Lễ hội ở Hà Tĩnh khá thuần, được tổ chức văn minh, an toàn!

Sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương tổ chức lễ hội, đặt ra những vấn đề về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động. PV Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Sinh - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa - gia đình, Sở VH-TT&DL về vấn đề này.

- Thưa ông, Hà Tĩnh có phải là địa phương có nhiều lễ hội và lễ hội ở trên địa bàn có gì khác so với các tỉnh bạn?

Có thể nói, trước đây, Hà Tĩnh là tỉnh có khá nhiều lễ hội, tuy vậy, theo thời gian, đến nay, các lễ hội truyền thống đã bị mai một do sự tác động của nhiều yếu tố lịch sử. Hiện tại, Hà Tĩnh chỉ còn trên 70 lễ hội, trong đó có 12 lễ hội lớn được tổ chức hàng năm (8 lễ hội dân gian truyền thống, 2 lễ hội tôn giáo, 2 lễ hội mới là lễ hội khai trương mùa du lịch biển hàng năm và lễ hội về Chiến thắng Đồng Lộc). Trong số 70 lễ hội nói trên thì có 47 lễ hội diễn ra vào mùa xuân.

Ông Thái Văn Sinh - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa - gia đình Sở VH - TT &DL: Về cơ bản, các lễ hội ở Hà Tĩnh khá thuần, được tổ chức văn minh, an toàn.

Ông Thái Văn Sinh - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa - gia đình Sở VH - TT &DL: Về cơ bản, các lễ hội ở Hà Tĩnh khá thuần, được tổ chức văn minh, an toàn.

Tuy không có nhiều lễ hội như một số địa phương khác nhưng các lễ hội ở Hà Tĩnh lại khá độc đáo. Điểm khác biệt so với các tỉnh bạn là lễ hội ở Hà Tĩnh khá thuần, không có các nghi lễ hiến sinh nhạy cảm như đâm trâu, chém lợn… hay các hoạt động khơi gợi lòng tham, sự tranh giành bạo lực như tranh phết, cướp lộc, phát ấn...

Nhiều năm lại nay, các lễ hội ở Hà Tĩnh diễn ra lành mạnh, văn hóa, đa số là tôn vinh các danh nhân có công với dân, với nước; giáo dục truyền thống văn hóa.

- Nói như vậy thì lễ hội ở Hà Tĩnh không có các điểm hạn chế?

Bên cạnh những điểm đáng ghi nhận ở trên, một số lễ hội ở Hà Tĩnh vẫn còn các hạn chế, khiếm khuyết cần khắc phục như: Vệ sinh môi trường chưa tốt, đốt hàng mã lớn và nhiều (ở đền Củi), hoạt động thờ cúng sai (đi chùa đốt vàng mã và có các hoạt động mê tín dâng sao, giải hạn ở một số chùa), bán sách không phép tại nơi thờ cúng (đền Truông Bát, đền Củi…). Bên cạnh đó, phần hội của một số lễ hội còn nghèo nàn, chưa thu hút được du khách; việc trông giữ xe, ANTT, phòng chống cháy nổ ở một số lễ hội chưa bảo đảm…

Vẫn còn tồn tại hạn chế cần khắc phục tại một số đền chùa như sự lãng phí, hoạt động mê tín, công tác vệ sinh môi trường...

- Để thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội, khắc phục các hạn chế nói trên, ngành VH-TT&DL đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Để thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, thời gian qua, ngành VH-TT&DL đã thực hiện 5 giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về lễ hội. Thứ nhất là tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội, tuyên truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp trong lễ hội, bài trừ các tập tục lạc hậu, những hành xử thiếu văn minh trong lễ hội cho đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, ban quản lý các di tích có lễ hội.

Thứ hai là chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán của địa phương; tăng cường bố trí hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền nếp sống văn minh trong lễ hội và nhắc nhở kịp thời các hành vi phản cảm diễn ra trong lễ hội.

Để việc thực hành tín ngưỡng diễn ra đúng quy định, người dân phải nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội tại các đền chùa

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo ANTT, an toàn tính mạng cho người tham gia lễ hội và du khách, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, ATGT. Chúng tôi cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm về quy định tổ chức lễ hội cũng như pháp luật…

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL chỉ đạo các ban tổ chức lễ hội có phương án tổ chức, bố trí khu vực dịch vụ đảm bảo thuận tiện, phù hợp không gian tổ chức lễ hội; thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết.

Về lâu dài, lễ hội cần trả về cho người dân nhưng cũng cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành

Về lâu dài, lễ hội cần được trả về cho nhân dân, Nhà nước chỉ đứng ra quản lý chứ không đứng ra tổ chức. Bản chất lễ hội là do người dân sáng lập ra và tổ chức. Làm được điều này sẽ phát huy được nguồn lực xã hội hóa rất dồi dào trong nhân dân để giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời, phát huy tính sáng tạo, tạo nên sự hấp dẫn cuốn hút cho các lễ hội.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương cũng như toàn xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/le-hoi-o-ha-tinh-kha-thuan-duoc-to-chuc-van-minh-an-toan/168553.htm