Lên đỉnh Mẫu Sơn xem người Dao ăn Tết cũ

Đông về, trên Mẫu Sơn - đỉnh núi cao gần 1000m so với mực nước biển, nằm ở về phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn lạnh đến thấu xương. Nhưng trong cái lạnh, làn sương mờ huyền ảo kia là những bản làng đang vui đón Tết - cái Tết cũ của đồng bào người Dao nơi đây.

Clip phong tục cúng Tết cũ của người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn.

Thôn Khuổi Cấp thuộc xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, nằm cách thành phố Lạng Sơn hơn 30km theo đường tỉnh lộ 4A. Trên đường tới thôn Khuổi Cấp, PV Dân Việt đã thấy thấp thoáng giữa vườn mận, vườn đào là những tà áo, khăn mới thêu phơi trên sào nứa.

Người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn trong trang phục dân tộc tại chợ phiên.

Người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn trong trang phục dân tộc tại chợ phiên.

Người Dao ở Mẫu Sơn sống rải rác trên các ngọn núi với nghề trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Phong tục, tập quán ở đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Họ sống trong những ngôi nhà làm bằng đất, rất thân thiện, không ngại ngần mời khách tới chơi và nếm thử đồ ăn ngon. Vào mùa xuân, cảnh sắc ở Mẫu Sơn đẹp đến mê hoặc cùng với những phong tục tập quán đón xuân độc đáo khiến du khách nếu một lần được đến đây đều không thể quên.

Tùy vào hoàn cảnh của từng nhà mà người Dao nơi đây tổ chức mời khách miễn sao đúng và đủ các phong tục.

Theo phong tục của người Dao, sau một năm lao động vất vả, đến giữa tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) mọi người đều tạm dừng các công việc để nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ tổ tiên đón Tết cũ, chọn ngày đẹp phù hợp với dòng họ để tổ chức cúng Tết.

Thường, họ Hoàng sẽ chọn ngày Ngọ, họ Đặng chọn ngày Dần, họ Triệu chọn ngày Mão, ngày Thìn để tổ chức… Vốn là người quen với gia đình anh Triệu Văn Trình ở thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, PV Dân Việt được mời đến dự lễ cúng Tết năm cũ vào ngày 18 tháng Chạp. Mâm cỗ cúng Tết gồm 1 con lợn thịt được mổ sạch, gà, bánh trái, rượu, tiền vàng (được cắt bằng giấy bản) bày trước bàn thờ tổ tiên.

Thầy cúng được anh Trình mời về đã thay mặt gia chủ báo cáo tổng số nhân khẩu trong gia đình, báo cáo kết quả một năm lao động, sản xuất và cúng giải hạn, xua đi những rủi ro trong năm cũ, mời ông bà, tổ tiên cùng những người đã khuất về ăn Tết. Sau khi cúng xong, PV được mời dùng cơm cùng anh em họ hàng, người thân của gia đình. Trước khi dùng bữa, mọi người đều nâng ly rượu chúc nhau những lời hay, ý đẹp, mong nhiều điều may mắn sẽ đến trong năm mới.

Thầy cúng (bên trái) thay mặt gia chủ báo cáo gia tiên kết quả 1 năm làm ăn.

Anh Trình cho biết, đây là phong tục có từ lâu đời, nhà có điều kiện hoặc đông anh em thì mổ lợn, mời khách từ 4 – 6 mâm, thậm chí cả chục mâm cơm, nhà không có điều kiện hoặc ít anh em chỉ tổ chức 1 hoặc 2 mâm. Tùy theo hoàn cảnh, mỗi nhà đều sắm lễ cúng sao cho vừa tiết kiệm, vừa đúng phong tục. Anh em hoặc hàng xóm gần nhau không ăn tết trùng ngày để có thời gian đến ăn Tết với nhau.

Ông Triệu Sinh Chìu (thầy cúng người Dao) ở thôn Nà Mười, xã Đông Ca, huyện Đình Lập cho biết, người Dao có nhiều phong tục đặc biệt và độc đáo hơn nhiều vùng khác. Cuối năm, người Dao tổ chức ăn Tết cũ thường vào tháng 12 âm lịch hàng năm. Cúnglà để đón vía các cụ về và báo cáo kết quả trồng cây, cấy hái, chăn nuôi và báo cáo nhân khẩu của gia chủ qua một năm lao động vất vả. Đây là một phong tục rất độc đáo của người Dao.

Gia chủ phải thực hiện theo đúng các yêu cầu mà thầy cúng đưa ra để sao cho đúng với các thủ tục cúng tổ tiên của dân tộc.

Anh Trình cho biết, sau khi ăn Tết cũ xong, người Dao cũng ăn Tết Nguyên đán giống như người dân cả nước. Sáng 30 Tết, đàn ông, phụ nữ người Dao thức dậy từ sớm để chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên gồm gà, thịt lợn, bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo, đặt 2 bên bàn thờ 2 cây mía, 4 cây tỏi tươi tượng trưng cho 4 mùa trong năm… Lúc này gia chủ không mời thầy đến cúng mà chỉ thắp hương lên bàn thờ. Sau đó cả gia đình quây quần bên mâm cỗ. Người lớn thường nhắc nhở, dạy dỗ con cháu những điều hay, lẽ phải, cùng trò chuyện về những điều đã qua trong năm cũ và bàn bạc, dự tính những việc của gia đình mình sẽ làm trong năm mới.

Anh em, bạn bè thân thích được gia chủ mời lên nhà ăn Tết cũ cùng gia đình.

Sau bữa cơm tất niên, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước lá thuốc, mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để đón giao thừa. Lúc đón giao thừa, mỗi người cầm một nén nhang, lần lượt từ lớn đến bé cắm lên bàn thờ tự cầu khấn, sau đó quây quần bên mâm cơm để chúc cho một năm mới sung túc và no đủ. Ngày mùng 1 Tết, sau khi thắp hương lên bàn thờ, họ sẽ đến nhà anh em, hàng xóm chúc Tết. Từ ngày mùng 2 đến ngày 15 tháng Giêng, người Dao Lộc Bình đi du xuân khắp nơi.

Nhiều người lên núi ăn Tết cũ cùng người Dao tranh thủ chặt cây làm dây lạt để gói bánh chưng đón Tết.

Năm tháng qua đi, cách ăn Tết của người Dao Lộc Bình vẫn được bảo tồn từ đời này sang đời khác. Đây là một đặc điểm nổi bật không lẫn vào cách ăn Tết của những dân tộc khác.

Mộc Trà

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/len-dinh-mau-son-xem-nguoi-dao-an-tet-cu-952818.html