Lễ Phật sao cho an nhiên tĩnh tại

Chiều cuối tuần, cô đến một ngôi chùa khá nổi tiếng để lễ Phật cầu an. Cô có một thói quen khác người, đó là thường đi lễ chùa vào ngày thường, tránh ngày rằm, mùng một. Với một số chùa lớn, cô cũng tránh đi lễ vào chính hội mà chọn mùa thu để được tận hưởng sự an nhiên, tĩnh tại...

Đang niệm Phật, chợt có tiếng lao xao nơi ban tam bảo. Ngước mắt nhìn lên, cô thấy một số vãi đang yêu cầu một thanh niên ăn mặc khá lịch sự ra bên ngoài. . Một chị đang ngồi lễ cạnh cô nói vọng lên: “Ơ, tờ tiền ở đĩa đấy là của tôi mới dâng đấy, sao anh lại lấy?”.

Thì ra, thừa cơ khi mọi người không để ý, anh ta đã lén nhặt những đồng tiền “lộc” của mọi người bày trên mâm đồ lễ. “Tiền “lộc” thường giá trị không nhiều nhưng nếu đi “gom” một vòng, chắc cũng được kha khá.

Ra về, lòng cô không được hoan hỷ cho lắm vì chuyện đó. Cô nghĩ, chính việc dâng tiền lộc không đúng cách của những người đi lễ đã khiến kẻ gian nảy lòng tham. Nhiều người có thói quen xòe những tờ tiền ra, bày trên mâm lễ như một hình thức khoa trương cho mọi người thấy số tiền mình cung tiến vào chùa. Trong khi đó, lại có những người nhẹ nhàng thả tiền lộc vào hòm công đức.

Cô chợt nhớ cung cách đi chùa được mẹ dạy từ khi còn nhỏ. Khi lễ chùa, các bà, các mẹ thường sắm lễ chay như: Hương thơm, hoa tươi, quả đẹp, oản, xôi, chè... để dâng lên ban tam bảo tại chùa. Các loài hoa thanh tao thường được chọn dâng lễ Phật như: Hoa sen, hoa huệ, hoa hồng, hoa cúc, hoa ngâu, hoa mẫu đơn... và tránh dùng các loại hoa tạp khác.

Thuyết nhà Phật không có việc “hóa vàng”. Do đó, không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ dâng cúng Phật tại chùa. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức.

Ảnh tư liệu.

Ảnh tư liệu.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần theo mẹ lên chùa, bao giờ bà cũng dẫn cô đi vào bằng cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Mẹ dặn cô phải lưu ý, tuyệt đối không bao giờ đi vào bằng cửa Trung quan (chính giữa). Đây là cửa chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa. Khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chếch sang một bên hoặc quỳ lạy một cách thành kính.

Nhiều người đi lễ chùa vái lia lịa như “bổ củi”, khấn oang oang không cần biết đến mọi người xung quanh. Người tu tập đúng cách thường chắp hai bàn tay để trước ngực như búp sen, vái nhẹ nhàng từ 3 – 5 vái. Cầu khấn nên nói nhỏ, lâm râm để giữ không gian tâm linh thanh tịnh. Sau khi lễ ở ban Đức Ông, ta sang ban Tam bảo lễ Chư phật, chư vị Bồ tát.

Nếu chùa có ban thờ Thánh, Mẫu thì các bà, các mẹ thường bày lễ mặn tại đây để lễ, rồi sang nhà thờ Tổ của chùa. Sau khi lễ tạ, nếu đủ duyên, người lễ chùa nên tới gặp, vấn an các vị sư, tăng trụ trì thì rất tốt.

Đạo Phật là đạo nhân sinh, vậy nên nếu con người không có thực lực bản thân thì tha lực, sự trợ độ của tâm linh cũng không thể giúp được. Thực ra, đi lễ chùa nên thành tâm sám hối với những sai lầm mình đã gây ra, cầu cho quốc thái dân an, tất cả mọi nhà đều an lạc, ắt trong đó có gia đình mình. Dẫu có cầu gì, ta nên hiểu mọi việc đều theo luật nhân quả, gieo nhân thiện lành sẽ gặt được quả phúc tốt đẹp.

Đi chùa cốt giữ được sự an lạc trong tâm. Tâm an vạn sự lành.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/le-phat-sao-cho-an-nhien-tinh-tai-142428.html