Lê Lợi có phải nhà thơ không?

Thực sự, lòng tôi cứ trăn trở mãi về những câu chuyện lịch sử đã cách nay khoảng 600 năm, xảy ra ở thời Hậu Lê. Sáu trăm năm, nổi chìm biết bao câu chuyện ở đời. Có câu chuyện đến nay đã được giải mã công khai, thiên hạ phần nhiều đã hiểu rõ, đã cảm thấu. Nhưng cũng có khá nhiều câu chuyện xem ra còn mơ hồ lắm. Nhưng lịch sử cần phải là sự thật, cho dù là một sự thật đau lòng chăng nữa. Vì cái lẽ đơn giản ấy, cũng cần phải có công sức của nhiều người, nhiều thế hệ, để nghiên cứu, giải mã những điều chưa rõ, ngõ hầu đem đến cho đời sau nhận thức đúng đắn về ý nghĩa xác thực của các sự kiện lịch sử. Bao biện, che giấu sự thật lịch sử theo kiểu 'cố đấm ăn xuôi', xét cho cùng, thì đấy lại là hành vi phản văn minh, phản nhân văn, phản văn hóa, không ích gì cho sự phát triển của dân tộc.

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục..

Trường hợp mấy bài thơ được cho là của Lê Lợi sáng tác là một ví dụ. Lê Lợi có phải là một ông vua thi sĩ hay không? Hai bài thơ cho là của Lê Lợi được khắc vào đá trên Lai Châu, trên Thác Bờ Hòa Bình là của ai sáng tác? Mà nếu không phải của Lê Lợi sáng tác, thì có nên xếp Lê Lợi vào tiến trình lịch sử văn học như một tác giả, một tác gia hay không?Chúng tôi, dù kiến văn thô lậu, nhưng cũng xin được trình bày đôi điều cảm nghĩ, mong được các nhà nghiên cứu và bạn đọc xem xét.

I.SỰ MÂU THUẪN CỦA CÁC TƯ LIỆU

1.Sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (ĐVSKTT) được xem là bộ chính sử nước ta, do Sử thần Ngô Sĩ Liên (1400-1499) chủ biên. Sách này được viết lại ở thời vua Lê Thánh Tông (1442-1493) trị vì, dựa trên các cuốn sử của Trần Thế Pháp, Lê Văn Hưu viết ở đời Trần và tác phẩm ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN của Phan Phu Tiên (1370-1462). Phan Phu Tiên thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) ở đời vua Trần Thuận Tông. “Thái học sinh”, tức sinh viên từng theo học ở nhà Thái học. Đến khi Lê Lợi tổ chức khoa thi Minh kinh bác học ở Bồ Đề thì Phan Phu Tiên lại ra thi và đỗ thứ 3 ở khoa này. Ông đồng thời là tác giả cuốn VIỆT ÂM THI TẬP, được xem như tuyển tập thơ ca đầu tiên ở nước ta. Ngô Sĩ Liên còn nói rõ là ông còn dựa cả vào những câu chuyện dã sử trong dân gian và một số ghi chép khác của các tác giả khác để bổ sung vào ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ(ĐVSKTT), kèm theo là những lời bàn của cá nhân sử gia.

Ngô Sĩ Liên là người được lấy đỗ thêm (Phụ bảng) ở kỳ thi Tiến sĩ vào mùa xuân năm Nhâm Tuất (1442). Khoa thi này do đích thân vua Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long) ra đề thi. Bấy giờ, nhà vua vừa đủ 20 tuổi. Nguyễn Trãi đứng đầu nhóm chấm thi, gồm Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, Trình (Trần) Thuấn Du. Khoa này lấy Nguyễn Trực đỗ Trạng Nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng Nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám Hoa.

Tác phẩm ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ do Ngô Sĩ Liên chủ biên, được vua Lê Thánh Tông “kiểm duyệt”, rồi mới cho khắc ván in, để lưu hành và lưu giữ trong Quán Các. Bạn đọc cũng nên nhớ rằng Ngô Sĩ Liên được Lê Thánh Tông không giết, là bởi vì trước đó Ngô Sĩ Liên từng ủng hộ Cung Vương Lê Khắc Xương (con thứ 2 của vua Lê Thái Tông) làm vua, thay Lê Nghi Dân đã bị giết. Những người khác ủng hộ Lê Khắc Xương, trước sau đều bị Thánh Tông giết, kể cả người anh cùng cha khác mẹ của Thánh Tông là Cung Vương Lê Khắc Xương (1440-1476). Chính vua Lê Thánh Tông là ông vua duy nhất ở thời phong kiến nước ta, bất chấp cổ lệ, đòi được xem chính sử viết về các vị vua. Thường thì các vị vua đương nhiệm không được phép xem. Hành trạng xấu tốt của vị vua đương nhiệm, sử thần phải ghi chép rất cụ thể. Vua đời sau mới có quyền được đọc để lấy làm bài học và rút kinh nghiệm cho việc trị nước của mình. Thế nên, việc đặt miếu hiệu cho các vị vua cũng phải căn cứ vào tài đức của vị vua đó. Ví dụ, vua giỏi việc dùng Văn thì là Văn Vương. Giỏi việc dùng võ thì tôn là Vũ Vương. Vua ngu tối xấu xa thì gọi là U Vương, Lệ Vương như ở thời nhà Chu bên Tàu chẳng hạn. Ngô Sĩ Liên đương nhiên sợ vua Thánh Tông như cọp, nên phải đưa những điều đã ghi chép vào Quốc Sử cho Thánh Tông xem. Vua Thánh Tông có yêu cầu sửa đổi, chỉnh lý câu này ý kia, sử thần Ngô Sĩ Liên sao dám không nghe? Thế nên, cái sự mù mờ khi viết về nhân vật này, vụ án kia ở thời Hậu Lê là không thể tránh khỏi sai lệch vậy! Điều này, thực tế đã chứng minh rồi. Và những người oan khuất, sớm hay muộn, cũng đã được đời sau minh giải, chiêu tuyết rồi. Ví như vụ án Lê Lợi giết oan công thần khai quốc Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo chẳng hạn. Sách ĐVSKTT không chép gì về vụ án oan sai của đại công thần khai quốc Phạm Văn Xảo. Tại sao? Phải chăng là vua Lê Thánh Tông không muốn ghi vào chính sử tội lỗi giết hại công thần của cha ông mình?

Vua Lê Thái Tông (1423-1442) khi tổ chức khoa thi vào mùa xuân năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo thứ 3, đích thân nhà vua ra đề thi, trong đó bài văn sách, chủ đề là phê phán tội “phản nghịch” của Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn. Thí sinh Nguyễn Trực đỗ Trạng Nguyên, với bài văn sách kể tội Phạm Văn Xảo như sau: “Bọn Hãn, bọn Xảo ngầm nuôi mưu gian ghen ghét hiền tài cất nhắc bè lũ. Bản thân chúng đã chả ra gì, thì làm sao tiến cử được nhân tài? Xem thế, dẫu Thái Tổ Cao hoàng đế có nguyện vọng cầu hiền, nhưng bị Hãn Xảo che lấp hiền tài nên không tìm được. Người xưa có câu: Ai tiến cử nhân tài sẽ được ban thưởng mức cao nhất. Kẻ nào che lấp tài năng phải bị trị tội nặng. Vì thế, bọn Hãn, Xảo đã không thoát khỏi sự trừng phạt của Thái Tổ Cao hoàng đế. Bọn chúng cũng là lũ tứ hung ở đời Ngu, lại Tam giám đời Chu đó! Nhưng dù có bọn tiểu nhân như chúng, vẫn không thể làm hỏng được công cuộc trị nước bấy giờ”. Muốn đỗ thì phải viết như thế. Và phải viết cho thật hay. Rõ ràng, lúc bấy giờ vụ án oan khốc của Phạm Văn Xảo chưa được minh oan. Nhà Hậu Lê (Lê Sơ) vẫn còn coi Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn là tội thần phản nghịch. Cho nên, cũng không thể trách ông Nguyễn Trực được. Và cũng phải cảm thông cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử tấn, Trình Thuấn Du, những người chấm thi, hiểu rõ sự thật này, nhưng cũng đành phải làm ngơ trước cường quyền mà thôi. Điều đau đớn này, Nguyễn Trãi cũng đã thể hiện trong thơ của mình, đặc biệt là thơ chữ Hán của ông. “Những điều muốn nói, mà không thể nào nói ra được”. Nguyễn Trãi viết như vậy đấy! Bạn muốn tìm hiểu thêm, hãy đọc thơ Nguyễn Trãi. Sau vua Nhân Tông (Bang Cơ) lên ngôi, mới thấu hiểu nỗi oan của Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, trả lại chức tước và tài sản đã tịch thu và danh dự cho Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn. Đến đời vua Lê Thánh Tông, lại truy phong, tặng thêm tước vị cho những vị công thần khai quốc.

Sách ĐẠI VIỆT THÔNG SỬ của Lê Quý Đôn thì viết về Phạm Văn Xảo: “Vua Thái Tổ (Lê Lợi)tuổi già, lắm bệnh, sợ ngày sau chúa nhỏ (khi ấy Nguyên Long mới 8 tuổi) cầm quyền, các đại thần như ông và Trần Nguyên Hãn “sẽ có chí khác”. Vì vậy, bề ngoài Lê Lợi tỏ ra trọng vọng nhưng bên trong vẫn nghi ngờ. Bọn gian thần Trình Hoằng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, tranh nhau dâng mật sớ khuyên vua sớm trừ đi”. Sách KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC viết ở đời nhà Nguyễn cũng chép đại khái như thế.Chỉ cần lướt qua, xâu chuỗi các chi tiết trong các sách, người đọc cũng có thể dễ dàng nhận ra chân tướng của sự thật đen tối về “công cuộc giết hại các công thần khai quốc ở thời Hậu Lê”, đặc biệt là ở giai đoạn 6 năm Lê Lợi cầm quyền. Thái Tổ băng hà ở tuổi 49. Cũng theo Lê Quý Đôn, Lê Lợi trước khi chết, ngài hối hận về việc giết các ông Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn, đã trách phạt, loại bỏ bọn gian thần nêu trên, không giết, nhưng cũng không cho chúng làm quan nữa. Ngài có di ngôn dặn phải mời Nguyễn Trãi ra giúp vua trẻ Lê Nguyên Long dựng xây đất nước.

2.

Sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ không thấy có câu nào chép về việc vua Lê Lợi làm thơ khi ngài đem quân đi chinh phạt thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở Lai Châu và Hòa Bình cả. Giả sử nếu có, thì tất nhiên hai bài thơ cực kỳ quan trọng là THÂN CHINH PHỤC LỄ CHÂU ĐÈO CÁT HÃN (Đi đánh Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ) và bài CHINH ĐIÊU CÁT HÃN, QUÁ LONG THỦY ĐÊ (Đánh dẹp Đèo Cát Hãn trở về, ghé qua đê Long Thủy), sẽ được sử thần trịnh trọng nghiêm cẩn chép vào chính sử. Thế nên, đó là một điều rất khác thường, để thấy rằng Lê Lợi không phải là tác giả của hai bài thơ trên.

3.

Lê Quý Đôn (1726-1784), trong cuốn ĐẠI VIỆT THÔNG SỬ của ông, viết rằng: “Ngày 20 tháng giêng năm nay (1432), ta tiến thẳng vào sào huyệt Cát Hãn”. Chưa rõ ông lấy tài liệu ở đâu, hoặc giả nhà bác học này có “điền dã” lên tận Lai Châu và Hòa Bình để “mục sở thị” hay không. Nhưng dòng lạc khoản trên tấm bia đá ở Lai Châu thì ghi là bài thơ THÂN CHINH PHỤC LỄ CHÂU ĐÈO CÁT HÃN được làm vào Mùa đông năm Thuận Thiên thứ 4 (1431). Trong khi đó, sách ĐVSKTT thì chép: “Mùa đông, tháng 11 năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) vua đi đánh Bế Khắc Thiệu (một thủ lĩnh người Tày) ở châu Thái Nguyên. Tháng 2 năm 1431, bắt được Bế Khắc Thiệu và Nông (Đắc) Đức Thái đem về. Tháng 3 về đến kinh sư”. Rồi đến “tháng 11 năm 1432, vua lại thân chinh đi đánh châu Phục Lễ để dẹp cha con Đèo Cát Hãn và Đèo Mạnh Vượng. Tháng 3 năm 1433 thì rút quân về”…Và cũng chỉ 6 tháng sau (9-1433), Lê Lợi băng hà. Sách ĐVSKTT lại ghi rõ như thế này: “Tháng 12, ngày mùng 6, vua sai làm sách LAM SƠN THỰC LỤC, vua tự làm bài tự, ký là LAM SƠN ĐỘNG CHỦ đề”. Sách này do Nguyễn Trãi soạn. Không có sách nào nói rằng vua Lê Lợi xưng là NGỌC HOA ĐỘNG CHỦ cả. Còn sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN của Bùi Huy Bích (1744-1818), một học trò giỏi của thầy Lê Quý Đôn, những người biên soạn ở TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC thì lại chép dòng lạc khoản ở bài thơ CHINH ĐIÊU CÁT HÃN, QUÁ LONG THỦY ĐÊ là “Thuận Thiên nhị niên mạnh hạ” (Đầu mùa hạ năm Thuận Thiên thứ 2) . Mà năm Thuận Thiên thứ 2, chính là năm 1429. Năm này, Lê Lợi giết đại công thần Trần Nguyên Hãn. Năm 1430 (hoặc cùng năm 1429), Lê Lợi giết đại công thần khai quốc Phạm Văn Xảo. Năm giết Phạm Văn Xảo không thấy chép trong ĐVSKTT. Chính sự đất nước ở thời kỳ Lê Lợi trị vì, xảy ra biết bao biến cố đau lòng, nhà vua phải lo trăm công ngàn việc. Đấy là chưa kể việc truy sát những người thân tín của hai vị đại quan trên, kéo dài cả mấy năm sau đó nữa. Việc nhà vua thân chinh đi đánh Đèo Cát Hãn đã rõ ràng rồi. Mùng 9 tháng 9 năm 1433 thì Lê Lợi băng hà. Nguyễn Trãi viết trong BIA VĨNH LĂNG: “Vua sống 6 năm rồi băng”. Tôi lên thăm tấm bia đá khắc bài thơ ở Thác Bờ, khắc bài thơ CHINH ĐIÊU CÁT HÃN QUÁ LONG THỦY ĐÊ thấy dòng lạc khoản ghi: “Thuận Thiên ngũ niên, Nhâm Tý, tam nguyệt, thượng…” (chữ còn lại mờ). Nghĩa là Tháng 3 năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 5 (1432), hoàn toàn khác với sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN.

Những thông tin “cãi nhau” như thế, biết tin vào đâu?

II

Nêu tóm tắt như vậy, để thấy sự “cãi nhau” ngay cả trong những tư liệu quan trọng nhất. Vậy sự thật thì Lê Lợi có phải là tác giả của hai bài thơ khắc trên đá ở Lai Châu và Hòa Bình hay không? Ai mới là người thay mặt Lê Lợi viết hai bài thơ trên? Xin nêu vài giả thiết:

1.Hai bài thơ THÂN CHINH PHỤC LỄ CHÂU ĐÈO CÁT HÃN và CHINH ĐÈO CÁT HÃN, QUÁ LONG THỦY ĐÊ, đều ghi là NGỌC HOA ĐỘNG CHỦ. Sử chép Lê Lợi chỉ có một danh xưng là LAM SƠN ĐỘNG CHỦ thôi. Hai bài thơ nêu trên, có thể là do Nguyễn Trãi làm thay vua Lê Lợi. Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi viết nhiều văn bản, ví như QUÂN TRUNG TỪ MỆNH…ví như ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ chẳng hạn. Nguyễn Trãi viết, thì đương nhiên Nguyễn Trãi là tác giả.

Ở bài thơ THÂN CHINH PHỤC LỄ CHÂU ĐÈO CÁT HÃN có câu thơ “Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ”…Bài thơ QUÁ HẢI (Vượt biển) của Nguyễn Trãi cũng có câu này. Chả lẽ Nguyễn Trãi lại phải “đạo thơ” của Lê Lợi ư? Bài thơ QUÁ HẢI như sau:Phiên âm:

(Long Vĩ sơn tại Vạn Ninh huyện, thủ cứ tuấn ngạn, vĩ tiệt hải biên, vãng lai chu tiếp trở phong lãng giả đa).

Bất tận nhàn sầu độc ỷ bồng,Thùy quang diếu diếu tử hà cùng.Tùng lâm địa xích cương Nam Bắc,Long Vĩ sơn hoành hạn yếu xung.Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,Tráng hoài hô khởi bán phàm phong.Biên chu tiện ngã triều thiên khách,Trực giá kình nghê khóa hải đông.

Dịch nghĩa:

(Núi Long Vĩ ở huyện Vạn Ninh, đầu tựa vào bờ cao, đuôi ngăn lấy mé biển, thuyền bè qua lại thường gặp sóng gió)Gạt hết âu sầu vớ vẩn, một mình tựa mui thuyền,Ánh nước mênh mông, tứ thơ nói sao cho hết được?Rừng tùng ngăn đất làm giới hạn cho Bắc (Trung Quốc) Nam (Đại Việt),Núi Long Vĩ Nằm ngang làm nơi ngăn trở (kẻ thù) rất hiểm yếu.Nghĩa khí quét phăng ngàn lớp mây mù,Tráng hoài gọi gió nổi, buồm căng nửa cánh.Chiếc thuyền nhỏ mừng ta làm khách đi chầu trời,Cưỡi kình nghê mà vượt thẳng biển đông.

2.

Nguyễn Trãi có đi tháp tùng vua Lê Lợi trong chuyến nhà vua đích thân đem đại quân đi chinh phạt cha con Đèo Cát Hãn hay không?

Điều này cũng không thấy ghi trong ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên. Trong vụ án Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi cũng bị bắt giam, nhưng rồi may mắn được tha. Không bị giết, nhưng từ đó Nguyễn Trãi bị thất sủng. Chỉ ngồi chơi xơi nước, nên ông rất buồn. Sau đó Nguyễn Trãi xin về ẩn cư ở Côn Sơn. Bạn đọc thơ Nguyễn Trãi (thơ chữ Hán) sẽ thấy rõ. Có lẽ, khi chủ biên sách ĐVSKTT, đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi đã bị giết cùng ba họ rồi, thế nên, sử thần Ngô Sĩ Liên cũng ngại nhắc đến tên Nguyễn Trãi và những người cùng đi với Lê Lợi lên Tây Bắc hay chăng? Thực tế thì sách ĐVSKTT cũng nói đến sự kiện lớn này vẻn vẹn chỉ có một câu tổng quát, không thấy ghi rõ chi tiết gì.

Tuy nhiên, Nguyễn Trãi vẫn có tới 4 bài thơ mừng chiến thắng thu phục được thủ lĩnh Đèo Cát Hãn. Đó là 4 bài thơ chữ Hán có nhan đề chung là HẠ TIỆP. Nghiên cứu, dịch thơ và bình giải cả 4 bài thơ Hạ Tiệp (Mừng thắng trận) của Nguyễn Trãi, thấy ông miêu tả khá chi tiết khí thế ba quân, kể cả những cuộc hành quân ở vùng núi cao hiểm trở, vô cùng gian nan vất vả.

BÀI I

Dịch nghĩa:

Tên tù trưởng mọi rợ kia dám quấy phá biên giới,Chứa hung tích ác đã nhiều năm rồi.Tấm lòng sáng suốt của cửu trùng (nhà vua) thương xót phong tục phương xaXe loan xông pha nơi lam chướng xa muôn dặm.Đã nghe quân đồn thú miền núi thu hồi được trấn Ngụy Bác,Lại thấy chữ vua khắc ở vách đá núi Yên Nhiên.Từ nay bốn biển xe cùng chung đường, sách viết cùng một chữ,Đức dày công lớn ấy hơn cả muôn đời xưa.

Ở bài thơ này, thấy tác giả chỉ mượn điển tích bên Tàu. Ví như địa danh “trấn Ngụy Bắc” và “Yên Nhiên”. Ngụy Bắc chính là tên một trấn, thuộc tỉnh Trực Lệ ở đời nhà Đường. Khi Điền Duyệt giữ chức Tiết độ sứ ở đây, rồi nổi dậy làm phản. Nhà Đường cử binh đi đánh dẹp, thu hồi đất này. Còn Yên Nhiên là tên núi phía bắc tỉnh Ninh Hạ. Đời Hậu Hán, tướng Đậu (Đỗ) Hiến đánh bại Bắc Thiền Vu, rồi lên núi Yên Nhiên khắc ghi công trạng vào núi đá. Nguyễn Trãi lấy tích bên Tàu để so sánh với công lao chinh phục Đèo Cát Hãn của Lê Lợi. Cũng nên hiểu rằng việc khắc bài thơ vào vách đá ở nơi xa xôi hiểm trở, không thể một sớm một chiều là xong. Công việc đục đá, mài đá, rồi tìm thợ giỏi chữ đẹp để viết vào bia, rồi đến việc khắc chữ vàò tấm bia, rất công phu. Lại còn phải có vị quan nào đó kiểm tra công việc sát xao, không được sai một chữ, thiếu một nét nào. Thường thì phải sau một vài tháng mới xong. Việc này thường giao cho quan địa phương đảm nhiệm, chứ nhà vua có trực tiếp ở đó xem xét kiểm tra được đâu.

BÀI II

Dịch nghĩa:

Bọn gian thần tặc tử tội khó dung tha,Cuối cùng rồi phải sa vào lưới pháp luật.Đất cùng há có thể kéo dài được hơi thở tàn,Trước sân chầu đã tâu lên công trạng to lớn.Tiếng tù và vang muôn dặm dưới bóng trăng nơi núi khe,Cờ quạt khắp nghìn non theo gió phất phơ cùng với cây cối.Bốn biển từ đây sẽ mãi mãi yên lặng,Sớm liệu tìm cây phù tang để treo cái cung trời.

BÀI III

Dịch nghĩa:

Thánh triều vỗ yên phương xa và thương xót kẻ ngu tối,Sao ngươi chẳng biết gì mà tự giết mình?Mối thù sâu bao nhiêu đời làm cho dân biên giới oán giận,Dối trời là tội lớn, quỷ thần sẽ tru diệt.Đừng đem việc đời trước mà vin vào đời nay,Không làm người tôi trung , lại đi bắt chước tên tù phản nghịch.Báo cho kẻ phiên trấn sau này biết,Vết bánh xe đi nghiêng đổ ở con đường phía trước.

BÀI IV

Dịch nghĩa:

Dối trời lừa vua, bảo rằng trời cao không biết,Lưới trời lồng lộng, (các ngươi) càng không thể thoát được.Ngoài cửa núi non trùng điệp, sự hiểm trở cũng uổng công xếp đặt (mà thôi)!Rừng sâu chim không có chỗ về đậu,Chốn Man Khê đường xa xôi, xe loan phải đi quanh co.Nơi trướng ngọc, mưu sâu đã định đoạt kế “Hổ thao”Bốn biển từ nay đều được yên tĩnh,Đã biết trước được rằng sau này nhàn hạ là do khi trước đã phải chịu nhiều khó nhọc.

“Hổ thao”là kế gì vậy? Chả là ở khoảng giữa hai tỉnh Hồ Nam và Quý Châu (bên Tàu) có năm cái khe. Các bộ tộc người thiểu số ở đó, nên gọi là NGŨ KHÊ MAN. Đời Hậu Hán, Mã Viện từng đem quân đi đánh NGŨ KHÊ MAN. Tác giả mượn điển này để chỉ việc Lê Lợi đi đánh Đèo Cát Hãn. Còn NHƯ “HỔ THAO”, chính là một trong sáu phép dùng binh, tương truyền do Lã Vọng (Khương Tử Nha) đời nhà Chu soạn, gồm Văn thao, Vũ thao, Long thao, Hổ thao, Báo thao, Khuyển thao. Có lẽ Lê Lợi đã dùng kế “Hổ thao” để “điệu hổ ly sơn”, dụ Đèo Cát Hãn ra khỏi núi để bắt chăng?

Không đi, không đến, sao có thể miêu tả cuộc hành quân chi tiết như vậy? Cũng có thể Nguyễn Trãi viết 4 bài thơ mừng thắng trận sau khi cuộc hành quân đã kết thúc. Cha con Đèo Cát Hãn không bị bắt tại trận. Họ đã chạy thoát vào rừng núi mênh mông. Nhưng sau đó, chắc là nhận thấy chạy trốn cũng chưa chắc đã ổn, cho nên cha con Đèo Cát Hãn tự ra đầu hàng. Lê Lợi lại phong chức ban tước cho cha con Đèo Cát Hãn như cũ. Lại cho cai quản vùng đất cũ và còn phong là Phò Mã, để vỗ yên cha con thủ lĩnh họ Đèo. Ở thời giặc Minh cai trị nước ta, Đèo Cát Hãn đã làm quan cho nhà Minh, được nhà Minh trao quyền cai trị vùng đất Mường Lễ.

Nhà sử học Phạm Thận Duật đời nhà Nguyễn viết trong trong cuốn HƯNG HÓA KÝ LƯỢC, thì cho rằng bài thơ CHINH ĐIÊU CÁT HÃN, QUÁ LONG THỦY ĐÊ chưa chắc đã phải của Lê Lợi. Có nhà nghiên cứu đời nay đoán rằng có thể là thơ của Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi, nhưng kết luận còn có ý e dè, ngại một cái gì đó, nên còn loanh quanh chưa dám nói thẳng ra. Lại còn lo ảnh hưởng đến lịch sử, đến chính trị nữa…Tóm lại, căn cứ vào những phân tích nêu trên, đặc biệt là căn cứ vào thi pháp và phong cách thơ Nguyễn Trãi, tôi ngờ rằng mấy bài thơ được khắc vào bia đá ở Lai Châu và Thác Bờ (Hòa Bình), là thơ Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi.Chúng ta có ngại gì câu chuyện ai là tác giả đâu. Dẫu có khẩu khí của Lê Lợi, thì cũng chả khác gì chuyện Nguyễn Trãi viết BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, “Ta đây núi Lam Sơn dấy nghĩa / Chốn hoang dã nương mình”… chẳng phải là viết thay Lê Lợi đấy sao? Làm gì có chuyện làm mất giá trị tư tưởng và lịch sử của bài thơ đâu mà phải lo? Ý chí hào hùng là của Lê Lợi (và cả muôn người), còn văn chương là của người sáng tác. Ngoài Nguyễn Trãi thì còn ai nữa không?

Lê Lợi là một nhà quân sự, giỏi về chiến lược, giỏi việc dùng binh. Thêm nữa, ông còn giỏi việc dùng người. Cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo sở dĩ thành công, cũng còn do ta có được THIÊN THỜI-ĐỊA LỢI-NHÂN HÒA. Lê Lợi là anh hùng dân tộc. Nhưng Lê Lợi không phải là một văn nhân thi sĩ. Ai đó cứ liều lĩnh say sưa viết rằng Lê Lợi là một ông vua “văn võ song toàn”, thì e rằng cũng thật khó lọt tai lắm !

ĐÂY LÀ 3 BÀI THƠ ĐƯỢC KHẮC TRÊN VÁCH ĐÁ Ở THÁI NGUYÊN, LAI CHÂU VÀ HÒA BÌNH(Theo sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN):IPhiên âm:THÂN CHINH THÁI NGUYÊN CHÂU Bất tử vạn lý chỉnh sư đồ,Duy mục biên manh xích tử đô.Thiên địa bất dung gian đảng tại,Cổ kim thùy xá bạn thần tru.Trung lương tự khả ưng đa phúc,Bạo bột chung nan bảo nhất khu.Đới lệ bất di thần tử tiết,Danh thùy vạn thế dữ sơn câu.

Dịch nghĩa:Chỉnh đốn quân đội không từ gian nan muôn dặm đường,Chỉ mong muốn dân vùng biên giới, thương họ như con đỏ đời sống được tươi tỉnh lại.Trời đất chẳng dung tha bọn gian đảng để chúng tồn tại,Những kẻ bề tôi làm phản đáng tội giết, xưa nay ai mà tha chúng.Người trung lương tự họ có thể đón nhận nhiều sung sướng,Kẻ phản nghịch hung bạo khó giữ được thân mình.Danh phận bề tôi với đất nước không thay lòng đổi dạ,Tên tuổi còn mãi với muôn đời cùng sông núi.(Nguyễn Tiến Đoàn dịch)IIPhiên âm:THÂN CHINH PHỤC LỄ CHÂU ĐIÊU CÁT HÃN Cuồng tặc cảm bô tru,Biên manh cửu hễ tô.Bạn thần tùng cổ hữu,Hiểm địa tự kim vô.Thảo mộc kinh phong hạc,Sơn xuyên nhập bản đồ.Đề thi khắc vu thạch,Trấn ngã Việt tây ngung.Dịch nghĩa:THÂN CHINH ĐI ĐÁNH DẸP ĐIÊU CÁT HÃNỞ CHÂU PHỤC LỄBọn giặc ngông cuồng đáng tội giết dám trốn chạy ư?Dân chúng vùng biên giới từ lâu mong chờ nhà vua đến để đời sống họ tươi tỉnh lại.Xưa nay vẫn có bọn bề tôi làm phản,Đất hiểm yếu từ nay không bóng giặc.Gió thổi cỏ, hạc kêu cây, bọn giặc cũng kinh hoàng.Núi sông ở đây vào bản đồ đất nước,Ta đề thơ khắc vào đá,Trấn giữ miền tây nước Việt ta.(Nguyễn Tiến Đoàn dịch)IIIPhiên âm:CHINH ĐIÊU CÁT HÃN, QUÁ LONG THỦY ĐỀ(Thuận Thiên nhị niên mạnh hạ)Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,Lão ngã do tồn thiết thạch can.Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,Tráng tâm di tận vạn trùng san.Biên phòng vi hảo trù phương lược,Xã tắc ưng tu kế cửu an.Hư đạo nguy than tam bách khúc,Như kim chỉ tác thuận lưu khan.(Hoàng Việt thi tuyển-Bùi Huy Bích)Dịch nghĩa:ĐI ĐÁNH ĐIÊU CÁT HÃN TRỞ VỀQUA ĐƯỜNG ĐÊ LONG THỦY(Tháng tư niên hiệu Thuận Thiên thứ 2-1429)Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn,Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá.Nghĩa khí quét sạch nghìn lớp mây mù,Tráng tâm san phẳng muôn trùng núi non.Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng,Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu.Lời truyền ba trăm ngọn thác quanh co rất nguy hiểm,đã thành lời hư không,Ngày nay chỉ coi như thuận dòng chảy xuôi.Dịch thơHiểm nghèo, đâu quản khó khăn,Tuy già ta vẫn bền gan vững lòng!Khí thiêng quét sạch mây giăng,Tráng tâm san phẳng mấy tầng núi non.Biên cương phương lược vẹn tròn,Giữ nền Xã Tắc mãi còn dài lâu.Ba trăm ghềnh thác xá đâu,Nay xem cũng chỉ là câu dọa người!...(VŨ BÌNH LỤC-dịch)

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/le-loi-co-phai-nha-tho-khong-81110