Lẽ nào bất lực trước sự đầu độc cộng đồng!?

Mới đây, TS Phạm Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Trung ương, đã công bố một thông tin làm xã hội 'sốc toàn tập':

Phòng khám tiêu hóa nhi của BV Nhi Trung ương khi nội soi tiêu hóa nhi vào buổi chiều phát hiện những sợi bún, phở trong đường tiêu hóa của các cháu vẫn còn nguyên dù các cháu đã ăn từ sáng!

Thực phẩm bẩn nhuốm đầy hóa chất độc hại mà báo chí lên tiếng liên tục gần đây đã trở thành nỗi lo, nỗi ám ảnh khôn nguôi của toàn xã hội. Còn nhớ, trong một hội thảo gần đây với tựa đề “Thực phẩm bẩn - tác nhân gây ung thư”, các nhà khoa học cho biết thực phẩm bẩn chính là tác nhân gây ra hơn 200 căn bệnh hiện nay. Đặc biệt, theo các nhà khoa học này, các ca ung thư ở Việt Nam hiện nay có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân đầu tiên là thực phẩm bẩn.

Một mối nguy hại lớn cho cộng đồng như vậy chẳng lẽ xã hội chịu bó tay?

Thôi thì thiên hình vạn trạng thực phẩm bẩn. Chân gà ướp gần 40 năm nay ở Trung Quốc bỗng một ngày đẹp trời lại vinh dự nhảy tót lên bàn nhậu ở Việt Nam để trở thành món mồi “bắt rượu”. Xe tải chở lòng thối được nhuốm đầy hóa chất độc hại (bị các cơ quan quản lý thị trường bắt) sẽ chạy đi đâu nếu không lên… bàn nhậu. Heo thối, heo thải lại biến thành thịt nai, thành khô bò rừng. Thịt chó chết vì bệnh trở thành thịt hươu, nai. Rau muống, rau cải được phun nhớt thải; chuối ngâm dioxin; cà phê tinh chất bằng… hóa chất; giá đỗ, măng ngâm thuốc… Và nay thì tới bún, ngày mai không biết sẽ tới cái gì!

Theo quy định, đặc biệt là Nghị định 115/2018 (quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm), mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng, cá biệt có thể lên 500 triệu đồng. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn bảy lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá bảy lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với những hành vi đầu độc cộng đồng hiện nay, mức xử phạt nêu trên chỉ là “gãi ghẻ”, nhất là với những cơ sở lớn.

Theo BLHS 2015, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự với mức hình phạt lên tới 20 năm tù đối với đối tượng vi phạm về lĩnh vực ATVSTP nếu họ biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người khác mà vẫn chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm. Thế nhưng từ khi BLHS 2015 có hiệu lực đến nay cũng chưa thấy ai đi tù về các vi phạm này.

Vả chăng, quy định như vậy nhưng cũng khó quy trách nhiệm bởi nếu một người vừa ăn bún, vừa uống rượu, vừa ăn chân gà… nếu có lăn đùng ra chết cũng không biết chết vì món nào, bởi biết đâu cả ba đều độc hại. Có trường hợp ăn uống sau 1-2 ngày mới có biểu hiện bị ngộ độc cũng không thể biết do nguyên nhân nào.

Không lẽ cả xã hội phải bó tay với các hành vi độc ác này hay sao? Không lẽ mỗi năm hàng trăm ngàn người ung thư không làm cho các nhà chức trách phải giật mình mà có biện pháp mạnh tay hơn được hay sao? Hãy hành động vì giống nòi trước khi mọi thứ quá muộn!

VŨ TRUNG KIÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/le-nao-bat-luc-truoc-su-dau-doc-cong-dong-792516.html