Lên cơn nhồi máu cơ tim sau khi bị ong đốt

Trong lúc đi làm, người đàn ông bị đàn ong vò vẽ tấn công và đốt nhiều vết vào toàn thân, không lâu sau đó người này rơi vào tình trạng đau nhức toàn thân kèm đau ngực và lên cơn nhồi máu cơ tim khi được đưa đến bệnh viện.

Ngày 29/11, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.M.T, 35 tuổi, ở Phú Yên lên cơn nhồi máu cơ tim sau khi bị ong đốt.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách lúc nhập viện 2 ngày, khi đi làm bệnh nhân bị đàn ong vò vẽ tấn công và đốt nhiều vết vào toàn thân, chủ yếu vào vùng đầu và lưng (không rõ số vết đốt), khoảng 1 giờ sau bệnh nhân đau nhức toàn thân kèm đau ngực nhiều, cảm giác bóp nghẹt, vã mồ hôi, khó thở trong khoảng 10 phút.

Bệnh nhân nghỉ ngơi thì cảm thấy đỡ, sau đó cơn đau ngực tăng dần, bệnh nhân nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán nhồi máu cơ tim sau ong đốt và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở, có tình trạng suy tim cấp (nhịp tim nhanh 100 lần/phút), tĩnh mạch cổ nổi 300 ở tư thế nằm, được xử trí theo phác đồ nhồi máu cơ tim cấp.

Ong đốt là tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn và nhất là vào mùa hè

Ong đốt là tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn và nhất là vào mùa hè

Theo bác sĩ Châu Minh Thông, khoa Tim mạch Tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết đây là trường hợp bệnh nhân thứ 2 được ghi nhận có tình trạng nhồi máu cơ tim cấp sau ong đốt.

Trước đó có một số trường hợp trên thế giới khởi phát nhồi máu cơ tim sau ong đốt được ghi nhận vào năm 1991 và được ghi nhận nhiều trường hợp trên thế giới bao gồm 3 type:

Type 1: Co thắt động mạch vành trên những bệnh nhân không có bệnh lý mạch vành.

Type 2: Co thắt động mạch vành trên những bệnh nhân có bệnh lý mạch vành, xói mòn hoặc vỡ mảng xơ vữa.

Type 3: Trong đó bao gồm các bệnh nhân bị huyết khối trong stent động mạch vành.

Ngưòi đàn ông lên cơn đau tim sau khi bị ong đốt.

Ong đốt là tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn và nhất là vào mùa hè. Biến chứng thường gặp là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt, các biến chứng nặng hơn như: suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, suy đa cơ quan.

"Trong khi đó nhồi máu cơ tim là một biến chứng hiếm gặp nhưng là bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến phức tạp. Bệnh thường xảy ra phần lớn ở các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tim mạch cao, nhiều bệnh lý nền tim mạch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xảy ra nhồi máu cơ tim do bị ong đốt ở bệnh nhân trẻ, nguy cơ tim mạch rất thấp đã được ghi nhận. Vì vậy, đối với các trường hợp sau khi bị ong đốt, triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim", bác sĩ khuyến cáo.

GIA HUY

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/len-con-nhoi-mau-co-tim-sau-khi-bi-ong-dot-1492270.tpo