Lebanon chìm sâu vào khủng hoảng

Lebanon đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, trong bối cảnh nền kinh tế nước này điêu đứng bởi vỡ nợ và khủng hoảng tài chính. Nhiều người Lebanon có thể sẽ sớm rơi vào tình cảnh khó mua được bánh mì vì không có tiền và hệ lụy của dịch Covid-19.

Một tiệm bánh mì ở thủ đô Bây-rút, Li-băng. Ảnh CHINA DAILY

Một tiệm bánh mì ở thủ đô Bây-rút, Li-băng. Ảnh CHINA DAILY

Đó là cảnh báo của Thủ tướng Lebanon H.Diab trước nguy cơ dịch Covid-19 gây ra tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực toàn cầu. Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra. Đồng tiền của nước này mất hơn 50% giá trị kể từ tháng 10-2019 khi xảy ra khủng hoảng năng lực thanh khoản tiền mặt. Lạm phát và thất nghiệp tiếp tục tăng mạnh. Lebanon rơi vào tình trạng vỡ nợ quốc gia hồi tháng 3 vừa qua, khiến giá lương thực nhập khẩu tăng gấp hai lần kể từ đầu năm 2020, trong bối cảnh quốc gia này nhập khẩu hơn một nửa khối lượng phục vụ nhu cầu lương thực. Từ chỗ là vựa bánh mì của khu vực Đông Địa Trung Hải, Lebanon đang đối mặt thách thức an ninh lương thực nghiêm trọng, vốn là điều không tưởng trong 10 năm trước đây. Lebanon đã chứng kiến những cuộc biểu tình đầu tiên nhằm phản đối tình trạng thiếu lương thực do nhiều người dân không mua được thịt, trái cây và rau củ, thậm chí có thể sẽ sớm không mua nổi cả bánh mì.

Dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa đã làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng kinh tế và gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng lương thực. 80% lúa mì của Lebanon nhập khẩu từ Ukraine và Nga. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Nga đã tạm dừng xuất khẩu lúa mì, trong khi Ukraine đang xem xét một động thái tương tự. Trước thực trạng này, Thủ tướng Lebanon H.Diab cho rằng cần phản đối các hành động nhằm hạn chế xuất khẩu lương thực, đồng thời kêu gọi Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) thành lập một quỹ khẩn cấp để giúp Trung Đông tránh cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Theo ông, đại dịch có thể gây ra tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực toàn cầu, khiến các quốc gia dễ bị tổn thương như Lebanon đối mặt những nguy cơ. Nếu không có biện pháp kịp thời, nạn đói có thể gây ra một làn sóng di cư mới sang châu Âu và sẽ khiến khu vực này bất ổn hơn.

Lebanon đã tham gia các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với hy vọng có được khoản viện trợ 10 tỷ USD để hỗ trợ một phần chương trình cải cách kinh tế, nhằm cắt giảm chi tiêu của nhà nước và phục hồi ngành ngân hàng bị thua lỗ. Chính phủ Lebanon từng đề nghị IMF tư vấn về kế hoạch kinh tế, khi nước này đối mặt những thách thức kinh tế vĩ mô. Lebanon lâm vào khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng, với nợ công hơn 86 tỷ USD. Trong nhiều tháng qua, nước này rơi vào tình trạng khan hiếm đồng USD do suy thoái kinh tế và sụt giảm nguồn tiền mặt do kiều hối giảm, làm giảm dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương. Theo đó, các ngân hàng ở nước này phải áp đặt hạn mức rút tiền tiết kiệm, gây lo ngại cho người gửi. IMF đã cam kết huy động hơn 11 tỷ USD hỗ trợ Lebanon, với điều kiện nước này đẩy nhanh các biện pháp cải cách kinh tế.

Khó khăn chồng khó khăn, Lebanon vừa đối mặt khủng hoảng tài chính vừa phải lo chống dịch Covid-19 bùng phát. Nước này đã thông báo kế hoạch chi 39 triệu USD, trích từ khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để chống dịch. Chính phủ Lebanon đã đưa ra kế hoạch “giải cứu” tài chính, trong đó ưu tiên duy trì nguồn ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu. Song thực tế, các nguy cơ về an ninh lương thực đang đẩy Lebanon chìm sâu vào khủng hoảng.

THANH VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44695102-lebanon-chim-sau-vao-khung-hoang.html