Lễ hội Minh thề được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng ngày 1/3, tại khu di tích quốc gia đền chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng) đã diễn ra lễ hội Minh thề và đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bằng vinh danh cây di sản Việt Nam.

Theo đó, những người tham gia hội thề gồm: Các quan cấp làng như lý trưởng, các tùy tùng giúp việc (nay là các chức sắc trong thôn: trưởng thôn, phó thôn, bí thư...); người trên 18 tuổi ở trong làng; các bô lão, chủ lễ, hội tư văn... Chủ lễ là bậc cao niên, có uy tín trong làng. Tại hội thề có các quan hàng Tổng, hàng Phủ (tương đương lãnh đạo, cán bộ cấp xã, huyện ngày nay) đến dự và chứng kiến lời thề.

Trong hội thề có các lễ vật gồm: Ban thờ, chiếc mũ quan cổ (được đặt trang trọng lên chính diện ban thờ), một con dao nhọn sắc (thường là dao bầu) dùng để vạch đài thể và cắt tiết gà, một con gà trống và một bình rượu đặt dưới ban thờ. Theo quan niệm của người dân địa phương, máu linh kê rất linh thiêng, từ xưa gà là linh vật có thể liên thông giữa trời và đất, ánh sáng và màn đêm bằng tiếng gáy. Do đó, gà trống hành lễ phải có đặc điểm: lông vàng, chân vàng, mỏ đỏ, mào cờ. Sau khi hành lễ xong, gà trống được cắt tiết hòa chung với bình rượu để mọi người tham gia “uống máu ăn thề”.

Chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm

Trước khi khai mạc, các chức sắc trong làng cùng dân làng tế Thánh trong tiếng nhạc bát âm. Tế xong, các bô lão, quan khách, dân làng, chức dịch... quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi dùng dao bầu vẽ một vòng tròn lớn giữa sân miếu làm Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu. Chiếc mũ cổ của Thành hoàng làng được đặt ở vị trí cao nhất trên Đài thề.

Đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn, bô lão của làng do ban tổ chức lễ hội, hội đồng bô lão tuyển chọn bước lên Đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất bách thần.

Đại diện tư văn đọc Minh thề, sau đó tất cả mọi người tham dự cùng hô vang lời thề. Khi lời thề vừa rứt, chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm.

Cuối cùng, chủ lễ nhặt con dao bầu cắt tiết gà trống, hòa vào rượu cùng mọi người tham dự uống thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao. Sau đó, các vị chức sắc trong làng phải uống rượu thề làm việc chí công vô tư và đọc một câu thề. Sau khi các vị chức sắc trong làng uống rượu thề xong, những người tham gia chứng kiến cũng sẽ uống rượu thề.

Mọi thủ tục diễn ra rất nhanh gọn, từ động tác đi lại của đội lễ đến các phần dâng lễ hay nghi thức đều được tối giản theo mong muốn tiết kiệm, hiệu quả nhưng không kém phần trang nghiêm.

Nghi lễ cắt tiết gà pha rượu ăn thề

Lễ hội Minh thề (Minh thệ) hay còn gọi là “Hội thề không tham nhũng” là một lễ hội truyền thống, di sản cấp quốc gia được diễn ra thường niên vào ngày 14 tháng Giêng tại Miếu thờ Thành hoàng bản thổ (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Thụy, TP Hải Phòng). Đây là một lễ hội độc đáo, có sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách con người.

Năm 1561, vợ của Thái thượng Hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã lập ra ấp Lan Niểu (nay là làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên) và quyên góp tu tạo ngôi chùa cổ Thiên Phúc Tự (nay là chùa Hòa Liễu).

Sau khi tu tạo, phần kinh phí quyên góp còn dư, bà đã cho mua hơn 47 mẫu ruộng để chia cho dân cày và một phần làm ruộng công. Những người sử dụng ruộng công sẽ phải trả lại một phần hoa màu theo quy định để làm quỹ dự trữ dùng vào việc cứu đói, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.

Để đề phòng tư lợi, Thái hoàng Thái hậu cùng dân làng lập ra “Hịch văn Hội Minh thề” với lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công. Từ đó, Lễ hội Minh thề đã ra đời, được người dân địa phương lưu truyền, tổ chức hàng năm.

Năm 1993, khu đền chùa Hòa Liễu được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2017, Lễ hội Minh thề tổ chức tại đền chùa Hòa Liễu được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tuy nhiên, theo các chức sắc và người dân địa phương, lễ hội này vẫn dừng lại ở mức độ lễ hội làng, chỉ có những chức sắc trong làng mới uống rượu thề. Người dân mong muốn nâng cấp lễ hội Minh Thề thành lễ hội cấp huyện, thành phố để các cấp lãnh đạo cùng tham gia.

Vũ Ba

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/giai-tri/van-hoa/le-hoi-minh-the-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-245518.html