Lê Văn Vàng - Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Tiên Yên

Xã Điền Xá (Tiên Yên) có Khu di tích lịch sử Khe Giao là nơi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Tiên Yên được hành lập (tháng 10/1948), gắn với tên tuổi Lê Văn Vàng, Bí thư đầu tiên - người chiến sĩ cộng sản kiên trung của huyện Tiên Yên.

Ông Lê Văn Vàng, sinh ngày 1/10/1919, tại thôn Thác Đôn, xã Tiên Lãng nay là khu phố Đông Tiến 2, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên trong một gia đình trí thức. Ông Vàng là anh cả của gia đình 5 anh em. Do được học hành đầy đủ nên các anh em gia đình ông Vàng đều có tư tưởng tiến bộ và có 3 người tham gia hoạt động cách mạng. Trong đó có bà Lê Thị Cúc bị giặc bắt đày tù tại nhà tù Côn Đảo.

Ông Lê Văn Vàng, Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Tiên Yên (ảnh do Ban Tuyên giáo huyện Tiên Yên cung cấp)

Ông Lê Văn Vàng, Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Tiên Yên (ảnh do Ban Tuyên giáo huyện Tiên Yên cung cấp)

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Yên 1930 - 2020" do Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Yên biên soạn, Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản năm 2020, đã kể về buổi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở thôn Khe Giao, xã Điền Xá - một mốc son trong lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Yên.

Đó là khi sau thất bại lớn ở Việt Bắc Thu - Đông 1947, Thực dân Pháp không thể “đánh nhanh thắng nhanh” phải chuyển sang đánh lâu dài. Chúng áp dụng chính sách “dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, để kéo dài cuộc chiến. Chúng tăng cường hệ thống đồn bốt trên các tuyến đường quan trọng, như các đường 13, 18, 4 và các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Móng Cái, Đầm Hà, Hà Cối, biến những nơi này thành cụm cứ điểm phòng tuyến quân sự quan trọng. Chúng cho thành lập “Khu tự trị Nùng Hải Ninh” gồm 8 huyện Móng Cái, Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên, Cửa Tiên Yên (gồm một phần Mũi Chùa (Tiên Yên) và một phần đảo Cái Bầu (Vân Đồn) ngày nay, Bình Liêu, Ba Chẽ và Đình Lập (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn).

Dưới sự trợ giúp của Thực dân Pháp, “Khu tự trị Nùng” do Voòng A Sáng đứng đầu đã thực hiện các chiêu bài mị dân, ra sức chống phá cách mạng. Hoạt động của chúng mang cả tính chất thổ phỉ man rợ.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Hải Ninh quyết định cử Lê Văn Vàng và 3 đồng chí khác về Tiên Yên lấy rừng Khe Giao (xã Điền Xá) làm nơi tập kết để xây dựng lực lượng. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã liên lạc chắp nối với các cơ sở. Số hội viên cứu quốc phát triển nhanh chóng, lấy được lòng tin của nhân dân, lập lại sự chỉ đạo thống nhất từ huyện xuống các địa phương. Đặc biệt, ta đã xây dựng được 2 đội du kích Bắc Lãng và Điền Xá.

Du kích Tiên Yên được phục hồi và hoạt động giữa núi rừng vùng địch hậu đã gây sự kinh hoàng cho giặc Pháp. Hàng chục trận phục kích, chặn xe vận tải, cắt đường dây điện thoại, tấn công kho hậu cần xảy ra trên đường số 4. Trên đường giao thông thủy, nhiều tàu, xà lan của địch bị đánh chìm ở thác Cối, Mũi Chùa.

Đoàn lãnh đạo huyện Tiên Yên dâng hoa tại Di tích lịch sử Khe Giao nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 3/2/2020 (ảnh do Ban Tuyên giáo huyện Tiên Yên cung cấp).

Tháng 10/1948, Tỉnh ủy Hải Ninh quyết định cho Tiên Yên thành lập Chi bộ gồm 3 đồng chí: Lê Văn Vàng, Hoàng Bảo Tân, Lương Quốc Thắng. Chi bộ lấy xã Điền Xá làm căn cứ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công cuộc kháng chiến ở Tiên Yên. Buổi lễ thành lập Chi bộ cơ quan huyện Tiên Yên diễn ra vào cuối tháng 10/1948 tại Khe Giao (xã Điền Xá) và đồng chí Lê Văn Vàng được cử là Bí thư Chi bộ.

Việc thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Tiên Yên ngày nay là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, chứng tỏ Đảng đã xác định được chỗ đứng vững chắc trong phong trào cách mạng địa phương. Mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng đã xích lại gần nhau. Từ đây, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện chính thức đảm nhiệm và gánh vác trọng trách lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân Tiên Yên đi đến thắng lợi cuối cùng.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Lê Văn Vàng do xuất thân từ tầng lớp trí thức, được học nghề kế toán nên ông chuyển sang làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lạng Sơn. Ông mất năm 1988 tại huyện Tiên Yên.

Ông Vàng có 4 người con, người con cả đã hy sinh trên chiến trường miền Tây Nam Bộ, những người con khác đều là cán bộ huyện Tiên Yên. Ông Vàng có người con rể là ông Đinh Quang Mậu, là Chủ tịch HĐND huyện Tiên Yên từ năm 2014 – 2015, hiện nay đã nghỉ hưu.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Tiên Yên đã phát triển vững mạnh, ngày càng giàu đẹp văn minh. Khu di tích lịch sử Khe Giao nơi chi bộ Đảng đầu tiên của Tiên Yên thành lập đã được đầu tư xây dựng nâng cấp từ cuối năm 2018, trở thành điểm đến của nhiều du khách, ôn lại cho con cháu những năm tháng hào hùng một thời của cha ông.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202010/le-van-vang-bi-thu-chi-bo-dang-dau-tien-cua-huyen-tien-yen-2506350/