Lên kế hoạch hành động chung về an ninh mạng

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cho biết sẽ lập ra kế hoạch hành động chung về an ninh mạng để chống lại các nguy cơ của thời đại cách mạng số hiện nay. Việt Nam cũng tăng cường phát triển các phần mềm chống độc trên môi trường mạng.

Những năm gần đây, vấn đề an ninh mạng đặt ra nhiều lo ngại, thách thức đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu tại chương trình nghị sự các nước và các tổ chức quốc tế.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa tổ chức cuộc diễn tập phòng thủ mạng lớn nhất kéo dài 1 tuần để huấn luyện việc bảo vệ hệ thống mạng của từng quốc gia và NATO. Cũng thông qua đó, kiểm tra các quy trình và thủ tục ra quyết định. Trước đó, tổ chức này đã thành lập Trung tâm Điều hành Không gian mạng để tăng cường khả năng ứng phó.

Nhiều tổ chức khác cũn cảnh báo về các nguy cơ trong không gian mạng

Nhiều tổ chức khác cũn cảnh báo về các nguy cơ trong không gian mạng

Ông Oana Lungescu, người phát ngôn của NATO cho biết: “Các mối đe dọa mạng ngày càng phức tạp. Do đó, NATO cam kết bảo vệ tất cả các đồng minh trong không gian mạng, cũng như trên bộ, trên không và trên biển. Một cuộc tấn công mạng vào một đồng minh có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Đó là lý do tại sao tăng cường phòng thủ mạng là ưu tiên của liên minh”.

Không chỉ NATO, nhiều tổ chức khác cũng cảnh báo về các nguy cơ trong không gian mạng. Theo Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev, các mối đe dọa phát sinh từ việc sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt nghiêm trọng như tuyên truyền khủng bố và thực hiện các âm mưu cách mạng màu. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng công nhận không gian mạng là một lãnh thổ mới, có tầm quan trọng ngang với các lãnh thổ khác trong chiến tranh bởi nhiều chiến dịch tấn công mạng có quy mô lớn nhằm vào hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu của các quốc gia.

Các quốc gia và nhiều tổ chức đang lên kế hoạch để ngăn chặn nguy cơ do cách mạng số. Australia vừa công bố chiến lược trong khoảng 10 năm tới dự tính chi 15 tỷ AUD cho các hoạt động tăng cường năng lực chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng; 1,3 tỷ AUD dành cho thúc đẩy các hoạt động an ninh mạng của các cơ quan tình báo an ninh, mạng lưới các vệ tinh cho một mạng thông tin độc lập.

Việt Nam tăng cường phát triển dịch vụ đảm bảo an toàn thông tin

Trong năm 2020, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin trong nước hoạt động rất năng nổ trên thị trường. Đáng chú ý nhất là thành công của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) đã cho ra mắt những sản phẩm an toàn thông tin mới và đang là xu thế của ngành an ninh mạng như Viettel Threat Intelligence (VCS-Threat Intelligence), Viettel Security Orchestration Automation and Response (VCS-CyCir),…

VCS đạt nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước trong công cuộc bảo vệ an ninh mạng

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá VCS là 1 trong 8 doanh nghiệp đảm bảo tiêu chí thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu từ hệ thống SOC của VCS lên Trung tâm SOC quốc gia, qua đó giúp đảm bảo việc trao đổi và cung cấp tri thức cho việc ứng phó và xử lý sự cố an ninh mạng.

Vài năm gần đây, VCS đạt nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, đặc biệt nhất là giải thưởng uy tín Công ty cung cấp dịch vụ An ninh mạng số 1 Việt Nam từ Frost&Sullivan. Ngoài ra, VCS vừa tham gia vào Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu (Anti - Phishing Working Group – APWG) cùng với các quốc gia phát triển trên thế giới ngăn chặn tấn công và lừa đảo mạng toàn cầu. Đây là bước ngoặt đánh dấu vị thế của Việt Nam trên đấu trường quốc tế trong công cuộc đảm bảo an ninh mạng.

Tuyết Nhung

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/len-ke-hoach-hanh-dong-chung-ve-an-ninh-mang-127374.html