Lê Minh Quốc ra mắt 'Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt'

Bạn bè, đồng nghiệp khi nhận được bưu phẩm khá nặng của Lê Minh Quốc đều tự hỏi: "lại thơ?". Là bởi, sau khi cưới vợ và có con ở tuổi ngoài 60, Quốc hầu như chỉ viết thơ về con. Ấy vậy mà, khi bóc bưu phẩm, mọi người đều ngạc nhiên vì trên tay là bộ sách xấp xỉ 700 trang "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt". "Quốc viết khi mô hè?", "Công trình biên khảo nghiêm túc thật đấy!"... lại gọi điện qua lại hỏi nhau.

Tác giả và sách "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt".

Tác giả và sách "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt".

"Từ năm 1998, khi thực hiện bộ sách "Kể chuyện doanh nhân Việt Nam" (10 tập), chúng tôi đã có ý thức hệ thống, sắp xếp lại các câu chuyện về công đức, sự nghiệp của các danh nhân theo từng chủ đề. Bộ sách này chính là nền tảng căn bản được tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để hoàn thành Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" - lời nói đầu phần nào toát lên mục tiêu, tâm huyết của tác giả. Sách được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM xuất bản quý II-2020, 687 trang, gồm 5 chương, sắp xếp theo thứ tự thời gian: Vua Hùng và Tứ bất tử, Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Những danh tài sáng tạo tiên phong, Vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại và Nước non nặng một lời thề.

Có thể thấy, so với các tác phẩm đã xuất bản dạng biên khảo như "Người Quảng Nam", "Kể chuyện danh nhân Việt Nam", "Chuyện tình các danh nhân Việt Nam"... "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" được Lê Minh Quốc dồn nhiều công sức và tâm huyết hơn cả. Bộ sách không đơn giản lượt kê "mục lục" về truyền thuyết, công đức của các bậc tiền nhân khai sinh, gầy dựng, phát triển đất nước, dân tộc Việt như Vua Hùng, Thành Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử; các ông tổ ngành nghề mộc, ngân khố, dệt lụa, thêu thùa, dệt chiếu, đúc đồng, in ấn, ca hát; nhưng người tiên phong trong các ngành nghề mới du nhập vào Việt Nam như kéo xe, làm đèn, tráng gương, làm diêm, làm mũ, hồ là quần áo... mà thật sự là những công trình sưu tầm, nghiên cứu, hiệu chỉnh riêng biệt về họ. Sách cũng không bỏ qua những danh tài sáng tạo tiên phong thời cận, hiện đại như Hồ Nguyên Trừng, Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa, Thoại Ngọc Hầu, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Bạch Thái Bưởi, Trương Vĩnh Ký, Cao Văn Lầu, Phan Khôi... Mỗi nhân vật mỗi dáng vẻ, cốt cách, công đức, nhưng toát lên điểm chung về trí tuệ, vẻ tinh anh, nét văn hóa độc đáo của người Việt trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nói như tác giả chiêm nghiệm: "Khi khảo sát về ngành nghề, các vị Tổ nghề hoặc các nhân vật tiên phong trong lĩnh vực đó thì cũng là lúc ta thấy được sự phản chiếu, các giá trị văn hóa, tinh thần văn hóa của một dân tộc...".

"Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" mới vừa xuất bản. Một công trình khảo cứu đề cập đến nhiều tên tuổi lớn, thậm chí là tâm linh của dân tộc, và cả nguồn gốc những ngành nghề đã và đang còn tranh cãi... sẽ khó tránh khỏi tranh luận. Lê Minh Quốc nhận thức rõ hơn ai hết về điều này và cho rằng mục tiêu của mình vẫn là "đi tìm câu trả lời". "Khi khảo cứu văn hóa Việt, hẳn chúng ta sung sướng nhận ra người Việt mình cực kỳ cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực là một khi tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì mình đã có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế. Việc làm của các tài danh như Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa... chế tạo súng hiện đại; bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch... bào chế thuốc Tây là một trong những ví dụ hùng hồn. Rồi nhìn sang cải lương, kịch nói, xiếc, mỹ thuật..., ta thấy những gì?

Tôi đã dành cả hàng chục năm hoặc nhiều hơn nữa nhưng không bao giờ dám nghĩ đã đạt đến sự hoàn chỉnh, đầy đủ. Tuy nhiên, có một điều thích thú khi nghĩ rằng công việc của mình dẫu còn thiếu sót thì người sau sẽ hoàn thiện bổ sung thêm".

Những ai từng đọc Lê Minh Quốc, sẽ hiểu đây là lời ngỏ nghiêm túc. Gọi cho Lê Minh Quốc, tác giả cũng rất "nhẹ nhàng": "Mình cứ tâm huyết mà viết, có tranh luận càng tốt có sao đâu".

Thế Sinh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_225469_le-minh-quoc-ra-mat-dau-an-khoi-dong-van-hoa-viet-.aspx