Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Sáng ngày 24/11 tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố Quyết định Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ trao chứng nhận của Bộ văn Hóa về di sản phi vật thể Quốc gia Lễ tục Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy

Về tham dự tại buổi lễ ông Phạm Văn Tuấn Giám đốc trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, ông Lê Văn Hùng Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyên là Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, đại diện lãnh đạo huyện Như Thanh , lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đông đảo bà con nhân dân về tham dự tại tuổi lễ.

Lễ tục Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh nói riêng và các bản của người Thái ở miền núi trong tỉnh Thanh Hóa nói trung. Người Thái coi đây là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của cộng đồng vì thế mà mọi người trong làng, bản đều có quyền tham gia và hưởng thụ. Xuất phát từ mục đích thờ tướng quân Trần Công Bát ở đền Cấm và mong ước sự bình yên trong cuộc sống như khỏe mạnh, sống lâu, ấm no, hạnh phúc và trả ơn cho các đáng thần linh đã phù hộ cho cộng đồng dân làng làm ăn xây dựng cuộc sống trong suốt cả năm, vì vậy việc tổ chức tục lệ này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tính cố kết cộng đồng, trên tinh thần đoàn kết tạo ra sức mạnh chiến thắng thiên tai địch họa mà còn có ý nghĩa giáo dục tinh thần nhân văn cao cả.

Các Đại biểu tham dự tại lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy

Về nguồn gốc của lẽ Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy: Đây là một sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái sáng tạo ra từ lâu đời, nó được các thế hệ người Thái nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đến nay nó đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống và khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn. Lễ tục này kéo dài từ 1 đến 3 ngày đêm, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong làng bản. Vì thế mà nó sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống của nhiều thế hệ người Thái.

Đông đảo nhân dân trong vùng tham dự tại lễ hội

Lễ hát ăn mừng dưới cây bông của người Thái tại xã Xuân Phúc

Trò diễn tái hiện lại đời sống sinh hoạt của người Thái

Hình thức nghi lễ, trò diễn, vũ hội trong lễ tục đã thể hiện tính cộng đồng trang bản Mường rất chặt chẽ, đó là khát vọng tự do, bình đẵng, không phân biệt giai cấp, sang giàu, nghèo hèn, giữa người với nhau, giữa con người với trời đất, thần linh. Đó chính là nhân sinh quan, vũ trụ quan, thiên- địa- nhân hòa hợp- một ước mơ giản dị của con người đồng thời thể hiện khát vọng được hưởng thụ và sáng tạo: Người nhập vai “thần”, đóng vai “Mường trời” đã mượn cái huyền ảo” cái “linh thiêng” cái “uy” của “thần” để nói cái thực ở đời, răn dạy người đời điều chỉnh các hành vi văn hóa của con người, không làm điều ác, sống yêu thương nhau và làm điều tốt lành. Những lời cúng thần linh, lời dặn cây bông, lời cây thuốc, lời các trò chơi, trò diễn thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả của người lao động, đã góp phần điều chỉnh các hành vi văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Ở đây người lao động đã mượn không gian của lễ hội, mượn tiếng nói của thần linh tạo ra thời điểm tự do nhất, mạnh nhất cho cộng đồng để cùng nhau vui chơi, nhảy múa, cùng nhau ăn uống và cùng nhau làm “thần” trong sáng tạo đầy thăng hoa. Không ai khác chính họ đã thõa mãn nhu cầu văn hóa cao cả của cộng đồng và của chính mình, đồng thời tạo nên tiến ngưỡng mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.

Các đồ lễ trong sinh hoạt văn hóa Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy phản ánh loại hình nghệ thuật ẩm thực đặc thù của cộng đồng cư dân người Thái. Ở đây có sự góp mặt của nhiều loại sản phẩm kinh tế truyền thống từ nông nghiệp trồng trọt, đến chăn nuôi, săn bắn, hái lượm. Đặc biệt là hái thuốc chữa bệnh có ý nghĩa thiết thực cho đời sống của đồng bào. Các loại cây rừng, lá rừng, của rừng…được người xưa khai thác để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, ngoài ra nó còn có giá trị làm phong phú nền y học cổ truyền. Ngày nay, trên phạm vi thế giới, nhất là phương đông, khi mà phương thức chữa bệnh theo đông y ngày càng tỏ rõ thế mạnh và tính khoa học cao cả của nó thì vốn chi thức quý giá từ tục lệ này cần được nghiên cứu, khai thác dưới nhiều góc độ y học.

Người dân chụp ảnh lưu niệm tại lễ hội

Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy có sự hấp dẫn với bao thế hệ người Thái, nhờ sự đóng góp của nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp khác nhau, tạo nên một hình thái văn hóa nghệ thuật của dân tộc.Thông qua tục lệ này, toàn bộ đời sống của bản Mường cổ truyền được tái hiện, bao gồm văn hóa sản xuất (các hoạt động kinh tế), văn hóa ứng sử tiến ngưỡng (phong tục tập quán, quan hệ ứng sử), văn hóa nhận thức (kho tàng chi thức dân gian-Tolklore), về tự nhiên, xã hội, con người. Vì vậy, lễ tục Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy thực chất là một giá trị văn hóa truyền thống của đồng bàoThái. Nó ra đời và tồn tại cùng với sự vận hành của thiết chế bản Mường. Tục lệ do người Thái đứng ra tổ chức, song trên thực tế lễ tục kéo theo cả cộng đồng dân cư cùng trung sống trong bản, trong mường và các vùng lân cận khác tới tham dự, đây là nét đặc sắc của lễ tục này.

Là một điệu múa hát dưới cây bông được ra đời và tồn tại trong đời sống cộng đồng của người Thái từ lâu đời, chính vì vậy lễ tục này đã trở thành một nét biểu trưng của xứ sở, vì thế mà nó được bảo tồn, truyền dạy qua nhiều thế hệ cho đến hôm nay.

Như Thanh được biết đến với nhiều di tích danh thắng nổi tiếng như:Vườn Quốc gia Bến En, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, “được ví như Hạ Long trên cạn”, di tích lịch sử danh thắng Phủ Na- một trung tâm thờ mẫu lớn nằm ở phía tây tỉnhThanh… Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy trở thành di sản phi vật thể Quốc gia đã góp phần làm phong phú thêm giá trị Lịch sử- Văn hóa tại địa phương.

Thanh Lê

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/le-hoi-kin-chieng-booc-may---di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia_n43379.html