Lên Mai Châu thưởng thức sâu tre

'Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi', câu thơ ấy của thi sĩ Quang Dũng viết về vùng đất đầy thơ mộng Mai Châu (Hòa Bình). Nhưng nơi đây không chỉ có xôi nếp nương mà còn có đặc sản đã ăn là nhớ: Sâu tre.

Sâu tre mùa này là to và béo nhất

Sâu tre mùa này là to và béo nhất

Gợi mở “món nhớ”

Xã Chiềng Châu của huyện Mai Châu nằm lọt thỏm giữa một thung lũng đầy hoa. Có thể nói ở huyện Mai Châu này, thì Chiềng Châu là hội đủ mọi đặc sắc của dân tộc Thái Tây Bắc. Phong tục tập quán cơ bản được bà con gìn giữ, từ trang phục, tiếng nói, đến cách ăn uống được bảo tồn theo cách riêng, vừa nguyên vẹn lại thanh lịch. Cho nên, Chiềng Châu cũng là nơi thu hút không chỉ các bạn trẻ ở Hà Nội, mà còn khiến nhiều khách du lịch nước ngoài mê mẩn.

Những điệu xòe, những nụ cười duyên đến những cái liếc mắt tình tứ của cô gái bản làm du lịch cũng khiến bao người xao xuyến. Lại còn những đặc sản như gà nướng, xôi nếp nương, cá suối… cũng đủ làm bao du khách chẳng muốn rời Chiềng Châu. Nhưng có lẽ, những món ăn đó, những thanh lịch duyên dáng đó chỉ có thể giữ chân, khó làm cho người ta phải nhớ. Và, phải nhớ mãi. Mà tiêu chí này, có lẽ là số 1 trong cẩm nang làm du lịch. Người vùng Chiềng Châu hiểu điều đó nên những món ăn dân dã quê mùa pha chút kinh dị là dấu ấn níu giữ lẫn gọi mời người phương xa. Họ nói rằng, các món ăn ở Mai Châu đã đặc sắc lắm rồi. Nhưng, chỉ khiến người ta thích thú, chứ chưa thể làm người ta nhớ mãi. Có một món ăn có thể khiến người ta không thể quên nổi, là sâu tre. Nhưng, sâu tre có mùa. Với lại, dù ngon, dù đặc sắc nhưng vẫn nhiều người khiếp đảm, không dám thưởng thức.

Sâu được chế biến thành nhiều món hoặc để ngâm rượu

Lên rừng tìm sâu

Mùa này là mùa bắt đầu sâu tre nở rộ. Người Chiềng Châu hồ hởi lên núi, vào rừng tìm cho được con sâu tre về thưởng thức chứ cũng không dám đem bán hay chế biến làm món ăn cho khách du lịch. Theo chân người bản địa, chúng tôi lên khu rừng cách bản khoảng dăm cây số. Rừng có nhiều loại cây, nhưng ở đây chủ yếu nhất là loại tre luông thân to. Theo kinh nghiệm, khi cây tre luông đã cao quá đầu người, gặp tiết trời mưa cũng là lúc những con sâu vào độ trưởng thành.

Muốn bắt được sâu tre, phải tìm đến những cây có dáng thân hơi cong queo, vỏ ngoài hơi thâm, héo ngọn, mắt có u là những nơi mà sâu tụ nhiều. Bắt sâu không khó, nhưng để bắt được nhiều thì khá tốn công. Sâu tre sinh sống ở trong thân cây vì thế muốn bắt sâu thì người ta phải đốn hạ cây tre mới trút được sâu trong ống ra ngoài. Có những cây tre sâu tụ nhiều nên khi đổ ra được đầy một bát to. Tuy nhiên, cũng có những cây tre chỉ có vài con và nếu chịu khó cộng với may mắn thì mỗi ngày có thể bắt được 2kg sâu. Nhưng cũng có ngày tìm mỏi mắt mà không được con nào. Những con sâu tre có màu trắng sữa, thân bóng nhẫy, to bằng đầu đũa, độ dài chừng hai đốt ngón tay. Người lạ nhìn thấy sâu đều cảm thấy sợ, nhưng người bản địa lại thích thú. Sâu càng to, càng bóng thì càng ngậy và ngon.

Sau gần nửa ngày tìm kiếm, mấy người bản địa cũng thu hoạch được gần 1kg sâu tre. Trước khi chế biến, người ta đem ngâm loài côn trùng này vào nước vôi. Theo kinh nghiệm của bà con dân tộc Thái, làm như vậy để sâu nhả hết độc và các chất cặn bã từ ruột ra ngoài.

Có những cây tre tụ lại cả kg sâu

Đặc sản khó quên

Những con sâu sau khi sơ chế qua nước sạch được chế biến thành món ăn. Người Thái ở Chiềng Châu khẳng định, món sâu tre từ lâu được rất nhiều người ưa chuộng. Thứ nhất vì độ ngậy, thứ hai là mùi thơm, và thứ ba là vị bùi. Ba cảm giác của món sâu tre khiến cho người ăn quên hết sợ hãi. Đến cả những thực khách là nữ giới cũng không kiềm chế được sự cơn thèm. Bên cạnh việc xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, sâu tre xào còn thường được dùng làm mồi nhậu trong những dịp hội họp bên bình rượu của người Thái. Nhất là vào cuối mùa thu, đầu mùa đông thì cái thú ngồi nhâm nhi chén rượu và ăn sâu tre khiến cho cộng đồng dân bản hiểu và gắn kết với nhau hơn.

Các cụ cao niên ở Mai Châu đều khẳng định, món ăn độc đáo này là một trong những đặc sản truyền thống của người Thái. Vào những ngày Tết, ở Chiềng Châu cũng như cả huyện Mai Châu, sâu tre là món không thể thiếu. Họ giải thích rằng, món sâu tre quen thuộc cũng như thịt gà của người Kinh, hay như bánh chưng ngày Tết vậy. Nó vừa truyền thống, vừa sang trọng và không thể thiếu được. Dù chỉ là vào rừng đốn tre tìm sâu, nhưng để có một đĩa sâu tre không phải đơn giản. Hiện nay, mỗi cân sâu tre có giá từ 200 - 300 nghìn đồng, nhưng có lúc lên tới 500 nghìn đồng/kg. Đấy là người trong bản mua bán với nhau, chứ khách lạ muốn mua hay vận chuyển đi xa thì giá sẽ đắt hơn nhiều. Một vấn đề nữa là sâu cũng phải có mùa nên không phải lúc nào cũng có hàng để bán.

Theo kinh nghiệm của người Mai Châu, sâu tre có nhiều cách chế biến, nhưng ngon và đơn giản nhất xào lá chanh. Cách chế biến khá đơn giản, đem sâu rửa sạch, ướp với gia vị, muối mắm vừa đủ rồi đợi chảo nóng thì đổ dầu ăn vào phi thơm hành củ. Hành chín tái thì cho sâu vào chảo đảo đều tay, khi thấy sâu chuyển sang màu vàng nhạt thì nhỏ lửa, cho lá chanh thái chỉ đảo đều. Sâu xào lá chanh rất thơm và béo, ăn mãi không chán.

Ở Mai Châu, sâu tre còn được bà con người Thái dùng để ngâm rượu như một vị thuốc quý. Loại rượu này giúp bồi bổ cơ thể, hồi phục sức khỏe sau ốm dậy và giúp nam giới thêm bản lĩnh. Vì vậy, người Mai Châu còn gọi đây là rượu “người lớn” ông uống bà khen. Tuy nhiên, những con sâu được tuyển chọn để ngâm rượu cũng phải khác thường. Trong một mớ sâu đem về, người ta sẽ đem phơi sương một đêm, rồi tiếp tục phơi nắng một ngày. Trải qua giai đoạn này, con sâu nào vẫn còn sống thì được tuyển chọn. Trước khi ngâm rượu, những con sâu này được đem xao khô trên chảo và hạ thổ cho cơ thể săn lại. Sâu được cho vào bình hoặc chai theo tỉ lệ 1 sâu 3 rượu. Sau 30 ngày ngâm là có thể dùng được.

Theo các chuyên gia ngành côn trùng, sâu tre khi đã chết thường sinh ra độc tố hoặc trên cơ thể côn trùng có thể bị nhiễm nấm độc, có protein lạ... dễ gây dị ứng, ngộ độc cho con người khi ăn. Vì vậy, cần thận trọng và phải chế biến thật sạch để loại bỏ độc tố mới có thể dùng.

Kiều Trang - Hưng Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/len-mai-chau-thuong-thuc-sau-tre/817641.antd