Lễ hội mới trên quê ngoại Đại danh y Lê Hữu Trác

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một lễ hội mới, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Đến năm 2016, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Năm nay, lễ hội diễn ra từ mồng 6 Tết đến rằm tháng Giêng. Để có được sự ghi nhận, đánh giá đúng về tầm vóc của lễ hội như hôm nay, đã có không ít gian nan phải vượt qua, và chỉ có tình yêu với ước vọng xây dựng quê hương giàu đẹp mới giúp người ta vượt qua được khó khăn, gian nan ấy.

 Người dân huyện Hương Sơn nao nức tham gia Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.

Người dân huyện Hương Sơn nao nức tham gia Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.

Thời còn tại ngũ, Đại tá Nguyễn Xuân Lợi đã ấp ủ ước mơ mở hội cho quê hương. Ông trăn trở rất nhiều, tại sao một quê hương “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống cách mạng như quê mình (xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) lại không có một lễ hội xứng tầm; vùng đất quê ngoại của Đại danh y Lê Hữu Trác, nơi an trí mộ phần của ngài lại ít người biết tới? Với vốn sống có tại quê nhà, cùng nhận thức đúng về xu hướng phát triển trên quê hương, ông Lợi đã có những hình dung ban đầu về lễ hội.

Năm 2012, CCB Nguyễn Xuân Lợi bắt tay vào cải tạo khu vực chân dốc Truông Mung. Khu vực này trong thời kỳ kháng chiến là địa điểm bị không quân Mỹ đánh phá nghiêm trọng, bởi đây là một phần của tuyến giao liên huyết mạch Đường Hồ Chí Minh lịch sử. Từ một khu vực khô cằn sỏi đá, lớp thực bì bị bom đạn bào mòn, qua bao tâm huyết và tiền tài vật lực đã dần hình thành một “khu hậu cần kỹ thuật” cho lễ hội với nhà nghỉ, nhà ăn, khu vui chơi giải trí… Ông cũng không quên tham gia tu bổ, chăm chút cho khu di tích mộ và tượng đài của Hải Thượng Lãn Ông ngay gần đó.

Đại tá, CCB Nguyễn Xuân Lợi (thứ 2, từ phải sang) dâng lễ tại nhà thờ Đại danh y Lê Hữu trác ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Năm 2013, lễ hội được tổ chức lần đầu với một lễ rước từ khu mộ phần của Đại danh y về tới đền thờ của ngài ở xã Sơn Quang cách đó 7 cây số. Không nản lòng, năm kế tiếp, CCB Nguyễn Xuân Lợi cùng cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tổng hợp Quý Gia tổ chức một lễ rước và cung tiến chiếc bánh chưng nặng 225kg (đúng bằng số năm mất của Đại danh y), người dân được “phát lộc” bằng bánh trái và những thang thuốc bắc. Nhận món quà trên tay, nhiều người đã bắt đầu cảm thấy không khí lễ hội. Ông Lê Hữu Đức, ở thị trấn Phố Châu, nhớ lại: “Lúc đó, bà con mình vẫn cảm thấy mơ hồ lắm, không biết lễ hội như thế này có duy trì được lâu không. Tôi biết trong lòng ai cũng thấp thỏm mong năm sau lễ hội sẽ tiếp tục được tổ chức".

Đúng với mong mỏi của bà con, năm sau lễ hội to hơn năm trước, dần dà đã có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Lúc đó, nhiều hoạt động xưa nay vốn rời rạc, như: Giải chạy việt dã, giải đua thuyền trên sông Ngàn Phố... cũng được đưa vào nội dung lễ hội. Tiềm năng của lễ hội còn rất lớn bởi nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao trong dân chưa được quy tụ vào đây. Từ năm 2016 đến nay, đặc biệt sau khi lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, lễ hội càng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu. Lễ hội càng thêm có tiếng vì “phong trào” hành hương về nguồn của các bác sĩ Đông y trong khắp cả nước ngày càng thêm mở rộng. Ông Nguyễn Trọng Bằng, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa truyền thông huyện Hương Sơn cho biết: “Trung bình có khoảng 100 đoàn y sĩ, bác sĩ ở các bệnh viện trong cả nước hành hương về nguồn dịp này”.

Ông Bằng cho biết thêm, cùng với lễ hội, người dân địa phương đã có những thay đổi để bắt kịp xu thế, dễ thấy nhất là nhiều vùng đã chuyển sang trồng những loại dược liệu, thực phẩm thuốc. Các công ty du lịch đã có những tour tham quan lễ hội kết hợp với tham quan nông trại nuôi hươu và trồng cam. Huyện ủy Hương Sơn cũng đã phải xét đến những phương án "chống cháy" phòng nghỉ, chống nạn chặt chém du khách trong dịp lễ hội. Dễ thấy sức hút của Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông đã dần lan tỏa, từ người dân sang các cấp chính quyền, từ địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lan rộng ra cả nước.

Trò chuyện với CCB Đại tá Nguyễn Xuân Lợi, người khởi xướng Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi được biết, mục tiêu trong tương lai của lễ hội sẽ còn được mở rộng thêm, đặc biệt là về phía công ty sẽ có những hội chợ làng quê, những trò chơi dân gian được mở ngay trong khuôn viên khu du lịch; địa phương có thể khai thác được nhiều sản phẩm du lịch. Được biết, mới đây, cùng với việc phát hiện và bắt đầu khai thác nguồn nước khoáng nóng Sơn Kim, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông sẽ là tiền đề tạo ra thêm nhiều sản phẩm du lịch mới.

Từ Tết đến nay, người dân trên địa bàn 3 xã: Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Quang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) luôn trong tâm thế lạc quan, phấn khởi không chỉ vì Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông diễn ra tại xã nhà mà còn vì đây là dịp quảng bá bản sắc địa phương, cũng như cơ hội làm giàu từ di tích và truyền thống văn hóa mà người dân lưu giữ.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác năm Kỷ Hợi 2019 có các hoạt động: Đua thuyền trên sông Ngàn Phố; giải chạy việt dã; Lễ dâng hương tại khu mộ Đại danh y Lê Hữu Trác; lễ rước, lễ tế từ khu mộ đến nhà thờ Lê Hữu Trác; ngày 18-2 diễn ra Lễ cầu sức khỏe, cầu quốc thái dân an và thả hoa đăng trên sông Ngàn Phố.

Bài và ảnh: HÀ ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/le-hoi-moi-tren-que-ngoai-dai-danh-y-le-huu-trac-566747