Lễ vật dâng Đức Thánh Trần ngày chính kị ở đền Kiếp Bạc

Năm 2012, tôi được trải nghiệm người dân sở tại làm bánh dâng ngày giỗ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ngày 20 tháng 8 âm lịch.

Lễ vật được làm từ những sản vật nuôi trồng của hai làng Vạn Yên, làng Dược Sơn (có người vẫn nhầm làng Dược Sơn có tên làng Bạc. Bản khai thần tích Thành hoàng làng năm 1938 của Dược Sơn, không thấy ghi tên làng Bạc. Sách Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kì, in năm 1927 ghi: Dược Sơn 348 dân, thuộc tổng Chi Ngải (Ngại thì phải?), huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Những bánh do người dân tự làm thành mâm lễ để trình diễn nghi thức Lễ tiến thánh, cầu xin Đức Thánh phù hộ độ trì.

Người dân vẫn thể hiện lòng thành bằng điều kiện và thực lực từ lễ vật dâng cúng, đến cử chỉ lễ bái. Luôn “Chí thành thông thánh”.

Chuyện kể rằng:

Sau khi ngài mất, các châu huyện ở lộ Lạng Giang bị bệnh đậu mùa, nhiều người kêu cầu. Mỗi khi trong nước có giặc, thì tế ở đền thờ, hễ nghe gươm trong hộp có tiếng kêu, tất là đại thắng. Hai chi tiết này là khởi đầu về sự hiển linh của đại vương, đã được ghi chép vào Sử ký toàn thư.

Dân gian truyền tụng rằng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ngài đã bắt được đạo sĩ Nguyễn Bá Linh đi theo làm phép thuật trong quân Nguyên Mông, y đã bị chém thành 3 đoạn. Ba đoạn thi hài ấy đã biến hóa thành 3 con tà: Phạm Nhan, Phạm Điệt và Phạm Nghinh, thường chui rúc vào đũng quần phụ nữ phơi phong ngoài sân để quá chạng vạng, làm cho người nữ bị bệnh tà đau ốm thất thường. Bệnh nhân phải đến cầu cúng ở đền thờ Hưng Đạo đại vương, thay chiếu mới, lấy chiếu cũ trải ở đền đem về trải giường nằm mới được yên lành.

Huyền thoại về việc hiển thánh trừ tà ma, diệt yêu quái quấy hại phụ nữ của Hưng Đạo đại vương dần lan truyền.

Trong hệ thống đền Đức Thánh Trần, Kiếp Bạc là đền thứ nhất, thứ nhì là đền A Sào (ở xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), thứ ba là đền Bảo Lộc (ở thôn Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc, thành phố Nam Định).

Theo thống kê của GS Vũ Ngọc Khánh thì ở Nam Định có 168 đền thờ Đức Thánh Trần, Hà Nam: 54 đền, Hải Dương: 46 đền, Hưng Yên: 29 đền, Thái Bình: 35 đền, Hà Nội: 53 đền.

(Chuyện kể này nhận từ nguồn: Thờ Đức Thánh Trần, từ đền chính Kiếp Bạc đến các đền vọng ở thành phố huế của CHủ tịch Hội Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Trần Đại Vinh).

Đặng Văn Lộc

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/le-vat-dang-duc-thanh-tran-ngay-chinh-ki-o-den-kiep-bac-79818