Lễ Kỳ Yên ở đình Chí Hòa

Nằm gọn trong con hẻm số 475 đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM - mặc cho thời gian lưu dấu gần 300 năm nay, ngôi đình Chí Hòa vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm, uy nghi của mình.

Trong những ngày từ 12 - 14.3 (tức ngày 16 - 18.2 âm lịch), không khí tại đình lại rộn rã, tấp nập bà con thập phương về dâng hương dự lễ Kỳ Yên.

“Kỳ Yên” có nghĩa là cầu an, là lễ long trọng, qui mô nhất trong năm của đình, được tổ chức với nhiều nghi thức theo đúng phong tục truyền thống.

Từ 8 giờ sáng, ban tế lễ và các cụ lão trong đình đã chuẩn bị cho nghi thức rước sắc thần từ nhà chánh bái về đình. Đây là sắc phong của Vua Tự Đức phong cho đình ngày xưa. Đình Chí Hòa này là ngôi đình cổ nhất tại TP.HCM với gần 300 năm tuổi.

Đình Chí Hòa trước kia có tên là đình Hòa Hưng, theo tập quán thường lấy tên làng đặt cho tên đình. Tương truyền, khi mới ra đời, ngôi đình chỉ lợp bằng lá đơn sơ. Đến năm thứ 5, đời Vua Tự Đức, vào ngày 16.2 năm Nhâm Tý, 1852, đình được vua ban sắc phong. Từ đó, ngôi đình được xây dựng, tu bổ lại như ngày nay. Ngày 16.2 âm lịch cũng được lấy làm ngày lễ Kỳ Yên của đình hằng năm.

Sắc được thờ tại từ đường của một vị tiền hiền ở đường Vườn Chuối, Q.3 (TP.HCM), đầy thiêng liêng và kính cẩn. Sắc đựng trong hộp gỗ phủ vải điều và theo tục lệ được đưa lên long xa, hai bên có học trò lễ hộ giá để rước về đình cúng lễ. Sau lễ Kỳ Yên, sắc sẽ được mang về an vị lại tại từ đường của gia đình thờ tự.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, thế hệ thứ tư của gia đình thờ sắc phong của Vua Tự Đức: "Tôi cũng không rõ lắm vì sao gia đình được thờ sắc vua và thờ từ khi nào. Chỉ biết rằng trong bảng "Tiền hiền khai cẩn" được thờ tại đình Chí Hòa có tên ông cố tôi là cụ Nguyễn Văn Nhu. Ngày cúng sắc ông, rước sắc thần là ngày quan trọng nhất của gia đình. Thiêng liêng lắm! Theo truyền thống, gia đình tôi qua các đời đều chọn ra một người con trai để truyền lại việc thờ sắc, xem đó là một đạo lý và sống sao cho xứng đáng".

Ông Nguyễn Trọng Lai, Phó Ban quản lý di tích đình Chí Hòa cho biết: "Để tổ chức lễ, chúng tôi phải chuẩn bị trong gần ba tháng để lo chu toàn các nghi thức lễ hội. Qua đó với mong muốn rằng mọi người và đặc biệt là thế hệ sau này hiểu được ý nghĩa của những lễ hội ở các nơi di tích".

Mấy ngày nay, bà con từ khắp nơi cứ nườm nượp đổ về đình Chí Hòa. Mọi người đến đây mỗi người một tâm nguyện nhưng tất cả đều mang lòng thành kính. Vừa lễ thần, xem lễ và vừa xem hát.

Dưới đây là một số hình ảnh của lễ Kỳ Yên tại đình Chí Hòa:

Đình Chí Hòa rộn rã, nhiều sắc màu trong những ngày lễ

Người dân xem múa lân tại sảnh đình

Các nghi thức tế lễ

Các lễ vật dâng thần, tế heo sống với nghi thức chánh tế

Nườm nượp bà con từ khắp nơi đổ về đi lễ...

... Và thành kính dâng hương, cầu phúc

Cầu bình an, sức khỏe, may mắn cho gia đình

Cụ Võ Trường Toản được thờ ở đình Chí Hòa

Viên An
Ảnh: Việt Bách - Nguyên Mi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/le-ky-yen-o-dinh-chi-hoa-414063.html