'Lên đời' doanh nghiệp: Làm khó hộ kinh doanh?

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Quốc hội, sáng 21/5, nhiều đại biểu cho rằng, nếu đưa hộ kinh doanh vào luật là 'đốt cháy giai đoạn', gây hiểu lầm, khiến các hộ bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục và khó khăn hơn trong hoạt động.

Hộ kinh doanh cá thể cốm làng Vòng (Cầu Giấy - Hà Nội)Ảnh: Như ý

Hộ kinh doanh cá thể cốm làng Vòng (Cầu Giấy - Hà Nội)Ảnh: Như ý

Gây khó khăn, phát sinh thêm chi phí

Theo ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi là “đốt cháy giai đoạn”, và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Làm như vậy sẽ gây hiểu lầm, khiến các hộ kinh doanh bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục và khó khăn hơn trong hoạt động.

Thực tế, theo ông Thưởng, hình thức kinh doanh theo hộ rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với biến động của thị trường. Ông dẫn chứng, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, rất nhiều hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động khi dịch được kiểm soát thì lại tiếp tục quay trở lại. Trong khi đó, nếu đưa vào luật sẽ khiến họ “bó tay, bó chân”, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Đồng quan điểm, ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp là không phù hợp, vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

“Hiện nay, đang có 5 triệu hộ kinh doanh, chỉ có 1,7 triệu hộ đang nộp thuế. Nếu đặt mục tiêu đưa hộ kinh doanh vào để tăng cường quản lý thuế phải cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tìm động lực để cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông Diến nói và nhấn mạnh, muốn tạo động lực trong kinh doanh và quản lý 5 triệu hộ kinh doanh thì cần phải có luật riêng để điều chỉnh.

Nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự 2015 đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không có ghi nhận loại hình này là một chủ thể trong giao dịch dân sự, ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho rằng, nếu đưa hộ kinh doanh vào đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp thì đồng nghĩa việc phải sửa đổi và bổ sung một số luật khác.

Ðưa vào không phải “cốt lấy con số đẹp”

Trái với những ý kiến trên, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp không phải là việc “đẻ” ra những quy định để trói buộc các hộ kinh doanh, mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. “Việc này cũng không phải nhằm có được “con số đẹp” trong các báo cáo, mà đó chính là xuất phát từ thực tiễn của nền kinh tế nước ta”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, nếu chờ đợi hộ kinh doanh được xác lập vị trí pháp lý của mình trong bộ luật riêng thì ít nhất phải 2-3 năm nữa mới có thể ra được bộ luật này. Vậy trong khoảng thời gian đó, hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào cơ sở pháp lý nào để bảo vệ họ. Từ đó, ông đề nghị nên coi hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế. “Điều này không đồng nghĩa “chủ hộ kinh doanh sau một đêm thành giám đốc”. Họ vẫn được áp dụng các quy định đặc thù như hiện nay về quản lý nhà nước, quản trị, kê khai, nộp thuế để không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính phiền hà, được tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh”, ông Lộc nói.

Giải trình các ý kiến đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng “tha thiết” thuyết phục Quốc hội đồng thuận với việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Theo ông, khi đưa vào sẽ bảo vệ được quyền lợi và được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Đặc biệt, ông Dũng cho biết, sẽ bãi bỏ một số các rào cản đang vướng mắc và đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh. “Nếu chúng ta tháo bỏ được việc này thì hộ kinh doanh sẽ hoạt động có hiệu quả hơn, chúng ta sẽ giải phóng nhiều nguồn lực hơn và sẽ đảm bảo được mục tiêu là phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không làm phát sinh các thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và không có tác động tiêu cực gì đến các hộ kinh doanh. “Nếu đợi xây dựng một Luật Hộ kinh doanh mới thì sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất có lẽ cũng phải 3 năm nữa. Trong khi lẽ ra những gì mà có lợi chúng ta có thể làm ngay, bởi vì làm cái này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh chứ không có hại gì cả”, ông Dũng nhấn mạnh.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/len-doi-doanh-nghiep-lam-kho-ho-kinh-doanh-1661636.tpo