Lệ Thủy (Quảng Bình): Sớm về đích nông thôn mới

Huyện Lệ Thủy, nơi được nhiều người biết đến với những phong trào 'Hai giỏi', ' Gió Đại Phong'… Đến nay, truyền thống tốt đẹp đó tiếp tục được phát huy ở phong trào Xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Lệ

Về Lệ Thủy hôm nay mọi thứ dường như đã thay đổi. Phía các đồi cát cao, chạy dọc ven biển mọc lên nhiều dự án, nhà máy, khu nghỉ dưỡng… Phía đồng ruộng, đã thấp thoáng nhà cao tầng, ánh điện sáng bừng. Từ núi Đầu Mâu đến phá Hạc Hải, từ Bang Rợn, Chút Mút đến hạ nguồn sông Kiến Giang cảnh vật thay đổi từng ngày; (điện - đường - trường - trạm) có ở nhiều nơi, đường bê tông đã thay cho những con đường đất cát, theo đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, đổi thay…

Từ khi Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, để xứng đáng là quê hương lá cờ đầu trong phong trào “Gió Đại Phong”, huyện Lệ Thủy đã tổ chức hàng loạt các mục tiêu hành động, tuyên truyền vận động các phong trào thi đua như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Ngày Nông thôn mới - Đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ Lệ Thủy chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ban Chỉ đạo huyện cũng đã cử cán bộ các ngành cấp huyện, xã tham gia các lớp tập huấn do Trung ương, tỉnh tổ chức, tham gia các đoàn học tập kinh nghiệm tại các tỉnh khác.

Đến nay toàn huyện đạt 393 tiêu chí NTM, trong đó có 12 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 50%. Nổi bật, đã có 100% số xã đạt tiêu chí Quy hoạch và tiêu chí Điện, tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa đã có 20/26 xã đạt, chiếm 76,92%. Về kinh tế và tổ chức sản xuất có 20/26 xã đạt tiêu chí về thu nhập; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên có 23/26 xã đạt. Lộ trình đến hết năm 2018, huyện Lệ Thủy có thêm 4 xã (Hồng Thủy, Thanh Thủy, Trường Thủy, Hoa Thủy) phấn đấu đạt chuẩn xã NTM.

Là một huyện nông nghiệp, do đó công tác phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề được địa phương quan tâm hàng đầu. Lệ Thủy đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các mô hình nhằm đưa các giống mới và giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp như: Mô hình nuôi cua đồng, mô hình thử nghiệm các giống lúa Hà Phát 3, Phúc Thái 168, Bắc Hương 9. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện như: Rau, lúa gạo, mướp đắng, gà đồi, nén...

Ông Lê Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy - chia sẻ: Trong những năm qua, Lệ Thủy đã không ngừng đổi mới, phấn đấu để trở thành địa phương đi đầu, về đích NTM. Vấn đề văn hóa được tập trung chú trọng hơn cả, theo đó, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức các chương trình như: Lễ đón nhận Bằng công nhận Hò khoan Lệ Thủy là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trực tiếp trên VTV; quảng bá sản phẩm du lịch huyện nhà qua Lễ hội bơi - đua thuyền, chùa Hoằng Phúc, suối Bang khiến cho đông đảo du khách và người dân biết đến quê hương Đại tướng nhiều hơn.

Để xứng đáng là con em quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi người dân Lệ Thủy không ngừng ra sức thi đua “lao động giỏi”, “sản xuất giỏi”, làm cho vùng quê “gạo trắng nước trong” trở thành địa phương NTM kiểu mẫu có nét đẹp văn hóa truyền thống tạo nên thương hiệu “xứ Lệ”.

Hoàn thiện Đề án hỗ trợ thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới

Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thành Long

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/le-thuy-quang-binh-som-ve-dich-nong-thon-moi-108608.html