Lễ Rước người ngày mùng 7 Tết

Cho đến bây giờ, trên đất nước ta, chỉ duy nhất có một nơi là các làng xã vùng đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh còn duy trì được một tục lệ đặc biệt: Lễ Rước người ngày mùng 7 Tết âm lịch. Theo quan niệm cổ xưa ở phương Đông, trong 7 ngày đầu tiên của năm mới, thì ngày mùng 7 ứng với người.

Đây là nơi 17 vị Tiên Công đã quai đê, lấn biển, lập các làng xã trên một vùng đảo phía Nam sông Bạch Đằng (vì vậy gọi là Hà Nam), sau chiến thắng Bạch Đằng, cách đây hơn 700 năm. Ca dao cổ địa phương có câu: “Đảo Hà Nam là bãi chiến trường”.

Ở làng Trung Bản, xã Liên Hòa trong vùng, theo truyền thuyết, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã từng đóng bản doanh trung tâm tại đây (nên đời sau gọi là Trung Bản). Trong đền thờ tại bản xã, hiện còn bức tượng Đại vương ngồi, tóc xõa buông xuống ngang lưng, tay phải cầm trâm cài tóc. Không ở đâu trên đất nước ta có bức tượng Ngài đặc sắc như vậy.

Dân gian kể rằng: Ngài đã từng xõa tóc gội đầu tại đây, sau trận kịch chiến trên sông Bạch Đằng ngày 9 tháng 4 năm 1288, mang lại nền thái bình muôn thuở cho non sông Đại Việt.

Võng rước cụ Thượng ra đình Tứ xã (Đình Tổng) để làm Lễ các Tiên Công.

Các cụ trưởng lão trong vùng cho biết, Lễ Rước người được duy trì đến nay là hơn 500 năm. Người được rước năm nào là năm ấy cụ thượng thọ, tròn 80 tuổi, được gọi một tên chung là cụ Thượng, không phân biệt cụ ông hay cụ bà. Theo quan niệm xưa, khi người đàn bà mãn kinh là đã hoàn thành thiên chức của giới mình, từ 9 vía chỉ còn 7 vía như đàn ông, nên được coi như đàn ông.

Từ chiều 28 Tết, nhà nào có cụ Thượng đều đã bày xong bàn thờ lớn, chiếm hầu hết gian trung tâm, trên đó có bài vị thờ đến cụ 5 đời. Chủ lễ là con trai cả, hoặc con dâu trưởng hay con gái cả, tùy hoàn cảnh từng gia đình. Các con thứ và các cháu nội, ngoại lo dựng rạp, kê bàn ghế tiếp khách.

Ngay đầu ngõ, cổng chào được dựng lên tết bằng lá dừa, có treo đèn lồng. Trong sân, đèn điện sáng trưng, tiếng nhạc phát qua loa, tiếng các cháu lần lượt hát mừng cụ. Cỗ bày trên bàn hoặc trên chiếu hoa. Cụ Thượng được tắm nước lá thơm, mặc quần áo lụa màu, trông rất quí phái.

Trước đây, trong ngày đại lễ này, các cụ tuổi thất thập (70 tuổi) thì mặc đồng phục màu xanh, cụ bát thập (80 tuổi) đồng phục màu đỏ, cụ cửu thập (90 tuổi) thì đồng phục màu vàng. Bây giờ thì điều qui ước ấy không còn chặt chẽ nữa, nhưng nói chung, các con cháu vẫn gom tiền lại sắm cho cụ bộ trang phục đúng lệ.

Cụ Thượng ngồi trên ghế tựa có đệm bông, nếu tiết trời lạnh thì khoác thêm chiếc áo choàng rộng, khi cần, chiếc áo choàng ấy có thể làm chăn đắp, chân xỏ trong tất, giày, đặt trên đệm bông. Suốt đêm mùng 6, rạng mùng 7, cụ ngồi trong trạng thái ung dung trang trọng đó để con cháu dâu rể xa gần về chúc thọ, tặng quà mừng. Khi mệt, cụ có thể ngủ thiếp đi trên ghế, trong chiếc áo choàng, con cháu vẫn đứng bên cạnh trực.

Đêm mùng 6, tại ngôi đình chung của các xã, gọi là đình Tổng (Tổng Hà Nam - đơn vị hành chính cũ), thờ 17 vị Tiên Công, là một đêm hội kéo dài tới sáng. Mỗi năm, Tổng cử một cụ Trưởng Lễ, tuổi từ 60 đến 70, có tín nhiệm về tài đức, có con cháu đỗ đạt hoặc trưởng thành để điều hành buổi lễ vào sáng ngày mùng 7 Tết.

Cụ Trưởng Lễ thường mời 2 vị khách, một người có tiếng ở nơi xa đến dự lễ, một người là cư dân trong vùng, có chức tước hoặc danh vọng cao, được mọi người nể trọng, cùng với mình thắp một tuần hương danh dự trước bàn thờ các nhà khai sáng vùng đảo này trong tiếng trống đình trang nghiêm vang dội.

Sau đó, cụ Trưởng Lễ tuyên đọc công trạng của các thế hệ cha ông đã đổ mồ hôi và xương máu tạo lập và bảo vệ vùng đất này. Rồi lần lượt từng cụ Thượng một, do cụ Trưởng Lễ xướng danh, trân trọng bước vào bái đình làm lễ các vị Tiên Công. Con cháu túc trực và lễ theo cụ ở phía sau. Rồi sau đó, mọi người dự lễ mới lần lượt thắp hương, nghe đọc thơ, xem ca hát hay diễn kịch.

Trong lúc các gia đình đang rước cụ Thượng thì ở Đình Tứ xã (Đình Tổng) lễ tế các Tiên Công được bắt đầu.

Tưng bừng nhất là sáng mùng 7 Tết, từ 7 đến 9 giờ, các con cháu rước cụ Thượng ra đình. Cụ ngồi kiệu hay nằm võng, có lọng che, lọng không nhất thiết phải một màu nào, xanh đỏ hay vàng đều được. Dọc đường, nếu có nhà của con cháu, thì nhà nào cũng phải dựng một trạm đón tiếp ở trước cửa, trong đó có bàn thờ nhỏ, giường gấp, hoặc ghế tựa bọc vải điều để cụ Thượng ghé thăm, thắp hương và ngồi nghỉ, có trà thuốc, trầu cau mời khách đi cùng cụ.

Quang cảnh náo nhiệt nhất là lúc kiệu hay võng cụ Thượng ra đường chính. Đi đầu là 8 chàng trai, tượng trưng cho bát tiết, mặt son phấn như lên sân khấu, đầu quấn khăn rìu, áo quần nẹp đỏ, lưng thắt đai điều, vừa khuệnh khoạng bước những bước cách điệu rất nghệ thuật, vừa múa gậy dán giấy từng khúc xanh đỏ để dẹp đường, đuổi ma tà. Sau đó là đội kèn rước (có nhà dùng nhạc băng phát qua loa), rồi đến 4 cô gái đẹp của gia tộc, tượng trưng cho tứ thời, mang lễ vật, đều là sản phẩm nông nghiệp, thể hiện sự phồn thực của đời sống thôn dã.

Rồi đến một biểu tượng chúc thọ. Biểu tượng này mỗi nhà làm một khác, tùy ý thích và cũng tùy trình độ thẩm mĩ của chủ lễ, nhưng thường thấy là một bức tranh vẽ một cụ già phúc hậu, mặt hồng hào rạng rỡ, tóc trắng như cước, vây quanh là một đàn cháu nhỏ, trai có, gái có, đứa nào cũng mũm mĩm, tươi cười...

Sau đến kiệu hay võng của cụ Thượng, do các cháu là trai tân hay gái tân khiêng. Hàng danh dự là các cụ thất tuần, mặc quần áo xanh đi tháp tùng. Tiếp đến là một hoa hậu của chi họ hay dòng họ đi sau cụ Thượng, trang phục đẹp tự chọn, đầu đội một mâm xôi trắng, trên có cái đầu lợn luộc, cỡ lợn từ 80 cân trở lên, mõm lợn ngậm một bông hoa hồng.

Rồi đến hai hàng con cháu, người cầm hoa, người mang hộp trầu cau, thuốc lá bánh kẹo... gặp ai cũng vui vẻ mời chào. Có năm, đình Tổng đón 10 đến 15 cụ Thượng, đường các làng xã chật ních người, trẻ con trèo cả lên các mái nhà ở hai bên đường để xem rước. Ai có việc gì hoặc từ đâu đến, cần vào trong xóm có cụ Thượng phải tìm đường vòng khác mà đi.

Vài năm lại đây, cảnh rước cụ Thượng ra đình Tổng và thể thức tiến hành nghi lễ có đôi chỗ khác so với trước, so với cả những ghi chép điền dã của tôi từ những năm xa xưa, khi tôi đã có nhiều tháng ăn ở tại vùng đất cổ này, nhưng đại để, nét chung nhất như trên thì không thay đổi mấy. Âu cũng là điều bình thường trong sự phát triển của một phong tục lễ hội đẹp.

Sau khi cụ Thượng làm lễ xong, trưởng nam hay trưởng nữ của cụ san lại một phần lễ vật cúng tế cho nhà đình, rồi rước cụ Thượng về và cho phép con cháu tham gia vào các hoạt động vui xuân của dân làng như kéo co, chơi đu, đánh vật, chọi gà, đấu bóng chuyền...

Tôi đã nhiều lần về dự lễ và may mắn có một lần được mời cùng cụ Trưởng Lễ thắp tuần hương đầu tiên vào khoảng 6 giờ tối ngày mùng 6, mở đầu cho đêm hội làng. Tôi thấy lòng mình dâng lên niềm tự hào về nền văn hóa dân tộc, về sức mạnh của giống nòi và hiểu vì sao đại thắng mùa xuân năm 1288 lại diễn ra ở đây, để từ đó, sông Bạch Đằng trở thành con sông thiêng, chảy trong tâm hồn mọi người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài.

Trần Nhuận Minh

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/le-ruoc-nguoi-ngay-mung-7-tet-477624/