Lễ hội - không gian văn hóa tinh thần đặc sắc

Bức tranh lễ hội cổ truyền xứ Thanh vốn phong phú và giàu màu sắc không kém bất kỳ vùng, miền nào của đất nước. Đặc biệt, mùa xuân cũng là mùa của lễ hội, hay là mùa hành hương của con người về nơi khởi phát niềm tin tín ngưỡng, tâm linh...

Người dân trong vùng dâng lễ tại đền Bà Triệu (Hậu Lộc).

Theo thống kê của ngành chức năng, Thanh Hóa hiện có khoảng 300 lễ hội, trong đó có 4 lễ hội cấp tỉnh, 15 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội quy mô làng xã. Lễ hội xứ Thanh bao gồm các lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử; lễ hội tôn giáo – tín ngưỡng; lễ hội gắn với hiện tượng tự nhiên, nhân vật huyền thoại, thành hoàng làng... Nếu xét về quy mô, tính lan tỏa, ý nghĩa, giá trị và hội tụ đầy đủ các yếu tố về thần tích, điển tích, thần điện, lễ nghi, trò chơi, trò diễn thì lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn (Thọ Xuân), lễ hội Sòng Sơn (Bỉm Sơn), lễ hội Hàn Sơn, Cô Bơ (Hà Trung), lễ hội Đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc), lễ hội đền Độc Cước, lễ hội Bánh Chưng - Bánh Dày (Sầm Sơn), lễ hội Cửa Đạt (Thường Xuân), lễ hội Phủ Na (Như Thanh), lễ hội Mai An Tiêm (Nga Sơn), lễ hội đền Quang Trung (Tĩnh Gia)... là những lễ hội tiêu biểu nhất của Thanh Hóa hiện nay.

Nếu xét theo địa lý - vùng miền, thì trên dọc dài quê Thanh, từ Mường Lát chạy vào tận Nghi Sơn, đều có là những “vệt” lễ hội khá dày và đặc sắc. Nếu người Thái có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy; thì người Mông có lễ hội Gầu Tào vào mùa rẫy cuối năm; người Thổ có lễ hội Đình Thi; người Mường có lễ hội Pồn Pôông; người Dao có lễ tục Sắc Bùa... Đặc biệt, các lễ hội gắn với tục thờ Mẫu Thượng Ngàn, Bà chúa Cửa rừng ở Cửa Đạt, Phủ Na, Phố Cát ngày nay đã vượt ra ngoài không gian văn hóa một làng xã hay vùng miền để trở thành lễ hội lớn, thu hút đông đảo khách thập phương khắp cả nước. Có thể nói, lễ hội cũng chính là “ngôn ngữ” của di tích. Đó là thứ ngôn ngữ đặc biệt, có khả năng tạo nên một đời sống khác ngoài không gian, thời gian cho các di tích: cuộc sống trong lòng người, trong cộng đồng để được lưu giữ và trân trọng.

Cứ mỗi độ xuân về và nhất là sau những ngày tết cổ truyền, với niềm thành tín và kính ngưỡng, nhiều làng quê lại nô nức mở hội. Từ miền núi, đồng bằng đến miền biển, tùy theo hình thức lao động sản xuất của cư dân mà có các lễ hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp, lễ hội lịch sử, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hay lễ hội tín ngưỡng dân gian... mang nhiều nét riêng, đặc trưng vùng, miền. Lễ hội gắn với mỗi làng quê thường tuân theo cái nhịp sản xuất và sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. Trong guồng quay bốn mùa ấy, mùa xuân - khi tiết trời ấm áp, vạn vật sinh sôi, lòng người phấn chấn - cũng là mùa bắt đầu một chu kỳ mới trong cuộc sống nông nghiệp và thường được con người chọn để vào hội. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa trước nhất nhằm giúp con người giải tỏa nhu cầu tâm linh, nơi họ cầu xin thần linh bảo hộ phù hộ cho mùa màng tốt tươi, xóm làng an thịnh, trù phú. Đồng thời là một loại hình sinh hoạt cộng đồng long trọng, đem lại niềm vui cho mọi người và cho mỗi cá nhân, khiến họ gắn bó hơn với cộng đồng bằng một niềm cộng cảm đặc biệt và linh thiêng.

Mở hội hay chơi hội mùa xuân đều là cách người Việt ta gửi gắm những hy vọng, mơ ước về cuộc sống no đủ, yên vui. Đồng thời, tưởng nhớ công ơn của các đấng thần linh hay những bậc tiền nhân đã có công với làng, với nước. Vậy nên, lễ hội cũng là một biểu hiện sinh động cho đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp trong văn hóa dân tộc. Đồng thời nó giúp con người bồi đắp thêm các giá trị trong đời sống tinh thần. Chính vì lẽ đó, lễ hội là một trong những thành tố quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Bàn về ý nghĩa và vai trò của lễ hội, có ý kiến cho rằng, lễ hội là một bảo tàng văn hóa, một thứ bảo tàng tâm thức lưu giữ các giá trị văn hóa, các sinh hoạt văn hóa của con người. Bởi bản thân nó chứa đựng những tinh hoa văn hóa của cả cộng đồng và được cộng đồng chấp nhận, cho nên lễ hội luôn luôn cần được bảo tồn, trao truyền và vun đắp cho giàu có. Đồng thời, lễ hội cần được bảo vệ, nhằm tránh sự xâm lấn của các hiện tượng phản văn hóa, phản thẩm mỹ và trái với thuần phong mỹ tục dân tộc.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/le-hoi-khong-gian-van-hoa-tinh-than-dac-sac/131938.htm