Lễ Tịch điền có từ bao giờ?

Được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế kỷ, Lễ Tịch điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) diễn ra vào ngày mùng 7 Tết hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của đất nước dịp Tết đến xuân về.

Theo từ điển bách khoa điện tử, Lễ Tịch điền có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông khai mở. Mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại cho đến ngày nay.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lái máy cày khuyến khích người dân công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp tại Lễ Tịch điền 2017

Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đánh giá, Lễ Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng với nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh…

Người dân nô nức tham gia Lễ Tịch điền cầu mua thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi...

Tại lễ hội Tịch điền 2017, bên cạnh việc thực hiện nghi thức cày bằng trâu truyền thống còn có sự xuất hiện của máy cày. Nhưng dù thế nào, mục đích và ý nghĩa của Lễ Tịch điền từ xưa đến nay vẫn nhằm cầu mua thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an, khuyến khích hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

H. Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/le-tich-dien-co-tu-bao-gio-n141487.html