Lệ Quyên: 'Chuyện lỗ vốn nên không ra DVD nữa, tôi nghĩ Quang Lê chỉ nói vậy thôi…'

Chia sẻ của nữ ca sĩ nhạc trữ tình Lệ Quyên trước tin Quang Lê chính thức ngừng phát hành DVD!

Mới đây, nữ danh ca dòng nhạc trữ tình Lệ Quyên đã có cuộc trò chuyện thú vị, xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm nhất có thể kể đến sự việc Quang Lê tuyên bố ngừng phát hành DVD cũng như những câu chuyện đằng sau chiếc đĩa của người nghệ sĩ Việt.

Anh Quang Lê có nói anh sẽ không bao giờ ra đĩa DVD nữa vì anh nói rằng hiện tại các ca sĩ khi phát hành DVD đều lỗ mà không thu lời. Trong khi chị, anh Đàm Vĩnh Hưng và chị Mỹ Tâm đều là những tên tuổi có thể bán được đĩa tương đối nhiều. Chị nghĩ câu nói của anh Quang Lê có nói đúng không?

Tôi nghĩ như vậy. Đã từ lâu rồi, ít nhất cũng 5 năm đổ lại đây ra sản phẩm phải xác định sẵn sản phẩm đó, dù là CD, DVD, MV, single, chỉ để phục vụ để mình có thêm bài hát mới chứ không thể nào có lời rồi. Có lẽ chỉ ở Việt Nam chúng ta mới có tình trạng trên mà thôi, cho dù công sức mình đổ ra cho sản phẩm đó có là bao nhiêu đi chăng nữa. Tôi cảm thấy tôi là một người rất may mắn khi trong thời điểm rất khó khăn như thế này vẫn có thể bán được đĩa tốt. Đó là một điều tôi cho là may mắn và không tưởng. Bao giờ một CD mới của tôi ra, tôi đều cho phát hành số lượng đầu tiên là 10,000 bản. Nếu 10,000 bản đó được bán hết là đủ để hoàn vốn cho CD đấy rồi.

Quang Lê tại buổi họp báo mới đây, tuyên bố ngưng phát hành DVD.

Tôi cũng không hiểu vì sao Quang Lê lại nói như vậy. Tôi biết rằng anh cũng đã rất cố gắng suốt 6 năm anh về Việt Nam. Quang Lê quay đến 5-6 cuốn Hát trên quê hương, có một số tôi tham dự, điều đó càng chứng tỏ sự cố gắng của Quang Lê. Nhưng có lẽ Lê đã cảm thấy mệt mỏi rồi, vì mất hết cả công lẫn của như vậy. Mà tôi cũng hi vọng, đó cũng chỉ là một câu nói xuất phát trong một giây phút nào đó của Lê thôi, và rồi Lê sẽ lại có niềm tin để làm tiếp, như cách của tôi đã làm.

Vì rõ ràng với một mật độ hát liên tục như vậy mà một năm không có thêm bài nào mới, tôi cũng không biết phải hát gì nữa. Khi tôi hát đi hát lại một bài, cho dù khán giả có thích đến như thế nào, nhưng mà bản thân lặp đi lặp lại mãi thì có là một “thợ hát” thì cũng không đủ bản lĩnh, và rồi sẽ chán thôi. Ngọn lửa mà nghệ sĩ truyền xuống dưới khán giả nó nhanh lắm. Có những hôm trong lòng sốt ruột chờ bài mới, tôi phải cố để hát như một “thợ hát” thì khán giả phía dưới biết ngay - họ lạnh tanh! Họ không có cảm xúc lúc đó, vì lúc đó rõ ràng mình làm gì có cảm xúc đâu.

Chị nói về niềm tin, nhưng có lẽ một phần đến từ kinh tế quá vững chắc? Có lẽ vì thế nên “niềm tin” dễ nói ra hơn chăng?

Không phải như vậy đâu. Ví dụ khi tôi làm CD, đối với những nhạc sĩ Việt Nam, khoản tiền mà họ viết bài cũng như khoản tiền họ trả để cho ban nhạc đến trình diễn bản nhạc đó, tôi không tiện nói ra, nhưng đó là một con số tương đối thấp. Tôi nghĩ rằng, với mức độ một người làm nghề bình thường, không đến mức không có nổi 200 triệu đồng để phát hành một đĩa CD. Có thể hôm nay chưa có đủ nhưng chắc chắn sẽ “xoay” được, bởi vì rõ ràng nếu bạn muốn có tên tuổi thì buộc phải có sản phẩm. Vì thế, tiền bạc không phải vấn đề lớn lắm.

Cũng như ngày xưa, tôi vừa vào Sài Gòn. Lúc đó tôi không có nhiều phương tiện cũng không có nhiều điều kiện như lúc này, chẳng hạn lúc đó mình vốn đã quen với các nhạc sĩ và ban nhạc ở nơi khác, thế nhưng giờ chuyển đến Sài Gòn, chủ yếu họ sẽ ngại là chính chứ không phải vì họ không có tiềm lực kinh tế. Bởi vì để làm ra một CD có rất nhiều công đoạn.

Bản thân tôi sống bằng nghề mà, nên tiền bạc cũng phải cân đo kĩ càng. Trước khi tôi hát bolero, cao nhất tôi được trả tầm 10 triệu thôi. Tôi không bao giờ hỏi nhạc sĩ “Bao nhiêu tiền một bài hát”, tôi không bao giờ hỏi không phải vì tôi thừa tiền, mà nó thuộc về quan điểm của tôi rồi. Tôi hát hay, bản thân giọng hát đã có sẵn ở đấy rồi, nhưng mà mình phải cần về phần hòa âm, một phần rất quan trọng, lại thuộc về quyết định của nhạc sĩ. Vì thế, tôi sẽ không nói về giá tiền để nhạc sĩ yên tâm và có cảm xúc để làm nhạc. Từ khi tôi còn nghèo tôi đã làm như thế rồi.

Tôi chỉ có một điều để gửi gắm đến các nhạc sĩ lúc đó thôi: “Bỏ giúp em thời gian ra để có một ca khúc thật tốt, nhạc cụ thật, em không thích nhạc cụ điện tử, làm giúp em bài hát hay nhất có thể để rồi em có thể tung bay trên bài hát đó”. Xong hết rồi, tôi mới hỏi đến giá cả. Nói chung, tôi nghĩ không phải do vấn đề tiền bạc, mà thuộc về quan điểm và ý thức.

Việc phát hành album và CD hiện tại không quá căng như lời chị nói, vậy chị có những lời nào chia sẻ để động viên các đồng nghiệp trẻ trước phát biểu của anh Quang Lê khiến không ít người hoang mang?

Tôi hi vọng rằng tiếng nói của tôi sẽ đủ nặng. Và tôi cũng muốn nói rằng tôi tiếp đủ lửa cho các bạn trẻ khác cũng đang làm nghề. Ngay từ ngày mai ai cũng có thể thành công, có thể hôm nay bạn vẫn là người bình thường, nhưng nếu bạn say đắm trong công việc của bạn, thể hiện rõ rằng bạn đã sống chết vì nó, thì có thể bạn sẽ thành công ngay… rạng sáng mai. Không cần đến thời gian dài hơn, phải giữ được hi vọng.

Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng đừng quan tâm đến con đường của người khác, đừng đi theo số đông. Giống như con đường của tôi, tôi không đi theo số đông, tôi đi một con đùong rất riêng. Có những lúc tôi không biết được rằng làm điều này có hiệu quả đến đâu, nhưng tôi vẫn làm.

Dù cuộc sống sẽ càng lúc càng khó khăn, từ nghệ thuật, báo chí đến kinh doanh, nhưng trong khó khăn mình vẫn có thể tìm thấy thành công, xoay khó khăn thành thuận lợi. Sau lớp của bọn tôi, tôi vẫn chưa thấy ai đủ sức bền và sự “lì đòn”, vì càng lúc tình hình càng khó. Thời tôi bắt đầu tầm 8 năm về trước, khi tôi bắt đàu hát bolero, việc dựng nên một ngôi sao đã cực kì khó, nhưng giờ tôi ở đây. Người muốn chinh phục thì càng phải “lì”, thế hệ bọn tôi ngày xưa “lì” lắm! Sau thế hệ bọn tôi, quả thực vẫn chưa thấy ai đủ tố chất để thành một ngôi sao đình đám.

Lang Hoa

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/am-nhac/le-quyen-chuyen-lo-von-nen-khong-ra-dvd-nua-toi-nghi-quang-le-chi-noi-vay-thoi-4530511.html