó khăn chính là một may mắn rất lớn của tôi khi làm việc tại báo Hải quan.

Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó trưởng Văn phòng đại diện báo Hải quan tại TPHCM thăm hỏi bà con dân tộc thiểu số tại cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum)

Còn nhớ chuyến từ thiện “Xuân biên giới” được tổ chức vào năm 2013 tại cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum), con đường quốc lộ 14 từ TPHCM đi Kon Tum xuống cấp khiến cả đoàn đã phải mất tới 20 tiếng liên tục “ăn ngủ” trên xe mới có thể đến được điểm phát quà.

Khi đến nơi, đập vào mắt chúng tôi khi đó là hình ảnh hàng trăm cụ già lưng còng, tóc bạc đang kiên nhẫn chờ đợi dù trời đã ngả bóng chiều tà. Ai nấy đều không khỏi xót xa khi nhòn những đôi chân chai sạn không có nổi đôi dép lành lặn để đi, những tấm áo mỏng manh, sờn rách, bạc màu… Dù đã hơn 5 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không thể quên ánh mắt của bà cụ người dân tộc Brâu trong buổi chiều hôm ấy. Thật khó đoán được tuổi tác của cụ bởi thời gian và sương gió của mảnh đất Tây Nguyên đã in hằn lên khuôn mặt cụ đầy những vết chân chim đầy khắc khổ. Không hiểu được lời cụ nói khi ấy (bằng tiếng dân tộc), nhưng ánh mắt cụ nhìn tôi khi ấy còn thiết tha hơn cả trăm lời cảm ơn.

Bí thư Chi đoàn Văn phòng Hải quan phía Nam Nguyễn Thị Vân tặng quà tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định

Nhìn theo chiếc bóng nhỏ bé của cụ xa dần trên con đường đất đỏ, như ánh mặt trời đang khuất dần sau rặng núi phía xa, bất chợt tôi nhớ đến câu châm ngôn của nhà triết học người Đức Albert Achweitzer: “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn”. Quả thực, các hoạt động từ thiện xã hội chưa bao giờ là công việc nhẹ nhàng và dễ thực hiện, nhưng qua đó đã tạo nên những hành trình lan tỏa yêu thương đầy ấm áp. Và mỗi người cũng đều có được cho mình những trải nghiệm ý nghĩa, khó quên.

Trao tặng sân chơi vận động ngoài trời cho các em học sinh của Trường Tiểu học Dinh Bà (Đồng Tháp)

Ngoài hai chương trình thường niên là “Xuân biên giới” và “Cùng học sinh biên giới đến trường”, mới đây Chi đoàn Văn phòng Hải quan phía Nam còn phối hợp cùng Chi đoàn Cục Hải quan Bình Định, Thành đoàn Quy Nhơn tổ chức chương trình “Thanh niên Hải quan với biển đảo quê hương” tại xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Các thành viên tham gia chương trình tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi; tặng hệ thống cấp nước uống sạch tiệt trùng cho Trường PTCS Nhơn Châu và tham gia dọn dẹp rác thải, làm sạch môi trường biển tại xã đảo Nhơn Châu.

Những ngọn lửa hồng

Chặng đường hơn 10 năm kể trên nghe qua thì có vẻ ngắn ngủi, nhưng đối với một đơn vị nhỏ như Chi đoàn Văn phòng Hải quan phía Nam, duy trì được như vậy là điều không hề đơn giản. Bởi lẽ đặc thù đơn vị ít người, công việc lại bận rộn với tính chất công việc ngày càng được nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của một cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại. Thế nhưng, các hoạt động thiện nguyện chưa bao giờ bị xao lãng. Trong mỗi chuyến công tác tới các đơn vị hải quan, đặc biệt là những địa bàn từ biên giới xa xôi, khó khăn, bên cạnh việc thu thập tư liệu, hình ảnh phục vụ cho việc tác nghiệp báo chí, tôi cũng như các phóng viên, nhân viên báo Hải quan đều không quên tìm hiểu về tình hình kinh tế địa phương, cũng như đời sống người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, các hoạt động kết nối, vận động, quyên góp được chi đoàn phát động nhằm gây quỹ cho các chương trình từ thiện.

Đại diện chi đoàn tham gia chương trình Cùng học sinh biên giới đến trường tại cửa khẩu Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp)

Đến nay, hơn 20 chương trình từ thiện đã được tổ chức. Danh sách các điểm đến của chương trình ngày càng được nối dài, từ Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Long An, Đồng Tháp, cho tới An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… đều đã in dấu chân của đoàn từ thiện. Nhiều nơi, chương trình đã quay lại lần thứ hai và chắc chắn sẽ còn trở lại thêm lần 3, lần 4 nữa. Bởi việc trao quà tới tận tay người nhận sẽ giúp món quà có thêm ý nghĩa hơn cả, bởi giá trị món quà lúc ấy không chỉ nằm ở giá trị vật chất mà chính là giá trị tinh thần. Đó chính là lời động viên không thể ấm áp hơn dành cho những người còn nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa giúp đỡ người nghèo, các hoạt động từ thiện thời gian qua còn tạo nên chất keo gắn kết các đơn vị Hải quan cũng như các đơn vị ngoài ngành. Tạm gác công việc sang một bên, trong mỗi chuyến đi, mọi người lại có cơ hội gặp gỡ, giao lưu để hiểu nhau hơn. Dù đến từ nhiều đơn vị khác nhau, công tác ở những cương vị khác nhau, nhưng tất cả cùng hướng đến những hoàn cảnh khó khăn với tấm lòng nhân ái và nhiệt huyết sẻ chia. Từ đó, ai cũng có thêm những người bạn mới, giúp cho sự đồng cảm, tình yêu thương và sự sẻ chia được cộng hưởng, nhân lên và lan tỏa rộng rãi.

Chính vì vậy, chương trình đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều đơn vị Hải quan vào mỗi dịp hè, dịp Tết, điểm hẹn mà ở đó, mỗi trái tim đều như những ngọn lửa hồng như lời bài hát Dấu chân tình nguyện của nhạc sĩ Vũ Hoàng: “Những trái tim như ngọn lửa hồng, lòng khát khao tình yêu cuộc sống, như cánh chim trời tung bay, góp sức tô đẹp tương lai, nối đất trời vòng tay thân ái…”

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/len-rung-xuong-bien-ket-noi-yeu-thuong-105801.html