Lee Myung-bak-hành trình từ Tổng thống tới tội phạm tham nhũng

Hồi tháng 1, công tố viên đề nghị bản án 23 năm tù với ông Lee, lên án ông không hối cải vì những hành động sai trái của mình và đổ lỗi cho người khác để tránh trách nhiệm. Với bản án trên, có lẽ vị cựu Tổng thống 79 tuổi này không có cơ hội trở về.

Từ đứa trẻ nhặt rác thành Chủ tịch doanh nghiệp

Lee Myung-bak sinh ngày 19-12-1941 tại Nakakawachi-gun, Osaka (hiện nay là Hirano-ku, thành phố Osaka), là một khu thường trú của đồng bào Hàn Quốc tại Nhật Bản. Họ tên Nhật Bản trên giấy khai sinh là Akihiro Tsukiyama.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, năm 1945 cả gia đình trở về Hàn Quốc. Không may, trên đường về, con thuyền chở họ bị chìm, kéo theo toàn bộ gia sản xuống đáy biển. Trở về khi mất sạch tài sản, gia đình Lee Myung-bak sống trong nghèo khổ. Để kiếm sống, hằng ngày, Lee Myung-bak cùng với mẹ đi bán kem, bánh kẹo, trái cây và hàng tạp hóa trên khắp đường phố Seoul.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ra tòa hôm 5-1-2018.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ra tòa hôm 5-1-2018.

Tốt nghiệp trung học qua các lớp bổ túc ban đêm, Lee Myung-bak quyết định khăn gói đến Seoul học đại học. Ban ngày nhặt rác tại chợ Itaewon để kiếm tiền, còn ban đêm lao đầu vào học chuẩn bị thi đại học. Kết quả là Lee Myung-bak thi đỗ vào Trường Đại học Hàn Quốc danh tiếng, theo ngành quản trị kinh doanh.

Năm 1965, Lee Myung-bak tham gia cuộc biểu tình chống lại việc Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ với Nhật và bị xử tù 4 tháng. Tiền án này khiến Lee gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc. Lee Myung-bak đã viết một bức thư cho chính trị gia Park Chung Hee (người sau này trở thành tổng thống), phê phán chính sách của nhà nước đối với các cựu sinh viên tham gia biểu tình.

Nhưng nhờ sự “liều lĩnh” này mà năm 1965, Lee Myung-bak được nhận vào Tập đoàn cơ khí và xây dựng Hyundai khi đó mới chỉ là Công ty Xây dựng Huyndai, một công ty quy mô vừa nhỏ. Thời điểm đó, công ty được nhận giải thưởng về ký kết hợp đồng xây dựng đường cao tốc Pattani-Narathiwat tại Thái Lan.

Dự án có tổng giá trị 5,2 triệu USD, là dự án xây dựng ở nước ngoài đầu tiên của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Mặc dù Lee Myung-bak chỉ là một nhân viên mới vào công ty nhưng được cử sang để phụ trách dự án tại Thái Lan.

Dự án xây dựng đã hoàn tất thành công vào năm 1968, và Lee Myung-bak trở về Hàn Quốc thì được giao nhiệm vụ quản lý nhà máy sản xuất máy móc thiết bị nặng thuộc công ty Hyundai tại Seoul.

Lee Myung-bak trở thành Giám đốc điều hành của công ty khi mới 29 tuổi (chỉ 5 năm sau khi vào công ty) và Chủ tịch hội đồng quản trị công ty khi 35 tuổi. Năm 1988, khi 47 tuổi, Lee Myung-bak đã nắm giữ vị trí Chủ tịch Công ty Xây dựng Hyundai.

Suốt 27 năm gắn bó với Tập đoàn Hyundai, Lee Myung-bak có một biệt danh là "Xe ủi đất" bởi một lần dám tháo rời một chiếc xe ủi đất để nghiên cứu cơ cấu vận hành của nó và cố tìm nguyên nhân khiến nó hư hỏng. Khi Lee Myung-bak bắt đầu làm việc cho Hyundai vào năm 1965, công ty hoạt động với quy mô 90 nhân viên, nhưng khi ông rời công ty 27 năm sau, số nhân viên lên đến 160.000 người.

Lee đóng một vai trò lớn trong tiến trình bình thường hóa bang giao quan hệ Hàn Quốc với Liên bang Nga. Lee còn xây dựng các mối quan hệ với những nhà lãnh đạo nước ngoài như cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Campuchia Hun Sen…

Sau khi rời khỏi công việc cộng tác với Hyundai vào cuối năm thứ 27, Lee Myung-bak quyết định tham gia chính trường.

Thị trưởng ghi dấu ấn với Seoul

Năm 2002, Lee Myung-bak đắc cử Thị trưởng Seoul. Dấu ấn lớn nhất trong nhiệm kỳ Thị trưởng Seoul của ông là việc gỡ bỏ xa lộ trên cao cắt ngang khu trung tâm Seoul và xây dựng dòng suối Cheonggyecheon, nơi nghỉ ngơi công cộng có giá trị hàng triệu USD, biến Seoul thành một nơi nghỉ ngơi công cộng hiện đại, đồng thời là một tài sản cho hệ thống sinh thái.

Năm 2006, Asian Times đăng bài "Seoul, một thời từng được ví như một tượng trưng của một khối bê tông, đã thành công trong việc thay đổi bộ mặt của mình trong một dòng suối xanh và nay nó đang nhắc nhở nhân dân các nước khác trong khu vực châu Á về tình yêu đối với môi trường". Tháng 10-2007, cùng với cựu Phó Tổng thống Mỹ Albert Arnorld Gore Jr, Lee Myung-bak đã được Tạp chí Times bầu chọn là "Người anh hùng của Môi trường".

Một dự án khác cũng đầy tham vọng là rừng Seoul. Đây chính là câu trả lời của Seoul đáp lại Công viên Trung tâm (Central Park) của New York hoặc Công viên Hyde của Luân Đôn. Rừng Seoul cung cấp cho dân cư Seoul một không gian xanh rộng lớn với 400,000 cây và 100 loại động vật khác nhau, trong đó bao gồm cả hươu và nai. Chỉ sau một năm thi công, công viên này đã khai trương vào tháng 6 năm 2005.

Thành công trong vai trò Thị trưởng Seoul đã giúp Lee Myung-bak quyết tâm tranh cử Tổng thống Hàn Quốc.

Ngày 10-5-2007, Lee Myung-bak tranh cử tổng thống với tư cách là ứng cử viên của đảng Đại Dân tộc. Ngày 20-8-2007, Lee Myung-bak đánh bại Park Geun-hye, cũng là một ứng cử viên của Đảng Đại Dân tộc, trong cuộc bầu cử sơ bộ để giành sự đề cử của đảng cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2007.

Trong Chương trình vận động tranh cử của mình, Lee Myung-bak trình bày "747 đề án" nhằm vào các mục tiêu: tăng trưởng GDP hằng năm 7%, 40.000 USD/ người, và biến Hàn Quốc thành nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới…

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị kết án 17 năm tù trong phiên tòa ngày 19-2.

Ngày 19-12-2007, ông Lee Myung-bak đắc cử Tổng thống Hàn Quốc với 48,7% số phiếu. Với kinh nghiệm 30 năm làm việc ở Hyundai, ông được xem là Tổng thống Hàn Quốc có hiểu biết rộng về kinh doanh.

Lee Myung-bak khẳng định rằng ông sẽ thúc đẩy vận động "Ngoại giao toàn cầu" và tìm kiếm phương thức hợp tác giao lưu tốt đẹp hơn với các nước láng giềng như: Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Hơn nữa, Lee Myung-bak đảm bảo về việc tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Trong điều hành kinh tế, Lee Myung-bak ghi dấu ấn với tuyên bố chính phủ của ông được trao nhiệm vụ tạo ra một Hàn Quốc mới, nơi mà "nhân dân sung túc, xã hội thân thiện và quốc gia vững mạnh". Để làm được điều này, tổng thống có kế hoạch thực hiện theo một chiến lược thực dụng, thân thiết với thị trường, đó là Kinh tế thị trường thông minh, Chủ nghĩa kinh nghiệm thực dụng, Chủ nghĩa dân chủ tích cực…

Tội phạm tham nhũng

Ngày 22-3-2018, Tòa án đã ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Lee Myung- bak liên quan đến các cáo buộc tham nhũng gồm nhận tiền vào năm 2009 để ân xá cho Chủ tịch Tập đoàn Samsung, nhận 100.000 USD từ Cơ quan tình báo quốc gia và biển thủ hàng triệu USD từ một công ty linh kiện ôtô.

Theo hãng thông tấn Yonhap, sau đó ông Lee Myung-bak đã thừa nhận có nhận khoản tiền 107 triệu won (tương đương 100.000 USD) từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) trong thời gian ông tại nhiệm.

Tuy nhiên, cựu tổng thống từ chối cho biết đã sử dụng số tiền trên vào việc gì, đồng thời phủ nhận mối liên hệ của vợ ông, cựu Đệ nhất phu nhân Kim Yoon-ok với khoản tiền trên. Cũng trong quá trình thẩm vấn, ông Lee Myung-bak thừa nhận đã chi 6,7 tỷ won để sửa chữa tư gia song khẳng định đây là số tiền vay mượn từ người thân…

Ngày 5-10-2018, Tòa án Quận Trung tâm Seoul đã tuyên án cựu Tổng thống Lee Myung- bak 15 năm tù và khoản tiền phạt 13 tỷ won (gần 12 triệu USD). Với bản án này, ông Lee Myung Bak trở thành một trong số các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nhân hàng đầu của Hàn Quốc bị kết tội tham nhũng.

"Hành vi tham nhũng của tổng thống phải bị trừng phạt nghiêm minh vì nó không chỉ hủy hoại sự công bằng và chính trực của chính phủ mà còn làm mất đi uy tín của bộ máy nhà nước”, Reuters dẫn lời thẩm phán Chung Kye Sun nói.

Khoản tiền tham ô của ông Lee đến từ Tập đoàn Samsung và quỹ bí mật của cơ quan tình báo Hàn Quốc. Tòa án trung ương Seoul còn phát hiện ông Lee đã nhận hối lộ khoảng 24,6 tỷ won (hơn 22 triệu USD) từ công ty của anh trai và nhiều doanh nghiệp khác.

Ngày 19-2, Tòa Thượng thẩm Seoul của Hàn Quốc đã tuyên án 17 năm tù giam đối với cựu Tổng thống Lee Myung-bak với tội danh nhận hối lộ và tham ô, đồng thời hủy bỏ quyền bảo lãnh cho ông. Theo phán quyết trên, ông Lee Myung-bak sẽ phải ngồi tù vì hồi tháng 3-2019, ông đã được tại ngoại vì lý do sức khỏe. Tòa Thượng thẩm Seoul cũng yêu cầu ông Lee Myung-bak phải nộp phạt 13 tỷ won (10,9 triệu USD) và tiền bồi thường 5,78 tỷ won.

Tòa đưa ra phán quyết trên sau khi xác định ông Lee Myung-bak dính líu tới vụ biển thủ 25,2 tỷ won của công ty sản xuất linh kiện ôtô DAS do em trai ông đứng tên và nhận hối lộ tổng cộng 9,4 tỷ won, trong đó có 8,9 tỷ won của Tập đoàn Samsung. Trước đó, các công tố viên Hàn Quốc đã đề nghị mức án 23 năm tù đối với cựu Tổng thống Lee Myung-bak, chỉ trích ông này không hối lỗi về những hành vi sai trái của mình và đổ lỗi cho người khác để tránh trách nhiệm.

Với bản án này, nếu không được ân xá, có lẽ ông sẽ khó có cơ hội trở về.

Đức Quý (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/lee-myung-bak-hanh-trinh-tu-tong-thong-toi-toi-pham-tham-nhung-582802/