Lễ rằm tháng Giêng: Thành tâm vái vọng, cầu an

Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, các cơ sở thờ tự phải đóng cửa, người dân buộc phải chuyển đổi việc thực hành nghi lễ truyền thống, tham gia các khóa lễ trực tuyến. Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, bởi trách nhiệm cộng đồng và tư tưởng tâm thành vái vọng, cầu an.

Người dân vái vọng, cầu an trước cửa đền Quán Thánh. Ảnh: Nguyễn Nam

Người dân vái vọng, cầu an trước cửa đền Quán Thánh. Ảnh: Nguyễn Nam

Lễ Phật tại gia

Với quan niệm “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, vào những ngày đầu năm, người dân thường thu xếp thời gian, công việc để đi chùa lễ Phật, cầu an, dâng sao giải hạn. Năm Tân Sửu 2021, rằm tháng Giêng tương ứng là ngày 26/2 dương lịch (thứ Sáu). Thông thường, thời điểm này là cao điểm cho các hoạt động cầu an, dâng sao giải hạn tại các chùa. Nhưng do dịch Covid-19, các chùa ở Hà Nội đều đóng cửa, việc thực hành các nghi lễ tín ngưỡng có những thay đổi nhất định.
Trước đây, chùa Phúc Khánh vào mỗi dịp đầu năm thường có nhiều người đến để đăng ký tham gia các khóa lễ. Vào mỗi buổi tối các khóa lễ diễn ra, phật tử, người dân khắp nơi đổ về, thậm chí ngồi tràn ra lòng đường. Lực lượng chức năng phải căng mình vừa phân luồng giao thông, vừa nhắc nhở người dân đảm bảo an ninh, trật tự. Nhưng năm nay, do dịch Covid-19, Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở thờ tự đóng cửa từ 16/2, vì vậy, chùa Phúc Khánh không còn cảnh người dân chen nhau tham gia các khóa lễ. Ở cổng chùa chỉ có lác đác người dân đến vái vọng, nhận lộc.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phúc Khánh: “Gần hai tuần nay, chùa Phúc Khánh cửa đóng then cài, không phật tử nào được vào chùa lễ Phật. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con phật tử ý thức phòng chống dịch. Để đảm bảo yêu cầu nhà chùa cử hành khóa lễ gồm 10 vị tăng ni cùng 5 phật tử. Nghi thức cầu an đầu năm mới được các sư thầy, phật tử chuẩn bị chu đáo từ hàng tháng nay. Mỗi phật tử đều được dâng một lá sớ tại ngôi Tam Bảo rất trang nghiêm thành kính nên dù không dự lễ được bà con vẫn có thể thanh tịnh hướng về ngôi Tam Bảo, như thế khóa lễ vẫn thành tựu viên mãn. Chúng ta cứ hành việc thiện, lễ Phật tại nhà bởi Phật tại tâm”.
Tinh thần tự giác lên cao
Trước tình hình dịch Covid-19, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký công văn số 037 ngày 20/2, nhắc lại yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid -19 trong tháng lễ hội Xuân Tân Sửu. Tại chùa Quán Sứ - Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc lễ rằm tháng Giêng, cầu an, giải hạn đã được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Nga (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Đầu năm, Hà Nội vẫn mở cửa các di tích, danh thắng, cơ sở thờ tự cho người dân đi lễ. Nhưng do diễn biến mới, TP đã đóng cửa di tích, tôi cho rằng việc làm này là đúng đắn để hạn chế người dân tập trung đông người. Việc các nhà chùa tổ chức khóa lễ online vẫn đảm bảo để người dân có thể thực hành tín ngưỡng tại nhà đã được triển khai từ năm ngoài. Năm nay, phần lớn người dân đã tự giác không đến chùa. Phật tại tâm là giáo lý nhà chùa đã nhắc tới, vì vậy, tôi sẽ thành tâm hướng Phật ở nhà trong thời điểm này”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), câu nói “Thờ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiết lễ này. Việc đi lễ chùa tiến hành đầu năm, tập trung vào ngày rằm tháng Giêng là mang yếu tố Phật giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 khó kiểm soát như hiện nay, chúng ta tốt nhất là làm tại nhà. Giữ cho mình cũng là giữ cho mọi người. Phật ngữ dạy: “Cứu được một người phúc đẳng hà sa, dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người... là như vậy” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia văn hóa, người dân có nhiều cách để thể hiện lòng thành kính, ai sắp xếp được thời gian, có điều kiện kinh tế có thể bày biện đầy đủ. Nếu ai bận rộn, điều kiện kinh tế eo hẹp thì làm đơn giản, dù chỉ là chén nước nén hương, quan trọng lấy cái tâm thành làm chính.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/le-ram-thang-gieng-thanh-tam-vai-vong-cau-an-410990.html