Lễ hội rước 'vua sống' độc nhất Hà Thành

Hàng năm, vào ngày 11 tháng Giêng, người dân làng Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại tổ chức Lễ hội Đền Sái với những nghi thức rước Vua Chúa sống để tưởng nhớ sự tích vua An Dương Vương trừ yêu, xây thành Cổ Loa năm xưa.

Lễ hội được bắt nguồn từ sự tích An Dương Vương khi xây thành Cổ Loa đã được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ, nhưng thần ma gà tác yêu giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành.

Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên nhà vua mới xây xong thành Cổ Loa. Sau đó, Thần Trấn Vũ được thờ trên núi Sái của Thất Diệu Sơn. Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho làng Thụy Lôi thực hành nghi lễ này. Từ đó xuất hiện lễ hội “Rước vua giả” - còn gọi là lễ rước vua sống - ở đền Sái.

Vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân thôn Thụy Lôi lại họp bầu chọn người ngự ghế Vua, Chúa trò (còn gọi là Thanh Giang Sứ) và bốn vị quan: Quan Thự Vệ, quan Tán Lý, quan Đề Lĩnh, quan Trấn Thủ.

Theo ông Lê Quang Hân, một cao niên trong làng cho hay, tục “rước vua giả” là một phần trong lễ hội đền Sái, được tổ chức từ thế kỷ XV. Nhưng phải tới năm 1987, sau khi khu di tích đền Sái được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, lễ hội mới được đầu tư công phu và được nhiều người biết đến. Ông Hân cho biết, để được chọn vào vai làm “vua”, “chúa”, các cụ ông trên 65 tuổi phải có nhiều năm hoạt động trong hội hương lão của làng, là người uy tín, khỏe mạnh, gia đình văn hóa, mẫu mực, con cháu đề huề.

Lễ rước vua giả đền Sái nhắc nhở con cháu nhớ về một thời kỳ dựng nước của dân tộc – thời kỳ An Dương Vương cùng các quan và nhân dân đồng lòng xây dựng Loa Thành, chống lại thiên tai, địch họa. Việc vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả để tránh hao phí tiền của, công sức của nhân dân là một kinh nghiệm quý báu cho con cháu noi theo thực hành tiết kiệm.

Năm nào cũng vậy, người dân trong làng lại nô nức đi xem hội rước vua, chúa giả. Lễ hội bắt đầu từ 13h với lễ khênh kiệu từ đền Sái về đình làng. Đám rước kiệu đi trong tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng chuông, trống. Lễ hội đã trở thành huyền thoại của nước nhà, đồng thời góp phần khẳng định và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.

Phú Văn

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/le-hoi-ruoc-vua-song-doc-nhat-ha-thanh-527978.html