Lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2022

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được tổ chức thường niên tại Việt Nam thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố và mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày 17/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2022 với chủ đề "Cùng hành động để thay đổi thế giới".

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Võ Tuấn Nhân đánh giá, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, là thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ XXI.

Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới, khối lượng chất thải rắn toàn cầu đang gia tăng nhanh, từ hơn 3,5 triệu tấn/ngày trong năm 2010, dự báo lên tới hơn 6 triệu tấn/ngày vào năm 2025. Mỗi một hành động dù nhỏ nhưng có ý nghĩa sẽ mang lại đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai của ngôi nhà chung - Trái đất, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của nhân loại.

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi lễ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi lễ.

"Thông qua chiến dịch sẽ triển khai có hiệu quả và tuyên truyền hướng dẫn để đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tế cuộc sống. Trong đó, tập trung vào việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải phù hợp, ít phát thải ra môi trường, ưu tiên công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững...", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được tổ chức thường niên tại Việt Nam thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố và mọi tầng lớp nhân dân.

Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực như thực hiện đồng loạt các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các địa bàn dân cư; giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; kiểm soát chặt chẽ các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Đây cũng là dịp triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Năm 2022, chiến dịch tiếp tục với chủ đề: "Cùng hành động để thay đổi thế giới" nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời, kêu gọi các cá nhân, tập thể và cộng đồng cùng chung tay có những hành động thiết thực để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, thúc đẩy triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, hướng tới tiêu dùng bền vững, cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện tốt hơn cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn là dịp lan tỏa cộng đồng các hoạt động vì môi trường. Thời gian qua, công tác phối hợp, tổ chức triển khai các nội dung, chiến dịch, hưởng ứng, các phong trào từ các tổ chức từ Trung ương tới địa phương với sự tham gia đông đảo của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Điển hình như trồng cây hướng tới mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; phong trào chống rác thải nhựa; phong trào ngày chủ nhật xanh đồng loạt toàn quốc.

Thiện Tâm

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/le-phat-dong-quoc-gia-huong-ung-chien-dich-lam-cho-the-gioi-sach-hon-2022-71270.html