Lên đồi Cháy mơ gặp người xưa

Tôi trở về xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến (huyện Nhã Nam, tỉnh Bắc Giang) trong một ngày cuối thu sương giăng muôn lối. Hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng đang cày ải trên thửa ruộng dưới chân đồi Cháy, vẫn in dấu trong tâm trí tôi. Khu mộ vợ chồng ông nằm kề bên con suối Cầu Đen. Nước trong veo, róc rách chảy qua những hòn đá. Tôi nghe như tiếng ông khóc cho số phận những nhân vật vẫn còn thút thít đâu đây.

Ngọn đồi kỳ lạ

Đó chính là đồi Cháy xóm Cầu Đen. Đất thì đỏ quạch. Quanh vùng đồi dày đặc sỏi cơm mầu son, nom gắt như mầu lửa, nóng hầm hập. Trước đây, ấp đồi Cháy là đất của ông Ký Nhàn, người làm thư ký cho một chủ đồn điền người Pháp.

Nhiều dân được "mời" về khai hoang, nhưng chẳng mấy ai ham. Ban đầu họ trồng cau trên đồi, nhưng không được, đành bó tay vì đất cằn cỗi, hoang vu. Mãi tới năm 1946, dần dần người ở các nơi đổ về, phát hoang làm ruộng, quây quần thành từng cụm xóm ấp. Chính quyền gom lại thành hai xóm rồi đặt tên thôn Cầu Đen.

Cũng khoảng vào thời gian này, đoàn văn nghệ sĩ cách mạng đến sơ tán tại đồi Cháy, theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống Pháp.

Lên đồi Cháy đầu tiên là hai gia đình nhà văn Nguyên Hồng và Kim Lân. Ngọn đồi trơ trọi năm xưa bỗng trở nên sống động bởi tiếng cười trẻ thơ, phảng phất khói lam chiều. Ít lâu sau mới có sự hiện diện của họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn và gia đình nhà văn Ngô Tất Tố. Từ đó đồi Cháy được dân tình gọi là đồi Văn hóa, bởi cái tiếng của nhà văn Nguyên Hồng với tác phẩm "Bỉ Vỏ", cũng như "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố đã khơi dậy nơi đây một không khí khác thường.

Tiếp đến, đồi Cháy lại thêm những gương mặt văn sĩ lừng danh khác như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡ, Vân Đài, Anh Thơ. Chưa hết, còn nhạc sĩ Đỗ Nhuận nữa, cùng với nhà viết chèo Đình Bảng. Lần lượt tới 50 người đến ở kín cả đồi Cháy. Điều quan trọng, mọi người phải tự tăng gia sản xuất, kiếm gạo ăn ngay tại những thửa ruộng dưới chân đồi. Chính vì thế đồi Cháy không còn nóng như đổ lửa như xưa mà trở nên xanh tươi và rộn ràng lời ca tiếng hát.

Đội ngũ văn nghệ sĩ sơ tán lên đây, không ai có thể quên mối tơ duyên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận với sơn nữ ca xinh đẹp trên đồi cao. Đó là một lần đi tuyển văn công về, Đỗ Nhuận đã nghỉ lại qua đêm tại tư gia nhà văn Nguyên Hồng, để hôm sau lại lên đường đi phục vụ các chiến sĩ.

Nhà văn Nguyên Hồng (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình tiếp bạn văn quốc tế tại nhà riêng ở ấp Cầu Đen năm 1971.

Đêm ấy, bỗng nhiên nhạc sĩ Đỗ Nhuận nghe có tiếng một cô gái hát ca khúc "Du kích sông Thao" của mình. Thật sự xúc động, nhạc sĩ hỏi ra mới biết đó là cô Nguyễn Thị Túc, em gái nhà văn Nguyên Hồng. Quả là duyên trời cho. Chỉ nghe tiếng hát mà thấy tình người. Giọng hát hay đã thu hút tâm hồn người nghệ sĩ.

"Nơi tình cờ lại đóng nhân duyên", đúng như các cụ nói, nhà văn Nguyên Hồng bèn ngỏ ý chắp mối tơ hồng cho hai người. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận ưng bụng liền. Đám cưới được tổ chức ngay tại đây. Một đêm ca nhạc thấm đẫm nhân tình. Sau đó nhạc sĩ Đỗ Nhuận phải xa người vợ trẻ, tiếp tục hành quân lên Tây Bắc, hẹn ngày chiến thắng trở về.

Trong thời gian này, các văn nghệ sĩ đã cùng nhau thực hiện nhiệm vụ khởi thảo số báo Văn Nghệ đầu tiên, chuẩn bị cho việc xuất bản trên chiến khu Việt Bắc năm 1948. Những hoạt động chính là sáng tác phục vụ kháng chiến và ấp ủ những ý tưởng cho riêng mình.

Nhà văn Nguyên Hồng đã viết được nhiều tác phẩm có giá trị như "Địa ngục" và "Lò lửa", "Đất nước yêu dấu", "Đêm giải phóng", "Ấp đồi Cháy"…Sự gắn bó sau chín năm kháng chiến, nhà văn Nguyên Hồng yêu cái kiêu hãnh và ngang tàng của "Hùm thiêng Yên Thế" Hoàng Hoa Thám. Ông còn đặt tên các con được sinh ra ở đây là Nhã Nam, Yên Thế. Vì thực ra hồi đó, vùng đất Nhã Nam được gọi tên là Yên Thế hạ, hiện là nơi còn nhiều di tích khởi nghĩa chống Pháp của Hoàng Hoa Thám.

Trở lại mái nhà xưa

Khi trở về Thủ đô (1954), gia đình nhà văn Nguyên Hồng vẫn còn giữ ngôi nhà đất mái gianh tre, tựa như quê hương thứ hai của mình, như một lời hẹn quay về. Người dân xóm Cầu Đen vẫn đỏ con mắt chờ đợi một ngày nào đó, chủ nhân ngôi nhà thân quen ấy sẽ trở lại.

Đúng như định mệnh, gia đình ông đã hồi hương, chỉ 5 năm sau đó, sau một sự kiện văn chương đã xảy ra. Ông đã bỏ tất cả rời khỏi đất Thủ đô. Làm lại từ đầu với ngôi nhà đất trên đồi Cháy. Những ngọn đèn được thắp lại trên đồi đá đỏ. Cả nhà ông tiếp tục sống với đồng ruộng.

Cái khí phách ấy đem lại sự thiệt thòi không những cho cá nhân ông mà kèm theo khổ cả vợ con. Cả nhà đã cùng nhau vác đất làm nhà, cấy hái trên những thửa ruộng vào ngày mùa. Một thuở không tem phiếu, không quyền lợi, không cả những niềm vui sau thành quả kháng chiến.

Cả thảy chục người trong nhà ông tự làm ra lúa gạo cho chính mình sinh sống. Vợ chồng ông đúng là những nông dân từ những năm còn đi kháng chiến. Thật đúng là đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Vậy mà cứ đêm về, nhà văn Nguyên Hồng lại cặm cụi viết văn bên cái chõng và đèn dầu lom đom.

Thật khó tưởng tượng nổi, trong vòng 16 năm trời (từ 1960 đến 1976), nhà văn Nguyên Hồng hoàn thành khoảng 2000 trang cho bộ tiểu thuyết "Cửa biển", bốn tập. Ấy là chưa nói, cũng trong thời gian này, ông còn viết cuốn hồi ký "Một tuổi thơ văn" (1973), cùng tác phẩm "Những nhân vật ấy đã sống với tôi" (sau in vào năm 1978).

Rảnh chút ông còn làm thơ và viết truyện thiếu nhi. Ông cày ải thực sự trên cánh đồng văn chương như trời đày. Bởi đó là kế mưu sinh thứ hai để nuôi con ăn học và cũng là trả nợ trần gian. Ông trả nợ cho Hải Phòng, nơi ông lớn lên và trưởng thành và cũng là nơi khởi đầu sự nghiệp văn chương với tác phẩm lừng danh "Bỉ Vỏ" (in năm 1938), "Bảy Hựu" (in năm 1941).

Hải Phòng còn là nơi đầu tiên ông tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp và bị cầm tù cùng với Tô Hiệu (năm 1939). Trong tù ông còn viết một mạch 20 chương tiểu thuyết "Xóm Cháy", nói về những người thợ thuyền đất Cảng, nhưng đã bị giặc Pháp tịch thu đốt hủy. Vậy nên giờ đây, tại đồi Cháy (Cầu Đen), nhà văn đã viết lại thành tập "Sóng gầm" trong bộ "Cửa biển".

Đồng thời, ông là một trong những trường hợp hy hữu khi rũ hết mọi vinh hoa, nhưng vẫn được đội ngũ văn nghệ sĩ Hải Phòng chào đón. Họ bầu ông làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng ngay từ khi mới thành lập (1964). Ông giữ cương vị này cho tới khi mất (1982).

Trong gần 20 năm đó, nhà văn Nguyên Hồng còn được Hội Nhà văn Việt Nam mời làm Hiệu trưởng Trường bồi dưỡng viết văn trẻ ở Quảng Bá. Ngày đó ai cũng nhớ đến "Ông đốc Hồng" là vì thế. Và cũng trong gần hai mươi năm đó, nhà văn đã ấp ủ bộ tiểu thuyết mới "Núi rừng Yên Thế". Đó là những năm cuối cùng của sự nghiệp văn chương Nguyên Hồng. Ông miệt mài cày ải trên trang giấy, với điều kiện sống vất vả, khắc nghiệt.

Sau khi in xong tập một năm 1981, thì năm sau cơn tai biến đánh gục ông bên chõng tre, bản thảo tập hai còn dang dở. Nhà văn ra đi thầm lặng, như một ông tiên rời xa ngọn đồi bay lên trời, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng bạn đọc.

Những kỷ vật còn lại

Có thể nói, cả vườn sân và ngôi nhà ngói cấp bốn hội tụ thành khu lưu niệm nhà văn Nguyên Hồng. Đó là cây khế do nhà văn trồng đã hơn 70 năm tuổi. Còn đây là chiếc chõng tre làm bàn viết, hoặc chiếc xe đạp ngày nào nhà văn vẫn rong ruổi đó đây. Đặc biệt, ông đã để lại cả chục ngàn trang bản thảo viết tay miêu tả đời sống của những người cần lao. Tập sách nào cũng lưu dấu nước mắt của ông. Đó là một kho văn bản quý, được nhà văn viết trong những ngày tháng gian nan trên đồi Cháy.

Người đồng hành, niềm an ủi lớn nhất cho cuộc đời nhà văn Nguyên Hồng là người vợ thân yêu, bà Vũ Thị Mùi. Bà đã thức trắng nhiều đêm chép lại bản thảo cho chồng. Không những thế, hàng ngày bà còn tần tảo chăm lo miếng cơm manh áo cho bầy con thơ dại. Cả bảy người con của nhà văn Nguyên Hồng đều được ăn học trưởng thành khôn lớn. Họ đều từ ngọn đồi Cháy mà làm nên sự nghiệp.

Tôi loanh quanh mãi ở ngoài vườn, ngắm nhà văn Nguyên Hồng qua bức tượng, ông ngồi thư thái nhìn về phía thành Phồn Xương. Tôi ngỡ như đang nghe ông đọc thơ ngày nào trên Quảng Bá. Da diết, thẫm đẫm nước mắt của một tấm lòng…

Vương Tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/len-doi-chay-mo-gap-nguoi-xua-520222/