Lễ hội truyền thống của người M'nông Preh

Lễ hội là sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu, quy mô nhất của người M'nông Preh. Buôn Jarah những ngày tháng 3 rộn ràng trong mùa lễ hội. Không khí buôn làng làm thức tỉnh, bừng sáng trong tâm tưởng những ấp ủ, phô diễn hết vẻ đẹp hài hòa của đời sống, hướng đến tương lai. Sự rạng rỡ, vui tươi, hân hoan phảng phất trong không gian đượm màu huyền ảo của thế giới tâm linh. Cộng đồng đang sống trong những ngày đẹp nhất của chu kỳ mùa vụ, nhịp điệu thời gian, sự gắn kết hài hòa giữa đời sống con người với tự nhiên, đời thực với tín ngưỡng đa thần.

Lễ hội người M'nông Preh. Ảnh internet

Lễ hội người M'nông Preh. Ảnh internet

Không gian của những ngày lễ hội được định vị trong tâm thức cộng đồng, được tôn trọng, đặt niềm tin tuyệt đối. Tính trang nghiêm được thể hiện qua cử chỉ, lời nói, sự phấn khởi được lan tỏa, ngầm định trong từng cá nhân, từng gia đình, trong cả cộng đồng. Sự đóng góp vật chất, phân công công việc được thực thi đều hướng về nhiệm vụ chung cho lễ hội. Lễ hội không chỉ được tổ chức 3 ngày, 5 ngày mà phải được chuẩn bị trước đó vài con trăng, từ lúc già làng họp buôn thông báo cho cả cộng đồng đến việc chung trâu nuôi tế lễ, bàn định thóc nếp, lợn, gà, rượu cần làm vật dâng cúng. Không gian thường nhật ngập tràn sức sống, niềm tin của cả cộng đồng, được hình thành dần trong tâm thức, ngày càng đầy lên theo thời gian. Theo quan điểm của họ, các vị thần đang nhìn cộng đồng chuẩn bị lễ vật ra sao, làm cây nêu chưa, đặc biệt là có thành ý không; vì vậy nên bà con phải làm việc chu đáo, nếu không các thần sẽ quở trách. Họ cho rằng các thần biết tất cả, sẽ quyết định dự hay không lễ hội này.

Đối với người M’nông nói chung, cộng đồng M’nông Preh nói riêng, họ không xây dựng nơi thờ tự, đình làng, miếu mạo như người Kinh mà lấy không gian buôn làng làm không gian thiêng. Thày cúng, già làng chọn nơi dựng cây nêu, trồng cây plang, dựng bàn thờ, nơi đó sẽ là nơi thiêng liêng nhất. Như vậy không gian thiêng của cộng đồng trong những ngày lễ hội là không gian được định vị trong tâm thức, không gian thực, nơi xác định thực hành nghi lễ. Sự suy nghĩ của họ với niềm tin của một thế giới đa thần, Brah - thần - Yàng hiện diện khắp nơi, đặc biệt hơn là các thần đều gần gũi với con người. Các thần quần tụ về cùng với sự mời gọi, nhìn nhận, cùng tham gia với cộng đồng đã tạo ra không gian thiêng trong những ngày diễn ra lễ hội. Ngoài ra, những kiêng cữ như không cho người lạ vào buôn, chỉ trừ khách mời, tạo nên sự riêng biệt chỉ cộng đồng buôn Jarah mới có, chỉ họ mới được hạnh hưởng. Không gian của cộng đồng trong buôn đã được thiêng hóa. Người Preh cũng chỉ ra những nơi chốn trang trọng, riêng biệt để tỏ sự thành kính, biết ơn các Brah đã tạo ra chỗ đi về. Như vậy, không gian sống hàng ngày vốn đã thiêng, những ngày lễ hội lại được đẩy lên một cấp độ cao hơn trong cộng đồng. Đó là không gian sinh thái đã được linh thiêng hóa, được nhuốm màu sắc thần bí bởi chính các đặc điểm sinh thái của những không gian ấy.

Trong lễ hội, nơi thu hút sự chú ý nhất là cây nêu. Người M’nông cho rằng cây nêu đã dựng, trâu cúng thần đã cột, tiếng chiêng đã nổi lên thì lễ hội bắt đầu. Cây nêu là thành phẩm tiêu biểu nhất, là công sức của các nghệ nhân, mọi người trong buôn. Cây nêu được làm tỉ mỉ đến từng chi tiết, về kiểu dáng, màu sắc, trang hoàng rực rỡ để cuốn hút, sống động, phải múa được trong gió, thể hiện hết vẻ đẹp mà cộng đồng tô điểm. Đây là kết quả để dâng lên trời đất, cho các thần biết mà vui với cộng đồng trong lễ hội. Những lễ vật dâng cúng là lúa, thóc, cơm nếp, rau củ quả trồng được ở nương rẫy, trứng gia cầm, thịt súc vật nuôi trong vườn như: gà, lợn… được xếp đặt lên bàn thờ, cây nêu. Người M’nông Preh không chọn lễ vật đặc trưng mà họ dâng lên thần linh những gì họ có. Lễ vật do công sức lao động sản xuất, nguồn thực phẩm có sẵn trong tự nhiên mà họ bỏ công hái lượm. Thực ra, những lễ vật này xét tận cùng, không phải đến ngày lễ hội mới xuất hiện, cũng không hoàn toàn có thể coi là thành tố tàng ẩn nhưng xuất hiện trong thời gian thiêng; cũng có thể gọi những lễ vật này là lễ vật thường nhật.

Tất cả sự tạo dựng của cộng đồng từ trong lao động sản xuất, sáng tạo đều có sự góp sức của con người, thần linh. Người dân mang lễ vật đến sắp lên bàn thờ, cây nêu một cách cẩn trọng, theo tâm nguyện. Những tinh tế trong việc tạo dáng, trang trí hoa văn, họa tiết cho thấy sự khéo léo, óc thẩm mỹ, kỹ năng sắp đặt, bố trí. Trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng hết sức quan trọng, từ chất liệu dân gian với vẻ đẹp mộc mạc, hồn nhiên nhưng đầy sức sống, cồng chiêng, dân ca, dân vũ cần phải được trình diễn, diễn xướng. Các vũ điệu dân gian, lời ca, tiếng hát được diễn xướng rất tự nhiên theo cách nghĩ, lối thể hiện mang hơi thở cuộc sống, phô diễn, tái dựng nét hài hòa giữa cuộc sống đang tồn tại với ước mơ, khát vọng muốn gửi đến thế giới các thần, mong được chứng giám, tiếp sức cho cộng đồng.

Với bài khấn thần, ngoài câu chữ thật dễ hiểu, gần gũi, thày cúng phải thể hiện sự thành ý; cúng mà như phân trần, như thỉnh cầu với các thần những điều mà cộng đồng muốn giãi bày. Người M’nông Preh khi cúng đọc tên rất nhiều thần, đặt lễ vật, lần tay từng cái như đếm, như chỉ, động tác lặp lại nhiều lần cho đến hết bài cúng để khoe lễ vật, thành quả lao động, sự sáng tạo cộng đồng.

Họ quan niệm rằng có gì trong nhà, trong buôn đều phải mang ra cúng, nhưng chỉ là con vật tượng trưng làm bằng gỗ, khi được bôi máu của trâu tế lễ nó sẽ là con vật sống nên không sợ các thần quở phạt; điều này không chỉ khoe sự khéo léo, tài hoa trong tổ chức lễ hội mà họ còn cả tấm lòng. Tri thức dân gian, những quan niệm sống gắn chặt với cộng đồng, được sáng tạo, bồi đắp, giữ gìn để làm phong phú cho sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Nếu chỉ sao chụp những hình ảnh, hành động cũng như lời cúng thì khó có thể nắm bắt, khó có được sự hiểu biết thấu đáo về nhiều vấn đề trong quan niệm sống, tín ngưỡng dân gian. Việc ăn bao nhiêu trâu trong một lễ hội tùy thuộc vào quy mô mà cộng đồng muốn cúng tế, phụ thuộc vào sự đóng góp của chủ lễ hay cộng đồng. Theo điều kiện thực tế của buôn làng mà cúng tế cho phù hợp.

Trong các nghi lễ ăn trâu có cúng cầu may cho người đâm trâu. Sau khi người đâm trâu hoàn thành nghi thức đâm chết trâu để tế lễ, thày cúng sẽ có nghi thức cúng cầu may. Lễ vật cúng khá đơn giản, chỉ có ý nghĩa của việc cúng tế là quan trọng. Từ lúc cộng đồng chọn người đâm trâu thì người được chọn phải sống hết sức quy củ, luyện tập chuyên cần để đâm trâu sao cho con trâu nhanh chết. Theo lời bài cúng cho rằng người cúng đã lỡ tay làm chết trâu của các thần, điều này nghe có vẻ mâu thuẫn với việc tế lễ, nhưng khi người M’nông làm việc gì cảm thấy có lỗi với thần linh thì phải cúng. Họ cho rằng cúng cho người chém trâu để xin thần xóa tội. Con trâu lúc này không còn là con vật đơn thuần, mà để dùng cho việc cúng tế, nhưng họ nghĩ nó phải được con người cư xử công bằng, có tình. Cuối cùng, giải pháp được chọn lựa để giải tỏa nút thắt tâm lý phức tạp này của cộng đồng là cúng để việc thực hiện nghi lễ đâm trâu có ý nghĩa. Việc khóc trâu, đâm trâu sao cho nhanh chết, cúng cầu may là những nghi lễ mang giá trị nhân văn cao cả. Nhờ hành động đầy ý nghĩa đó, người chứng kiến, tham dự lễ hội sẽ hiểu hơn tập tục ăn trâu, xóa dần trong suy nghĩ về sự man rợ của cộng đồng.

Nghi lễ chôn cây plang rất quan trọng. Trong tất cả các lễ hội, người M’nông đều trồng cây plang, đây là biểu tượng thể hiện sức sống, sự trường tồn của dân tộc này bất chấp khó khăn, khắc nghiệt, gian khổ. Cây plang thể hiện ý nghĩa kiên cường, khát vọng sống, bản lĩnh của người dân bản địa. Vừa đọc lời cúng, thày cúng vừa lấy cùi chỏ đẩy đất vào gốc plang từng tí một, được lặp lại không nhiều, chỉ mang tính tượng trưng. Hành động này để ma quỷ, thần xấu không nhòm ngó, ngăn cản, phá hoại ý nghĩ, hành động tốt đẹp. Hơn nữa, đây là ý chí, nguyện vọng của cả cộng đồng, cây plang phải sống, vươn lên xanh tốt. Những buôn làng thịnh vượng, thường thấy hàng plang thẳng tắp, vươn lên ở đầu buôn. Họ tự hào về điều này, quyết tâm thực hiện cho bằng được. Khi cộng đồng đặt hết niềm tin vào một vật thể hay loại cây đặc trưng nào thì họ suy nghĩ, gieo vào đó niềm tin thiêng liêng, khó gọi lên hết bằng lời mà phải bằng ý niệm, sự gợi mở để mọi người cùng hướng đến, tự hiểu về giá trị của nó. Chính trong môi trường tự nhiên, xã hội như vậy, hơn bao giờ hết, con người càng có nhu cầu hướng về, tìm lại nguồn cội tự nhiên, hòa mình vào với môi trường thiên nhiên; trở về, tìm lại, khẳng định nguồn gốc cộng đồng, bản sắc văn hóa của mình trong cái chung của văn hóa nhân loại. Thày cúng chỉ thay mặt dân làng kết nối với thần linh để hoàn thiện nguyện ước của cộng đồng. Hành động thiêng phải nằm trong không gian thiêng, thời khắc thiêng, không chậm trễ, không kéo dài mà thực hiện nhanh, kín đáo với ý niệm kết nối giữa thế giới con người với các thần. Ngày hội lễ chính là thời điểm mạnh của cộng đồng, là dịp nhắc nhở về sự gắn bó lâu đời của mọi người với nhau, về những phẩm chất tốt đẹp mà truyền thống để lại.

Có nhiều cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu về lễ hội, nhưng phương pháp diễn giải văn hóa dân gian, miêu tả sâu sẽ soi sáng những nét đẹp còn ẩn khuất trong nhiều hoạt động trong lễ hội, dân gian M’nông. Tri thức của nhà nghiên cứu kết hợp với nhận thức của người bản xứ về chính văn hóa của họ mới giải thích thấu đáo hành động, biểu tượng cũng như những niềm tin gắn với các nghi lễ. Người bản xứ phản ánh cuộc sống của họ theo một lối dẫn riêng nhưng nó cũng vì mục đích là hướng cộng đồng đến mọi điều tốt đẹp. Lấy hiện tại để soi quá khứ, lấy văn minh để so sánh sự mông muội, đặt vấn đề bài bản, chuyên môn bên cạnh sự hồn nhiên, đôi lúc là cần thiết nhưng để đánh giá kết luận một vấn đề về văn hóa dân gian thì phải có sự gợi mở, nhìn nhận, cùng đưa đến một kết luận chung nhất giữa người nghiên cứu với cộng đồng.

Văn hóa dân gian có nhiều dị bản, lại là một thực thể sống nên đôi lúc người bản xứ vẫn chưa nhìn nhận đúng bản chất của nó, có đánh giá chưa thật khách quan giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, giữa buôn này với buôn kia trong cùng một nghi thức của lễ hội. Qua một số vấn đề được phản ánh, ghi nhận trong lễ hội của người M’nông Preh tại buôn Jarah đã chỉ ra những nét đẹp đáng quý của người bản địa về sinh hoạt cộng đồng. Dù sao người bản địa nên phản ảnh đúng, có trách nhiệm về văn hóa của chính họ.

Lê Khắc Ghi

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/le-hoi-truyen-thong-cua-nguoi-m%E2%80%99nong-preh-73781