LẼ SỐNG 'ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA'

Thông tin về khu vực Ngã ba Đồng Lộc trở thành thị trấn được người dân Hà Tĩnh và cả nước đón nhận với sự hân hoan. Bởi vị trí địa lý ở đây có sự kết nối thuận lợi, nên cuộc sống đi lên, sự tập trung dân cư tại nơi này là tất yếu và nhiều lý do nữa.

 Ảnh minh họa. Ảnh: Huỳnh Hà

Ảnh minh họa. Ảnh: Huỳnh Hà

Nhưng với lòng người, điều có ý nghĩa hơn là Nghĩa trang các liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc, cùng Nghĩa trang liệt sĩ giao thông vận tải sẽ được bao bọc ấm áp. Còn gì đáng trân trọng hơn việc nhịp đập của cuộc sống rộn rã hôm nay đền đáp lại sự dâng hiến hy sinh của những người đã khuất. Hiện thực hóa ước mơ dựng xây cuộc sống thanh bình, tươi đẹp của những liệt sĩ, thương binh là trách nhiệm và niềm hạnh phúc thiêng liêng của lớp người dân hôm nay và mai sau.

Đó cũng là một trong vô vàn hình ảnh sinh động chứng minh cho lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Đất nước mới lên, tươi đẹp lên thì các nghĩa trang liệt sĩ, các cơ sở an dưỡng, điều dưỡng thương binh cũng tươi mới lên. Không chỉ hương khói quanh năm, rất nhiều nghĩa trang đã được xây cất khang trang, trồng cây bóng mát, cây cảnh và hoa, ngày ngày được dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cẩn thận. Nhiều nghĩa trang đã trở thành điểm đến của những cuộc hành hương, du lịch về nguồn quanh năm. Nghĩa trang là của quốc gia hoặc các địa phương song luôn có sự tham gia đóng góp của người dân cùng các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong tu bổ, nâng cấp, làm xanh sạch đẹp. Có nơi người dân tự nguyện đảm nhiệm việc trông coi, chăm sóc.

Trong việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng cũng có thêm nhiều cách làm mới. Những năm gần đây, để không bỏ sót những trường hợp thất lạc, mất giấy tờ của thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp và giàu giá trị nhân văn. Đối với người thân, con em các liệt sĩ, thương binh, các cơ quan, tổ chức xã hội đã quan tâm thu xếp việc học tập, đào tạo và bố trí việc làm ổn định… Mục tiêu của Nhà nước là bảo đảm cho tất cả gia đình chính sách đều có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của các gia đình nơi cư trú được các địa phương cơ bản hoàn thành và đang hướng tới hoàn thành 100% vào năm 2020…

Thời gian qua đi nhưng lòng tiếc thương, tri ân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn-đền ơn đáp nghĩa” không những không vơi cạn, nhạt phai mà ngày mỗi thêm đậm đà, sâu nặng trong nghĩa tình non nước. Rất tự nhiên mọi công việc liên quan đến chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng luôn nhận được sự đồng thuận cao nhất, luôn được mọi người dân già, trẻ, mọi tổ chức xã hội, tôn giáo tự nguyện, chủ động tham gia. Thực tế đạo lý “uống nước nhớ nguồn-đền ơn đáp nghĩa” đã gắn kết mọi xóm làng, phố phường, mọi cộng đồng xã hội, trở thành động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Xứng đáng với quá khứ, vươn tới tương lai là lẽ sống của mỗi người Việt Nam.

Được gia cố, bồi đắp cùng năm tháng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn-đền ơn đáp nghĩa” đã và sẽ mãi mãi là bản sắc văn hóa, là nền tảng tinh thần của dân tộc ta.

NGUYỄN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/le-song-den-on-dap-nghia-583454