Lebanon và bài học xương máu cho Israel

Lebanon được thành lập với mục đích ban đầu là đất nước của những người theo đạo Thiên chúa, nhưng điều này đã bị mất đi theo thời gian.

Lebanon được thành lập với mục đích là xây dựng một “ngôi nhà chung” cho những người theo đạo Thiên chúa và các nhóm thiểu số khác trong khu vực. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ, Lebanon đã từ bỏ biểu tượng quốc gia và bắt đầu tan rã từ bên trong.

Theo nhận định của Tiến sĩ Mordechai Kedar - cựu sĩ quan tình báo quân sự IDF chuyên về Syria, nhà phân tích quan hệ Ả Rập - Israel, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về Tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) và các nhóm Hồi giáo khác, nếu Israel không rút kinh nghiệm từ trường hợp của Lebanon, nước này có thể rơi vào tình huống không kém phần nghiêm trọng.

Lịch sử hình thành quốc gia Cơ đốc giáo Lebanon

Lebanon, giống như Syria, Jordan, Iraq và Israel, được sinh ra trên đống đổ nát của Đế chế Ottoman [Thổ Nhĩ Kỳ] sau khi các vùng đất của nó bị Anh xâm chiếm. Anh cùng với Pháp, được “Liên đoàn các quốc gia”(gọi tắt là “Hội Quốc Liên” - một tổ chức liên chính phủ là tiền thân của Liên Hiệp Quốc) trao cho nhiệm vụ thành lập các quốc gia độc lập trên vùng lãnh thổ đó.

Ý tưởng thống trị của giới trí thức nói tiếng Ả Rập theo chủ nghĩa dân tộc là thành lập một nhà nước lớn trong khu vực bao gồm các cộng đồng tôn giáo Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Druze, Alawite và Do Thái.

Nhưng nhiều người theo đạo Thiên chúa ở Lebanon, đặc biệt là người Công giáo Maronites, không thích ý tưởng này, vì họ nhận thức rõ về số phận mà người Armenia và người Syria đã phải gánh chịu trong Thế chiến I - một thời kỳ đen tối mà hơn một triệu người Armenia Cơ đốc giáo bị người Hồi giáo sát hại theo những cách kỳ lạ và man rợ.

Họ biết một quốc gia lớn như Syria sẽ có đa số là người Hồi giáo trong khi những người theo đạo Thiên chúa sẽ chiếm thiểu số, giống như dưới thời của Đế chế Ottoman Hồi giáo.

Khi Đế chế Ottoman sụp đổ, những người theo đạo Thiên chúa Lebanon nhìn thấy cơ hội để giải phóng mình khỏi ách thống trị của đa số người Hồi giáo. Nguyên tắc chỉ đạo của họ là nhà nước Lebanon có thể giải quyết vấn đề của họ với tư cách quốc gia mà những người theo đạo Thiên chúa là chủ thể.

Pháp - quốc gia nắm giữ sinh mệnh của Syria - đã đồng tình với khao khát độc lập của các Kitô hữu và nỗ lực hợp tác giúp đỡ họ biến đất nước Lebanon thành một quốc gia riêng biệt của mình.

Ngoài các cuộc chiến tranh, Israel còn học được bài học khác từ Lebanon

Ngoài các cuộc chiến tranh, Israel còn học được bài học khác từ Lebanon

Giữa những người theo đạo Thiên chúa ở Lebanon, một cuộc tranh luận đã nổ ra giữa những người theo chủ thuyết về thành lập một “Tiểu Lebanon” (Little Lebanon) và những người thúc đẩy thành lập một “Đại Lebanon” (Big Lebanon).

“Little Lebanon” là lãnh thổ kéo dài từ Beirut sang phía đông và lên phía bắc đến Tripoli. Lãnh thổ này thực sự nhỏ và đặc biệt là tất cả cư dân của nó đều theo đạo Thiên chúa. Vấn đề lớn của khu vực này là nó hoàn toàn là đồi núi nên tiềm năng kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, vốn có hạn chế.

“Big Lebanon” bao trùm cả “Little Lebanon” và có thêm Thung lũng Bekaa - một vùng nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ - và các vùng đất phía nam Beirut. Khó khăn của “Big Lebanon” là những lãnh thổ thêm vào có đa dạng dân cư là người Druze và người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni, điều này sẽ gây nguy hiểm cho tính cách Cơ đốc của Lebanon.

Sau một cuộc tranh luận công khai, những người ủng hộ một “Lebanon lớn” với các cơ chế hiến pháp và chính phủ có thể duy trì sự bá quyền của Cơ đốc giáo nổi lên như những người chiến thắng. Nhà nước được thành lập là một nền dân chủ phân bổ vai trò chính trị giữa các cộng đồng khác nhau.

Lebanon bắt đầu mất đi bản chất Cơ đốc giáo

Rắc rối bắt đầu khi thiểu số Cơ đốc giáo cầm quyền ở Lebanon bắt đầu từ bỏ bản chất Cơ đốc giáo của đất nước. Quá trình đó có thể được xem là diễn ra ở nhiều thời điểm trong lịch sử của Lebanon, trong đó ba thời điểm quan trọng nhất sẽ được trình bày dưới đây:

Thời điểm đầu tiên: Trong Hiệp định Cairo năm 1969, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser đã đặt Lebanon vào tình thế mà các trại tị nạn của người Palestine (có 10 trại vào thời điểm đó), hình thành một “lãnh thổ ngoài lãnh thổ” mà người dân có thể tự tổ chức, trang bị và đào tạo cho Lực lượng "Quân Giải phóng Palestine".

Sự hiện diện quân sự của người Palestine tại đất nước này đã nhanh chóng trở thành mối đe dọa an ninh đối với sự tồn tại của nhà nước Lebanon và thực sự chính những người Palestine có vũ trang đã châm ngòi cho cuộc Nội chiến Lebanon năm 1976.

Bước ngoặt thứ hai: Vào năm 1980, Lebanon cho phép Iran do Đại giáo chủ Khomeini lãnh đạo, bắt đầu gửi các nhà truyền giáo người Shiite đến đất nước với mục đích thúc đẩy tinh thần cộng đồng của người Shiite, dòng Hồi giáo Shia. Sau đó, Tehran tiếp tục cử các cố vấn quân sự, vũ khí và đạn dược để “bổ sung thêm khía cạnh quân sự cho sức mạnh tinh thần của cộng đồng Shiite”.

Lebanon đã dần dần đánh mất bản sắc một quốc gia Cơ đốc giáo

Quá trình này xảy ra trong khi đất nước bị cuốn vào một cuộc nội chiến và chính phủ không còn khả năng ngăn cản việc trao quyền cho quân đội của người Shiite. Sự hiện diện quân sự của Israel ở miền nam Lebanon đã cung cấp một cái cớ hợp pháp cho quá trình này.

Dấu mốc thứ ba: Hiệp định Taif năm 1989, kết thúc cuộc nội chiến. Thỏa thuận này quy định rằng tất cả dân quân địa phương sẽ bị giải tán và quân đội Lebanon sẽ là lực lượng vũ trang duy nhất.

Người Syria, sau đó đã gây chấn động ở Lebanon, bằng việc giải tán tất cả các lực lượng dân quân, trừ Hezbollah, lực lượng mà họ tiếp tục trang bị và củng cố cho đến khi lực lượng này trở thành lực lượng mạnh nhất ở Lebanon - thậm chí còn mạnh hơn cả quân đội nhà nước.

Trong khi đó, một quá trình biến động nhân khẩu học hai chiều đang diễn ra ở Lebanon, trong đó dân số theo đạo Thiên chúa giảm vì tỷ lệ sinh thấp và di cư cao và dân số người Shiite tăng do tỷ lệ sinh cao và di cư thấp.

Cộng đồng người Shiite hiện nay là lớn nhất trong cả nước. Mặc dù không có cuộc điều tra dân số nào được tiến hành ở Lebanon vì tính nhạy cảm của vấn đề nhân khẩu học, nhưng cộng đồng người Shiite được cho là lớn hơn tất cả những dân tộc hay nhóm tôn giáo khác cộng lại. Nói cách khác, nó chiếm đa số trong các quyết định ở Lebanon.

Trong những năm qua, cộng đồng Cơ đốc giáo ở Lebanon đã không thống nhất được cả về tư tưởng lẫn hành động (có hơn 10 nhóm Cơ đốc giáo khác nhau trong nước); do đó, nhiều chính trị gia Cơ đốc giáo đã tìm kiếm đồng minh giữa các cộng đồng khác và hợp tác với họ chủ yếu để thúc đẩy lợi ích cá nhân.

Ví dụ đáng chú ý nhất là Tổng thống hiện tại của Lebanon là ông Michel Aoun, người được bầu vào năm 2016, là một người ủng hộ nhiệt thành với lực lượng dân quân người Shiite Hezbollah, được coi là lực lượng ủy nhiệm của Iran.

Do đó, những đặc điểm chính trị bất thường đã xuất hiện ở đất nước này, mà điển hình là thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah chính là “người cai trị thực tế ở Lebanon”.

Israel cho rằng, Lebanon đã nằm trong sự kiểm soát của người Hồi giáo dòng Shiite

Chính ông Nasrallah là người quyết định việc các chính trị gia của các cộng đồng dân tộc và tôn giáo khác được bổ nhiệm vào các vị trí “lãnh đạo” và ông quyết định khi nào họ bị loại khỏi hệ thống chính trị hoặc thậm chí bị ám sát (như trường hợp của cựu Thủ tướng Rafiq Hariri).

Trong một quá trình chậm chạp nhưng không thể ngăn chặn, Lebanon đã không còn là “Thụy Sĩ của Trung Đông”, vì cộng đồng Cơ đốc giáo thành lập đất nước Lebanon đã từ bỏ bản chất “Cơ đốc giáo” của đất nước.

Các nhà lãnh đạo tham nhũng của cộng đồng đó đã cống hiến hết mình để thực hiện mục tiêu bá quyền của cộng đồng người Hồi giáo Shiite - một nhóm sắc tộc-tôn giáo, được đưa vào đất nước sự thèm muốn lãnh thổ của những người ủng hộ Cơ đốc giáo về một “Lebanon lớn”.

Bài học đối với Israel

Theo Tiến sĩ Mordechai Kedar, Israel cần phải học lại bài học xương máu từ sự tan rã của đất nước Lebanon Thiên chúa.

Chính quyền Tel Avip phải cố gắng hết sức và vạch ra chiến lược rõ ràng và vững chắc để duy trì đa số nhân khẩu Do Thái; xây dựng “Kế hoạch các tiểu vương quốc”, nhằm tạo ra sự chia cắt giữa Israel và phần lớn dân số Palestine ở Bờ Tây sông Jordan (thường gọi là “Bờ Tây” - West Bank’s), trong khi vẫn giữ phần lớn vùng đất nông thôn thưa dân thuộc chủ quyền của Israel.

Israel cũng phải gắn kết Quốc gia và Nhà nước của người Do Thái không chỉ trong một luật cơ bản, Luật Quốc gia-Nhà nước, mà còn trong một danh sách dài các luật, các quy định và hành động dựa trên Luật Quốc gia-Nhà nước và áp dụng chặt chẽ nó vào thực tế.

Ngoài ra, Israel phải cảnh giác trước bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu địa vị của mình với tư cách là nhà nước của dân tộc Do Thái, đặc biệt là về hành động của các tổ chức và nhóm của Israel cũng như các tổ chức ở Châu Âu và Hoa Kỳ nhắm vào mục đích đó.

Israel cũng phải cảnh giác với hoạt động chống người Do Thái ở Tel Avip nói chung và trên Núi Đền nói riêng; đồng thời cũng phải loại bỏ tất cả các tác nhân nước ngoài đã giành được chỗ đứng ở thủ đô của Israel - từ Jordan đến Thổ Nhĩ Kỳ - đang âm thầm ủng hộ các Phong trào Hồi giáo.

Nếu Israel từ bỏ địa vị là nhà nước của người Do Thái, số phận của nó sẽ giống như nước láng giềng Lebanon ở phía bắc, vốn trước đây được coi là nhà nước của những người theo đạo Thiên chúa, nhưng hiện nay đã nằm dưới sự thống trị của người Hồi giáo dòng Shiite.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/lebanon-va-bai-hoc-xuong-mau-cho-israel-3426560/