'Lên đời' thuyền thúng, ngư dân khấm khá

Về làng chài Phước Hải vào những ngày giữa tháng 10, chúng tôi bắt gặp hàng trăm chiếc thuyền thúng bằng nhựa composite được kéo lên bãi cát ven bờ đê chắn sóng.

Thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có 5.513 hộ/25.727 nhân khẩu, trong đó, hơn 70% hộ sống bằng nghề khai thác hải sản. Mặc dù hiện nay làng chài Phước Hải đã phát triển sầm uất, với nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nhưng vẫn còn một bộ phận ngư dân mưu sinh bằng nghề lưới thúng truyền thống.

Thuyền thúng “lên đời”

Thuyền thúng của ngư dân được máy cày kéo lên bờ sau chuyến đi biển về. Ảnh: P.T

"Từ năm 2015 đến nay, UBND thị trấn Phước Hải đã phối hợp các ngành lập 3 dự án cho 55 hộ ngư dân được vay 1,2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai đề án cho 20 hộ ngư dân được vay 500 triệu đồng để bà con đầu tư thêm ngư cụ, đánh bắt nhằm tăng thu nhập”.

Ông Võ Thanh Phượng -
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ

Theo ông Võ Thanh Phượng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải, trên địa bàn hiện có 172 hộ dân hành nghề lưới thúng, với hơn 320 thuyền thúng, tập trung chủ yếu tại các khu phố Lộc An, phước Trung, Hải Lạc… Do hiệu quả trong đánh bắt, lại di chuyển nhanh nên cách đây vài năm, ngư dân Phước Hải đã đầu tư thuyền thúng nhựa composite có gắn máy, thay thế toàn bộ thúng nang chèo tay.

Gần 12 giờ trưa, chị Trần Thị Hiền (SN 1983, khu phố Lộc An) tay mang thùng nhựa, đứng chờ sẵn trên bờ đê để đón chồng là anh Trương Văn Ghe đang lái thuyền thúng chuẩn bị cập bờ. Khi thúng được kéo lên bờ, anh Ghe nhanh chóng trút mớ cá, mực, vài con ghẹ qua thùng của vợ, đưa đi bán ngay cho tươi ngon. Sau khi tranh thủ ăn cơm trưa do vợ mang ra, anh Ghe lại miệt mài gỡ lưới, bắt những con cá, con tôm còn sót lại, sau đó xếp lưới gọn gàng để chuẩn bị cho chuyến đi biển ngày mai.

Gia đình anh Trương Văn Ghe làm nghề lưới thúng cha truyền con nối mấy chục năm, nhưng chỉ là thúng chèo tay. Từ ngày có thuyền thúng gắn máy, đi xa được từ 2-3 hải lý, đánh bắt được nhiều tôm, cá hơn. “Mỗi ngày đánh bắt chừng chục ký cá các loại như: Cá hố, cá bạc má, cá đù… kiếm hơn 700.000 đồng. Sau khi trừ tiền dầu và tiền thuê công máy cày kéo thúng lên xuống, còn dư khoảng 500.000 đồng. Hôm nào “trúng” được mấy ký mực nang, mấy con ghẹ, con cua là kiếm vài triệu đồng. Nghề lưới thúng quanh năm suốt tháng không có ngày nghỉ, trừ những ngày biển động” - anh Ghe nói.

Tương tự, ông Trần Văn Tám (SN 1970, ở khu phố Lộc An) là người có thâm niên gần 30 năm hành nghề lưới thúng. Hiện, gia đình ông Tám đang sở hữu 2 thuyền thúng đánh bắt bằng lưới túi và lưới xanh, kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả. Bên cạnh đi biển, ông Tám còn có nghề đóng thuyền thúng. Thuyền thúng ở Phước Hải khá to, đường kính thúng 2,6m, lòng thúng rộng gần 5m, cao 1m, sườn bên trong được đóng bằng gỗ sao nên rất chắc chắn. Theo ông Tám, mỗi thuyền thúng đầu tư khoảng 53 triệu đồng, chưa tính tiền mua ngư cụ. Theo kinh nghiệm của ông Tám, mùa mưa ra khơi vào ban đêm thì đánh được nhiều cá hơn. Làm nghề lưới thúng tuy không giàu, nhưng ngày nào cũng thu gần triệu đồng. Vào dịp cuối năm, biển thường động nên có nhiều cá, giá bán lại cao hơn những ngày bình thường, nhất là sau các đợt áp thấp. Dù bận công việc cũng phải gác lại để ra khơi, vì đây là thời điểm ngư dân dễ kiếm tiền nhất.

Niềm vui cập bến

Tầm 8-9 giờ sáng, hàng chục chiếc thúng lần lượt nối đuối nhau cập bến. Những người phụ nữ đứng trên bờ chuẩn bị đón chồng, con trở về từ khơi xa để kịp phiên chợ sáng.

Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh (SN 1988, ở khu phố Hải An) - vợ ngư dân Nguyễn Văn Trung tâm sự: “Vì ít vốn nên nhà em mua lại chiếc thuyền thúng gần 30 triệu đồng, tiền mua lưới hết 15 triệu đồng nữa. Tuy vợ chồng em mới ra ở riêng làm biển được 2 năm, nhưng bù lại chuyến giăng lưới ngày nào cũng có cá, sau khi trừ chi phí, kiếm hơn 500.000 đồng, đủ đi chợ và chi phí cuộc sống hàng ngày”.

Để có những mẻ lưới đầy cá, ngư dân Phước Hải phải thức qua đêm, dãi nắng dầm mưa. Họ ra khơi chỉ có một người vừa lái thúng vừa thả lưới, ngày qua ngày bám biển kiếm sống. Bao năm lênh đênh trên biển, không ít gia đình đã có cuộc sống ổn định, xây dựng nhà cửa, nuôi con ăn học nhờ những chiếc thuyền thúng “lên đời” composite.

Phong Thuận

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/len-doi-thuyen-thung-ngu-dan-kham-kha-925686.html