“Lê Vĩnh Hòa tuyển tập”: Áng văn chương quý báu hôm qua và hôm nay

Ngày 20-6, Nhà xuất bản Công an nhân dân (NXB CAND) phối hợp cùng gia đình cố nhà văn Lê Vĩnh Hòa tổ chức buổi lễ giới thiệu cuốn sách “Lê Vĩnh Hòa tuyển tập” nhân kỷ niệm 49 năm ngày mất của ông. Đây cũng là lời tri ân, tưởng nhớ đến người con của quê hương Nam bộ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đến dự buổi lễ có Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; bà Lê Thị Hạnh, phu nhân của cố nhà văn Lê Vĩnh Hòa cùng đông đảo gia đình, bạn bè, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Quang cảnh buổi lễ giới thiệu sách.

Nhà văn Lê Vĩnh Hòa, tên thật là Đoàn Thế Hối, sinh ngày 6-10-1932 tại Bình Định. Bắt đầu sáng tác từ năm 1951 cho đến lúc hy sinh (năm 1967), nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã dùng ngòi bút của mình để thức tỉnh lòng yêu nước thương nòi, khích lệ tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam. Với hàng trăm tác phẩm, gồm nhiều thể loại như bút ký, tùy bút, phóng tác, thơ… nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của dân tộc, cuộn mình vào dòng chảy văn chương kháng chiến lúc bấy giờ.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười chia sẻ, nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã không chọn cho mình quyết định ra miền Bắc tập kết mà ở lại ngay trong lòng địch để hoạt động, chiến đấu, đó là một sự hi sinh cao cả. Những tác phẩm của lớp lớp những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường như nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã để lại những tác phẩm văn chương quí báu cho độc giả.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND phát biểu tại buổi lễ.

Nhân dịp này Trung tướng Nguyễn Xuân Mười cũng biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của NXB CAND trong những năm gần đây đã tích cực đẩy mạnh việc xuất bản nhiều tác phẩm văn học trong giai đoạn kháng chiến của các tác giả như nhà văn Nguyễn Đình Lạp, nhà văn Lê Vĩnh Hòa… Đồng chí Phó Tổng cục trưởng cũng yêu cầu NXB CAND tiếp tục phát huy thế mạnh này để tạo thương hiệu cho NXB CAND cũng như lĩnh vực xuất bản của lực lượng Công an.

Như nhận xét của Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND: “Ngòi bút của nhà văn Lê Vĩnh Hòa còn vương mùi thuốc súng, phản ánh đúng cái tàn khốc, dữ dội, đau thương của cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng cũng không kém phần nhân ái, vị tha làm lay động lòng người”.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND phát biểu.

Sống một cuộc đời ngắn ngủi, cầm bút trong khoảng thời gian ngắn, nhưng nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã để lại một phong cách văn chương đặc sắc, góp phần định hình nên phong cách văn chương Nam Bộ từ sau 1945.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười tặng sách cho bà Lê Thị Hạnh, phu nhân của cố nhà văn Lê Vĩnh Hòa.

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND khẳng định, trong nhiều cuốn sách ông đã đọc lâu nay, có những nhà văn nổi tiếng đã đề cập đến nhà văn Lê Vĩnh Hòa với một thái độ trân trọng.

Điều đó khẳng định, ngoài sự đóng góp với tư cách là một nhà văn - chiến sĩ, Lê Vĩnh Hòa là một tài năng văn chương đích thực. Tuy hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ (35 tuổi) nhưng nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã để lại một số lượng tác phẩm đáng kể, có chất lượng cao.

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND phát biểu tại buổi lễ.

Bà Lê Thị Hạnh, phu nhân của nhà văn Lê Vĩnh Hòa chia sẻ thêm, bà và ông lấy nhau được một thời gian ngắn thì ông bị địch bắt giam.

Trong những lần bà vào tù thăm ông, vì quá xúc động mà bà và ông gần như chẳng nói được gì nhiều, chỉ nhìn nhau mà khóc.

Bà Lê Thị Hạnh, phu nhân của nhà văn Lê Vĩnh Hòa phát biểu chia sẻ.

Cũng nhân dịp này, Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái đã gửi lời cảm ơn đến Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi và gia đình anh Võ Văn Chương đã tài trợ, góp công sức, tâm huyết cho cuốn sách có dịp ra mắt bạn đọc ngày hôm nay.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười chụp ảnh lưu niệm cùng thân nhân gia đình tác giả và các đại biểu.

“Lê Vĩnh Hòa tuyển tập” dày 538 trang với 2 phần: Những tác phẩm viết trong vùng địch chiếm (1956 – 1958) và Những tác phẩm viết trong vùng giải phóng (1964 – 1966).

Thảo Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/le-vinh-hoa-tuyen-tap-ang-van-chuong-quy-bau-hom-qua-va-hom-nay-397134/