Lễ hội Vu Lan báo hiếu - Ngũ Hành Sơn

Trong 2 ngày 20 và 21-8 (nhằm mồng 10 và 11-7 năm Mậu Tuất), tại động Âm Phủ thuộc Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, UBND Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) sẽ phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Q. Ngũ Hành Sơn tổ chức Lễ hội Vu Lan báo hiếu - Ngũ Hành Sơn năm 2018.

Động Âm phủ - nơi tổ chức Lễ hội Vu Lan báo hiếu - Ngũ Hành Sơn năm 2018.

Theo ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, đây là lần thứ 2 Lễ hội Vu Lan báo hiếu - Ngũ Hành Sơn được tổ chức tại động Âm Phủ. Động Âm Phủ là một trong những điểm tham quan, hành hương chính nằm dưới ngọn Thủy Sơn thuộc Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, gắn liền với các hoạt động văn hóa tâm linh từ xa xưa. Cùng với tạo tác độc đáo của tự nhiên, nơi này đã được các cấp thẩm quyền, các Chư tăng, Phật tử và nhân dân dành nhiều công phu, tâm huyết tu bổ, tạo dựng cảnh giới âm phủ theo quan niệm Phật giáo. Do kiến tạo độc đáo của thiên nhiên mà động Âm Phủ trở thành một trong những hang động lớn và huyền bí nhất ở quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đặc biệt, tại nơi đây có đặt tượng thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, vị bồ tát cứu rỗi linh hồn ở âm phủ theo quan niệm nhà Phật.

Từ nhiều năm qua, Chư tăng, Phật tử, khách hành hương đã chiêm bái, thực hành các nghi thức tôn giáo tại động Âm Phủ. Vào thăm động Âm phủ sẽ cho mọi người cái nhìn khái quát về một thế giới tồn tại giữa ác và thiện, răn đe con người nên làm điều lành, tránh điều dữ, biết hướng tới một cuộc sống hòa bình, an vui và hạnh phúc. Trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu, người dân và du khách bước xuống động Âm Phủ không phải để xuống 10 tầng địa ngục, mà là để cảm nhận từ lòng đất này một nguồn suối nhiệm mầu nuôi dưỡng cho sự sống, để sống đẹp hơn, thiện hơn và thật hơn. Ông Nguyễn Hòa khẳng định: "Việc tiếp tục tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu tại động Âm phủ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân, đồng thời góp phần làm nên một Ngũ Hành Sơn với một dấu ấn riêng biệt, thu hút du khách đến với khu danh thắng này. Một vùng thắng cảnh sinh thái tự nhiên đan xen đời sống tâm linh một cách hài hòa, tồn tại trong lòng đô thị hiện đại nhưng không tạo sự lạc điệu, mất đi giá trị cảnh quan và văn hóa tâm linh...".

Thượng tọa Thích Huệ Vinh - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Q. Ngũ Hành Sơn cho rằng, Lễ hội Vu Lan báo hiếu là một phong tục văn hóa dân gian, tín ngưỡng tốt đẹp về hiếu đạo nhằm ghi nhớ công ơn cha mẹ và biểu thị tâm linh Phật giáo cổ truyền của người Việt, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội Vu Lan báo hiếu được xuất phát từ truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiền Liên. Ngài là người đại hiếu đã cứu mẹ của mình là bà Thanh Đề ra khỏi kiếp đọa đầy ở Địa Ngục, bằng cách y theo lời Phật dạy. Ngài đã thiết lễ Vu Lan bồn, thỉnh Chư tăng cầu nguyện cho mẹ của mình và cũng nhờ thần lực đó các vong linh khác cũng được siêu thoát vào cõi giới an lành. Từ đó, người con Phật noi giương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch mỗi năm, ai ai cũng phát tâm tụng kinh Vu Lan báo hiếu thỉnh Chư tăng để cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên siêu sanh miền Cực Lạc. Ngoài ra, lễ hội Vu Lan báo hiếu còn mang đậm sắc thái nhân văn về việc tri ân, báo ân nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long bằng cách cài những đóa hoa hồng lên áo. "Đóa hồng thắm tươi này là một sự nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên công ơn trời biển của cha mẹ", Thượng tọa Thích Huệ Vinh nói.

Cài hoa hồng hiếu hạnh là một trong những nghi thức quan trọng của Lễ hội Vu Lan báo hiếu.

Cũng theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, ngày Vu Lan là ngày báo hiếu cha mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng. Trong dịp lễ này, người dân nói chung và bà con Phật tử ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên, cúng dường trai tăng, công đức để cha mẹ được sống trong cực lạc. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là dịp "nhắc nhở" các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Đồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hóa Phật giáo đó là "Từ, bi, hỷ, xả", "vô ngã, vị tha", "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây". Những bông hồng cài áo sẽ nhắc nhở người con nhớ về đức sinh thành của mình...

Ông Nguyễn Hòa cho rằng, như kinh Phật đã viết "Tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu". Lễ Vu Lan báo hiếu - Ngũ Hành Sơn năm 2018 là dịp để muôn triệu trái tim cùng ôn lại công sinh thành, dưỡng dục cao dày của cha mẹ. Đồng thời, qua đó nhắc nhở, khơi dậy tinh thần hiếu hạnh trong mỗi con người cần phải noi theo gương đại hiếu của Đức Mục Kiền Liên. Ngài đã khai đường chỉ lối cho chúng ta thực hiện đúng nghĩa đạo hiếu đối với các bậc sinh thành, đạo hiếu như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước đã thấm sâu vào cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam. "Trong tâm thức mỗi người dân Việt, lễ Vu Lan báo hiếu từ lâu đã thành một ngày trọng đại, không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hóa tâm linh nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng; để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất, các chiến sĩ hy sinh vì nghĩa lớn; cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình... thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc", ông Nguyễn Hòa nói.

TRÍ DŨNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_193905_le-hoi-vu-lan-bao-hieu-ngu-hanh-son.aspx