Lebanon - Từ 'rổ bánh mì' thành 'trang trại cần sa'

Biến đổi khí hậu đang biến 'rổ bánh mì' của Trung Đông thành trang trại cần sa. Đó là Lebanon.

Biến đổi khí hậu đang biến "rổ bánh mì" của Trung Đông thành trang trại cần sa. Đó là Lebanon.

Cánh đồng cần sa ở Thung lũng Bekaa. Ảnh: CNN

Thích ứng khí hậu

"Nó có mùi như thiên đường. Đây là loại thảo mộc hạnh phúc. Bạn tôi nói rằng khi anh ta hút, vợ anh ấy sẽ trở thành một công chúa, thế giới tỏa sáng, và cuộc sống thật đẹp!", Abu Salim nói khi đang đứng tại một khu vực thuộc Thung lũng Bekaa, trung tâm trồng trọt của Lebanon, nơi từng được coi là "rổ bánh mì" của Trung Đông. Đây cũng là nơi có một số nhóm chính trị bảo thủ và gây tranh cãi nhất trong khu vực.

Một cánh đồng cần sa - gần bằng kích thước của 3 sân bóng đá - trải dài trước mặt Abu Salim. Mùa thu hoạch chưa bắt đầu, nhưng Lebanon gần đây đang tập trung phát triển các cánh đồng như thế. Theo lời khuyên của nhóm tư vấn quốc tế McKinsey, quốc hội Lebanon đang chuẩn bị hợp pháp hóa cần sa. Điều này sẽ mở đường cho ngành công nghiệp trị giá gần 800 triệu USD, theo Bộ trưởng Kinh tế Raed Khoury, và có thể trở thành "vị cứu tinh" kịp thời cho những khó khăn về kinh tế của đất nước.

Và nông dân của Lebanon hoan nghênh sự chuyển đổi này. Như ở nhiều nơi trong khu vực, đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu. Thung lũng Bekaa, nằm giữa vùng núi Lebanon và Syria, bị hạn hán, và nhiều ao hồ cạn kiệt. Trồng khoai tây, hành tây và các sản phẩm truyền thống trở nên khó khăn hơn. Cần sa là cây trồng chịu hạn, không cần nhiều nước, không cần thuốc trừ sâu, và nó phát triển tốt ở độ cao của vùng đồng bằng Bekaa.

Một nông dân trong một chiếc xe tải nhỏ bên cạnh Abu Salim nói: "Chưa biết được chuyện gì sẽ xảy ra về việc hợp pháp hóa khoai tây?", người nông nhân này cho biết. "Khoai tây" là từ phổ thông chỉ nhựa được làm từ cây cần sa.

"Cứu tinh" của nền kinh tế Lebanon?

Các quan chức Lebanon hy vọng, hợp pháp hóa cần sa sẽ thúc đẩy xuất khẩu, giúp khởi động nền kinh tế đang hết sức thảm khốc của Lebanon. Nước này hiện có tỷ lệ nợ cao thứ ba trên thế giới đối với GDP bị suy thoái cơ sở hạ tầng và tỷ lệ thất nghiệp cao. Các chuyên gia nông nghiệp ở Lebanon cho rằng, động thái này cũng có thể giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp.

Mustapha Haidar, giáo sư khoa học cần sa tại Đại học Mỹ tại Beirut và là Giám đốc một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nổi tiếng ở Bekaa, cho biết: "Người dân vùng đồng bằng Bekaa biết cách trồng cần sa. Họ là những chuyên gia trong lĩnh vực này. Họ không giỏi trong việc tiếp thị nhưng họ giỏi trồng. Và nếu chính phủ kiểm soát việc bán cần sa cũng như cho phép sử dụng chúng, tôi nghĩ điều này rất tuyệt. Tại sao lại không?".

Bộ trưởng Kinh tế Raed Khoury cho biết: "Nó có thể mang về khoảng 400 đến 800 triệu USD doanh thu cho đất nước".

Theo ông Haidar, có rất ít lựa chọn thay thế để trồng trọt ở vùng đồng bằng này. Tỷ suất lợi nhuận của cần sa là rất cao, ít nhất là gấp 3 lần khoai tây và hành tây.

Ủng hộ hay phản đối?

Hiện nay, các nhà thực thi pháp luật dường như đang nhắm mắt làm ngơ cho các trang trại cần sa. Cảnh sát không thường xuyên tổ chức các đợt truy quét. Trong khi đó, lực lượng chính trị chính trong khu vực, Hezbollah, dường như có một mối quan hệ rộng lớn với nông dân.

Một số nông dân trồng cần sa là những người ủng hộ Hezbollah, Abu Salim nói. Trong khi nhóm này đã kiềm chế những nỗ lực tán thành công khai để hợp pháp hóa cần sa, thì đồng minh chính trị nổi bật nhất của nhóm, nghị sĩ Nabih Berri, đã ủng hộ động thái này, trở thành nhân vật cao cấp nhất làm điều này. Cho đến nay, động thái này không vấp phải nhiều phản đối, dấu hiệu cho thấy tầng lớp chính trị của Lebanon đang hỗ trợ nó.

AN BÌNH (Theo CNN)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_193617_lebanon-tu-ro-banh-mi-thanh-trang-trai-can-sa-.aspx