Lễ hội Vu Lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn 2018: - Tri ân hiếu đạo

Sáng 20-8 (nhằm ngày 11-7 Mậu Tuất), tại động Âm Phủ thuộc Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) chính thức diễn ra Lễ hội Vu Lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn 2018.

Nghi thức thả bong bóng cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình và chúng sinh an lạc.

Ai sinh ra cũng có nguồn cội

Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Q. Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Vu Lan báo hiếu xuất phát từ truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiền Liên. Ngài là người đại hiếu đã cứu mẹ mình là bà Thanh Đề ra khỏi kiếp đọa đầy ở địa ngục, bằng cách y theo lời Phật dạy. Ngài đã thiết lễ Vu Lan bồn, thỉnh Chư tăng cầu nguyện cho mẹ và cũng nhờ thần lực đó, các vong linh khác cũng được siêu thoát vào cõi giới an lành. Từ đó, người con Phật noi gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên, cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, ai ai cũng phát tâm tụng kinh Vu Lan báo hiếu thỉnh Chư tăng cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên thoát khỏi chốn u minh được về cõi Tịnh. Ngoài ra, Lễ hội Vu Lan báo hiếu còn mang đậm sắc thái nhân văn về việc tri ân, báo ân, nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long bằng cách cài những đóa hoa hồng lên áo. Người cài hoa sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên công ơn cha mẹ…

Ông Nguyễn Hòa – Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn cho rằng, trong tâm thức mỗi người dân Việt, Lễ hội Vu Lan từ xưa đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, ngày càng được bồi đắp, góp phần làm sáng đạo lý của dân tộc Việt Nam bởi một lẽ giản đơn, ai sinh ra cũng có nguồn cội… “Cha mẹ kính yêu cho ta hình hài, nuôi dưỡng ta trưởng thành, khôn lớn và quê hương, đất nước nuôi dưỡng ta tâm hồn mang bóng hình xứ sở. Bởi vậy, vào dịp này, cùng với nghĩa tri ân công lao, sự hy sinh sánh ngang biển trời của cha mẹ, chúng ta còn thể hiện sự tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất, cầu siêu cho các chiến sĩ hy sinh vì nghĩa lớn; cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình,… thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ông Nguyễn Hòa khẳng định.

Mùa Vu Lan hàng năm, các chùa trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn đều tổ chức các hoạt động, nghi thức tôn giáo Vu Lan báo hiếu. Phát huy những giá trị đã đạt được của mùa Vu Lan báo hiếu năm trước, Lễ hội Vu Lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn năm 2018 tiếp tục được mở rộng quy mô tổ chức xã hội hóa nhằm đảm bảo giữ gìn các giá trị truyền thống dân tộc và phù hợp với văn hóa Phật giáo như: lễ Phật khai kinh, cầu siêu anh linh chiến sĩ trong động Âm Phủ, thắp hoa đăng cầu quốc thái dân an, thuyết pháp sự tích Mục Kiền Liên Thanh Đề; văn nghệ quần chúng về các chủ đề “Dân tộc, đạo pháp, hiếu đạo, công ơn cha mẹ…”, cài hoa hồng hiếu hạnh tặng khách tham quan, hoạt động hội trại Vu Lan báo hiếu… Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra các hoạt động “Phụng đạo – yêu nước” thiết thực như lễ tri ân hiếu đạo mừng thọ các cụ cao niên tại địa phương, lễ trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên trong học tập. Tất cả tạo nên một Lễ hội Vu Lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn không còn đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo thuần túy mà trở thành lễ hội văn hóa tinh thần chung của cộng đồng, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để du khách và các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động lễ hội và du lịch trên địa bàn quận. “Vào động Âm Phủ mùa Lễ Vu Lan cho ta cái nhìn khái quát về một thế giới tồn tại giữa ác và thiện. Cái ác sẽ bị trừng phạt, cái thiện sẽ được thăng hoa, là bài học nhân – quả, răn đe con người nên làm điều lành, tránh điều dữ, biết hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn trong một thế giới hòa bình, an vui hạnh phúc”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh khẳng định.

Những Phật tử cài hoa hiếu hạnh cho các Thượng tọa, Đại đức tham dự lễ hội Vu Lan báo hiếu.

Bài học sâu sắc về chữ Hiếu

Lễ Vu Lan báo hiếu là dịp chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Đồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân văn của văn hóa Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Những bông hồng cài áo sẽ nhắc nhở người con nhớ về đức sinh thành của mình… Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho rằng: “Đóa hoa đại chúng cài trên ngực là sự hướng vọng đầy kính ngưỡng về cha mẹ. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu của con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, không chỉ có Phật tử mà nhiều người Việt đến ngày Vu Lan báo hiếu đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn mẹ - cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Tuy nhiên, trong Lễ hội Vu Lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn năm 2018, mỗi người sẽ cùng cài lên ngực áo một bông hồng tươi, thể hiện niềm tự hào vì mình là thế hệ tiếp nối dòng máu của cha mẹ, và cha mẹ dù còn hay mất, vẫn lưu dấu sâu đậm nơi trái tim chúng ta…”.

Ngay trong ngày đầu khai hội, hàng ngàn người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng, du khách trong và ngoài nước đã tạm gác lại công việc, dành thời gian đến động Âm Phủ và các chùa nằm trong Khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn để lễ Phật cầu bình an cho cha mẹ. Những ngôi chùa như: Tam Thai, Linh Ứng, Tam Tôn, Từ Tâm và động Âm Phủ nhộn nhịp khói hương… Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi con người chúng ta bài học sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng.

LÊ HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_194092_tri-an-hieu-dao.aspx